Tin nổi bật

Phát hiện mới ngoài hệ mặt trời – minh chứng lời dạy của Đức Phật!

Từ hơn 2550 năm trước, khi Khoa học Kỹ thuật chưa phát triển, đời sống con người thời đó chủ yếu dựa vào mặt tâm linh, tín ngưỡng là chính, phần nhiều là mê tín. Trình độ con người thời đó, hiểu biết rất sơ sài và mơ hồ về trái đất họ đang sinh sống, chứ đừng nói chi là những hành tinh xa xôi. Ấy vậy mà trong các Kinh điển Phật Giáo, Đức Phật đã chỉ ra rất rõ chúng ta đang ở đâu, có bao nhiêu hành tinh, có lẫn không có sự sống xung quanh chúng ta? Cấu tạo trong Tam Giới là gì? Thế nào là Tam Thiên Đại Thiên thế giới? Càn khôn vũ trụ là gì?

Trong khuôn khổ bài này, xin không đề cập đến những vấn đề trên, mà chúng tôi chỉ muốn nói đến sự phát hiện mới của các nhà khoa học về vũ trụ. Hơn 2550 năm trôi qua từ thời của Đức Phật, ngày nay với sự trợ giúp của kính thiên văn vũ trụ Kepler (được phóng lên vũ trụ năm 2009), các nhà khoa học tại NASA đã phát hiện được 1705 hành tinh (gồm 685 hệ hành tinh) nằm ngoài hệ Mặt Trời (Đức Phật gọi hệ mặt trời là một Tam Giới). Nghĩa là cho đến nay, ngoài hệ mặt trời chúng ta, khoa học đã tìm ra được 685 hệ hành tinh khác ngoài hệ mặt trời.

Tuy nhiên, Đức Phật có dạy: Một Đại thiên thế giới bằng 1 tỷ Tam Giới. Mà trong càn khôn vũ trụ này có hằng hà sa số Tam Thiên Đại Thiên thế giới như thế. Nghĩa là có hằng hà sa số tỷ Tam Giới. Không thể dùng đầu óc con người mà tính toán con số này được! Bởi vậy, Đức Phật mới nói là vũ trụ này không có biên giới là vậy. Trong Kinh điển, Ngài hay dùng danh từ “không có thủy, cũng không có chung”, nghĩa là “không có bắt đầu, cũng không có kết thúc”, là ý muốn nói đến chỗ này. Chúng ta cũng từ từ chờ xem sự khám phá mới thú vị tiếp theo từ các nhà khoa học, cũng để minh chứng cho lời nói của Thế Tôn vậy.

Hình ảnh sau là đoạn video minh họa sự khám phá mới về vũ trụ của các nhà khoa học NASA (Mỹ), thông qua kính thiên văn Kepler, do một bạn sinh viên ngành Thiên văn của Đại học Washington (Hoa Kỳ) mô phỏng, xin chi sẻ cùng quý độc giả…

Sưu tầm từ Internet…