Cụ Diệp Bá Thành, sanh năm 1931, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hỏi:
– Nay tôi đã cao tuổi, khi tôi trăm tuổi, khi ấy, không biết thiêu tốt hay chôn là tốt, xin Trưởng ban hướng dẫn, cám ơn.
Trưởng ban trả lời:
– Câu hỏi cụ tuy ngắn gọn, nhưng muốn trả lời cho cụ thông, chúng tôi phải dẫn chứng nhiều lời dạy của Đức Phật cũng như những vị Thiền sư, cụ mới tường tận được. Đầu tiên, dẫn chứng về lời dạy của Đức Phật:
– Ngày xưa, khi Đức Phật 80 tuổi, Đức Phật có căn dặn các đệ tử lớn của Ngài, khi Đức Phật nhập Niết bàn, đem Kim thân của Ngài thiêu để lấy Xá lợi và lập tháp thờ để lưu truyền cho nhiều đời sau.
Ngài Ca Chiên Diên, là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật có hỏi như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, mẹ con nay đã lớn tuổi, bà có nhờ con hỏi Đức Thế Tôn, khi bà mất, nên an táng theo phương thức nào?
Đức Phật có dạy Ngài Ca Chiên Diên như sau:
– Như nước ta đang ở có 5 loại an táng như sau:
– Một: Hỏa táng.
– Hai: Địa táng.
– Ba: Thủy táng.
– Bốn: Mộc táng.
– Năm: Điểu táng.
Năm loại an táng trên phải áp dụng từng người một. Ông nghe rõ lời giải của Như Lai, coi mẹ ông ở vào trường họp nào thì an táng theo loại đó:
Một: Có 2 trường hợp phải hỏa táng:
1- Các người tu tập trực nhận được Phật tánh thanh tịnh của chính mình, luôn sống với Phật tánh ấy, tức họ hiểu xác thân mình là ngũ uẩn kết hợp, không thật, khi tịch diệt, họ liền nhập vào Bể tánh Thanh tịnh Phật giới, an vui trong chỗ vô sanh, tức Niết bàn. Người này họ muốn vào Niết bàn cũng được hay đi chu du trong tam giới cũng được, hỏa táng là thích hợp nhất.
2- Các người tu giác ngộ được lý Bát nhã, họ thấy được Ngũ uẩn giai không, họ thấy tột cùng của mọi sự vật đều là duyên hợp, khi họ chết, hỏa táng là thích hợp.
Hai: Có 3 trường hợp địa táng:
1- Người sống tạo nhiều công trận cho quốc gia, các vị này địa táng để người đời sau có nơi ngưỡng mộ.
2- Các người giàu sang phú qúi, không tu, thiện không làm, tội lỗi cũng không dính, người này địa táng hợp lý, để khoe mồ mã của mình.
3- Người bình thường, ưa quấn quích bên con cháu, họ tin khi chết không rời con cháu, người này địa táng là tốt nhất, để về với con cháu, cũng như con cháu có nơi kính viếng khi đến lễ lộc.
Ba: Có 1 trường hợp thủy táng:
– Những người nào bị chết nơi sông hồ hay biển cả, vì họ chết bởi nghiệp nước, để cho họ trả nghiệp nước cho trọn vẹn, sau này không còn mang nghiệp vì nuớc nữa, nên thủy táng họ là hợp lý nhất.
Bốn: Có 1 trường hợp mộc táng:
– Những người nào thích môi trường được trong sạch. Tâm nguyện của họ là sau khi chết họ muốn làm phân để nuôi cây, không gây ô nhiễm môi trường, nên khi chết, chôn họ rồi trồng lên mộ họ một cây, để rể cây ăn thân xác họ, những người này mộc táng để họ được toại nguyện.
Năm: Có 1 trường hợp điểu táng:
– Người sống ở thế gian họ có phát nguyện bố thí nội tài, khi chết, họ cũng muốn bố thí thân mạng để làm lợi ích cho kẻ khác, người này sau khi chết, đem thân xác họ làm thức ăn cho chim muông, nên điểu táng là đúng nhất.
Ngoài ra, tất cả đều phải địa táng.
Đó là lời Đức Phật dạy, còn ở nước ta thông thường có 2 phần an táng, là hỏa táng và địa táng. Tuy nhiên, các chiến sĩ hải quân nếu họ đang đi công tác trên biển, nếu bị chết, họ phải làm đúng theo binh chủng là thủy táng.
Đặc biệt, có một số người phát nguyện lớn, khó có ai hiểu và làm được. Tuy nhiên, cũng có người muốn mình làm “anh hùng” nên khi chết muốn hiến xác cho ngành Y khoa để cho các sinh viên học hỏi nên có đại phát nguyện này. Người muốn hiến xác phải hiểu thật rõ, bằng không hiểu mà làm càng có thể bị hậu quả xấu sau khi hiến xác.
Chúng tôi xin dẫn chứng một sự việc có thật như sau cho cụ hiểu:
Năm 1.956, tại huyện Bình Chánh, ngoại thành thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Có một cô gái tên Trần Thị L… Cô rất đẹp và thích đi chùa. Năm 19 tuổi, cô xin gia đình đi tu, cô được sư phụ đặt cho pháp danh là Thích Nữ Diệu L…
Năm 23 tuổi, sư cô ấy phát nguyện thọ giới Tỳ kheo ni. Tỳ kheo ni có 300 giới, trong đó có giới xuất gia. Xuất gia đầu là thế tục gia, xuất gia thứ hai là phiền não gia, và xuất gia thứ ba là tam giới gia.
Sư phụ cô hỏi:
– Các giới xuất gia này con có thể thực hiện được không?
Sư cô L… trả lời:
– Bạch sư phụ, con thực hiện được.
Sư phụ cô hỏi tiếp:
– Con thực hiện được, vậy con có lời nguyện gì không?
Sư cô L… thưa:
– Con xin phát nguyện, sau khi bỏ xác thân, con xin hiến xác cho ngành Y khoa, để họ có phương tiện học hỏi, giúp ngành Y khoa Việt Nam sánh vai cùng ngành Y khoa thế giới.
Lời phát nguyện cao cả của sư cô L… được nhiều người biết. Vì vậy, sư phụ cô báo cho trường Đại học Y khoa Sài Gòn, trường Đại học chấp nhận và có giấy cám ơn đặc biệt.
Không ngờ, năm 25 tuổi, sư cô ấy bị tai nạn lưu thông, chấn thương sọ não và chết tại bệnh viện. Cô chết, sư phụ và gia đình cô báo với trường Đại học Y khoa đến nhận xác. Xác cô liền được đưa về phòng bảo quản. Nguyên tắc bảo quản xác là thi thể người chết phải được bỏ hết quần áo ra. Khi thi thể cô vừa bỏ hết quần áo bất ngờ có mấy cậu sinh viên trầm trồ thốt lên:
– Ồ cô gái quá đẹp, đẹp hơn hoa hậu, xem chỗ nào cũng đẹp, nếu cô còn sống…
Xác cô đã được đưa đến chỗ nhận, gia đình và sư phụ cô ra về, coi như việc đã xong. Không ngờ đêm đó gia đình và sư phụ cô đều nằm mộng thấy cô về khẩn thiết xin đem xác cô về chôn cất. Gia đình và sư phụ cô coi như là giấc mộng, không để ý đến. Nhưng liên tiếp 3 đêm đều nằm mộng thấy như vậy. Gia đình và sư phụ cô tìm đến vị Hòa thượng có đức hạnh lớn để hỏi cớ sự về việc nằm mộng của mình. Vị Hòa thượng ấy hỏi sư phụ sư cô Thích Nữ Diệu L…
– Chùa cô tu theo pháp môn gì?
Sư phụ sư cô Diệu L… trả lời:
– Chùa chúng tôi ngày đêm chỉ tụng kinh Phổ môn và Di Đà, chứ không tu gì khác.
Vị Hòa thượng ấy biết và nói:
– Tu theo đạo giác ngộ và giải thoát, không biết lối tu mà có lời đại phát nguyện hiến xác như vậy thì họa chứ không phải là phúc; nếu để tình trạng này kéo dài sư cô ấy chắc chắn sẽ rơi vào hai con đường:
– Một là A Tu La, mà A Tu La loại hung dữ nhất!
– Hai là làm Ngạ quỉ, loại Ngạ quỉ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm.
Gia đình và sư phụ sư cô Diệu L… cầu xin vị Hòa thượng ấy có phương cách nào giúp đỡ sư cô L…
Vị Hòa thượng ấy bảo:
– Sáng mai, sư cô và gia đình lập bài vị sư cô ấy nơi bàn thờ Tổ Thiền tông là Ngài Bồ Đề Đạt Ma, tôi đến để hoá giải cho.
Sư phụ cô Diệu L… và gia đình thực hiện đúng như lời chỉ dạy của vị Hòa thượng có đức hạnh ấy. Ngày hôm sau, vị Hòa thượng ấy đến trước linh vị của sư cô Thích Nữ Diệu L… làm lễ Đức Phật và Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có lời dạy như sau:
– Này sư cô Thích Nữ Diệu L… Trong Nhà Phật có 3 cái đại bố thí:
Thứ nhất: Bố thí pháp, nếu ai phát nguyện như vậy, người đó phải đạt được “Yếu chỉ Phật ngôn” mới dám phát nguyện, để cho người nghe họ hiểu và hành theo lời Đức Phật dạy, nếu ai không biết rõ lời dạy của Đức Phật mà phát nguyện như vậy gọi là “thượng mạn ngôn”!
Thứ hai: Bố thí ngoại tài, vị nào phải có tài vật dư dã mới dám phát nguyện, nếu người nghèo mà phát nguyện như vậy gọi là “đại vọng nguyện tham”.
Thứ ba: Bố thí nội tài, vị nào tu hành ít nhất phải đạt được “Yếu chỉ Bát nhã Tâm kinh” mới nên phát nguyện, khi chết hiến xác cho người khác mới làm lợi ích cho cho người khác được.
Sư cô tu, trong 3 pháp môn bố thí, sư cô chưa học, chưa biết, mà phát nguyện lớn như vậy, tức sư cô vướng vào lỗi: “đại vọng bố thí”.
Nay sư cô đã có duyên đạo cùng ta, ta dạy sư cô biết và thực hành, để không còn hổ thẹn với xác thân của mình nữa và chóng được quả vị vô sanh, sư cô hãy nghe kỹ lời của ta dạy:
– Người khi thọ giới Tỳ kheo, phải thực hành cho bằng được “xuất phiền não gia”, đây là căn bản để vượt ra ngoài tam giới an trú trong vô sanh (Niết bàn) mà Đức Phật đã dạy. Tu theo đạo Phật, nếu không có vị Thiện tri thức chỉ dạy, ngồi đó tu suốt đời cũng chẳng ăn thua gì.
Sư cô, hiện còn là Trung Ấm Thân, chưa vào các đường luân hồi, nên ta còn kịp dạy cô không hổ thẹn với thân tứ đại của cô nữa. Cô hãy lắng nghe ta dạy:
– Cô nhìn thấy mọi người đứng ở đây bằng cái tánh Thấy thanh tịnh của Phật tánh thấy 3 bước như sau:
Bước 1: Cái tánh Phật hay thấy của cô đừng dính với những người đứng ở đây. Nếu cô tập thấy được như vậy, là cái hay thấy Phật tánh của cô không dính với những người này. Trong kinh Đức Phật dạy: “Tâm cảnh không dính nhau là giải thoát”.
Bước 2: Khi Phật tánh của cô thấy cảnh, 2 thứ không dính nhau. Chỗ không dính nhau này, hiện ra một khoảng trống. Vì có khoảng trống này, mà tổng nghiệp của cô lưu trong Tàng thức của cô từ vô lượng kiếp trước, nó tự tuôn đổ ra. Nó tuôn đổ ra bao nhiêu kệ nó. Chỗ này Đức Phật dạy: “Độ vô số chúng sanh, mà không thấy chúng sanh nào được diệt độ”.
Khi cô tập thấy bằng tánh Phật thanh tịnh của cô rồi, cô có cái tưởng gì bằng tánh Phật thanh tịnh của cô, cái tưởng thanh tịnh bằng tánh Phật có sức kỳ diệu lắm.
Nếu cô thấy được bằng tánh Phật thanh tịnh của cô, cô tưởng cho đóm lửa cây nhang hay lửa của cây đèn đang cháy, cho nó bừng sáng lên, tức khắc ánh lửa cây nhang hay ánh đèn tự phát sáng lên.
Lạ thay, lời của vị Hòa thượng ấy vừa dứt, chưa đầy 1 giây, nhang đèn trên bàn thờ sư cô Diệu L… cháy sáng lên 3 lần. Đêm đó, sư phụ cô và gia đình đều chiêm bao thấy sư cô về báo mộng là sư cô đã nhìn được bằng tánh Phật của chính cô, nên cô không còn hổ thẹn xác thân của cô nữa.
Cả gia đình sư cô Diệu L… và sư phụ cô hết lời chân thành cám ơn vị Hoà thượng có đức hạnh nói trên.
(Trích quyển “Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn Giải thoát” – tác giả Nguyễn Nhân)