Thưa quí độc giả và Phật tử,
Nhìn lại lịch sử, vào cuối thế kỷ thứ 13. Khi quân Nguyên – Mông là đội quân vô cùng hùng hậu. Vó ngựa của chúng đi đến đâu thì nơi đó đều bị tàn sát. Ngay cả Châu Âu cũng đều bị chúng khuất phục. Ấy vậy mà dưới sự lãnh đạo và chiến đấu tài tình của quân dân nhà Trần, cụ thể là vua Trần Nhân Tông thì bọn chúng đều 3 lần đại bại dưới chân ta. Ấy là do sự trui rèn tinh thần và ý chí sắt thép của nhà vua cho binh lính của Ngài.
Hơn nữa, suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, phải nói rằng chưa thấy có một vị vua nào khi truyền ngôi vua cho con mà dạy rất rõ ràng, rành mạch và đầy đủ như Đức vua Trần Nhân Tông. Và điều đặc biệt, Đức vua đã dạy quân dân thời ấy giác ngộ và biết đường giải thoát.
Chúng tôi rất may mắn tìm được 5 phần dạy con của Đức vua Trần Nhân Tông như dưới đây trong quyển sách của soạn giả Nguyễn Nhân:
- Dạy cách giữ nước rất hay;
- Dạy cách tuyển dụng người tham gia vào Bộ máy công quyền bình đẳng dựa trên thực lực;
- Dạy thuật đánh giặc ngoại xâm hết sức đặc biệt;
- Dạy tín ngưỡng nói về mê tín và chánh tín trong nhân dân vô cùng minh bạch. Giúp cho nhân dân thời của Ngài không còn mê tín. Vì vậy mà lực lượng của dân ta rất mạnh về tinh thần lúc bấy giờ.
- Dạy đường trở về Phật giới cũng là “quê xưa” của mỗi người.
Để minh chứng một trong những phần nói trên, chúng tôi xin trích một đoạn mà đức vua Trần Nhân Tông dạy con cách đánh giặc và giữ nước qua buổi lễ truyền ngôi vua, trong quyển “Đức vua Trần Nhân Tông dạy con cách giữ nước, tín ngưỡng, công thức Giải thoát và sự thật nơi trái đất này” do soạn giả Nguyễn Nhân sưu tầm và biên soạn:
“….
Thái tử Trần Anh Tông có trình thưa hỏi Phụ Vương như sau:
– Kính thưa Phụ Vương, thuật đánh quân xâm lược của Phụ Vương con đã hiểu. Vậy, kính xin Phụ Vương dạy con căn bản giữ nước như thế nào cho bền vững?
Đức vua dạy Thái tử Trần Anh Tông:
– Con muốn quốc gia cường thịnh và an ổn thì con phải dạy nhân dân như sau:
Một: Quốc gia mất thì nhà phải tan!
Hai: Không tủi nhục nào bằng mất nước!
Ba: Phải làm nô lệ cho người cướp nước mình!
– Trên đây là 3 căn bản tủi nhục người bị mất nước.
– Một vị vua cầm quân giỏi phải hiểu rõ:
Một: Hiểu rõ chiến thuật của đối phương
Hai: Hiểu rõ quân số của đối phương.
Ba: Hiễu rõ lương thực của kẻ xâm lăng nuôi số binh sĩ của họ được bao nhiêu ngày?
Bốn: Con phải dạy cho toàn quân toàn dân thuật đánh quân xâm lược như sau:
– Khi đối mặt với quân thù, tâm phải kiên cường và không sợ.
– Đừng vội tấn công trước.
– Vì sao vậy?
– Vì quân thù khi đưa quân xâm lược nước ta, ban đầu họ rất hung hăng. Cứ để cho họ hung hăng bước vào nước ta đi. Khi họ mệt mỏi, thì con ra lệnh tổng tấn công và khóa chặt biên giới lại, không cho quân tiếp viện cũng như rút lui.
– Con phải nhớ một điều là, khi bọn họ bị thua chạy về nước của họ, con đừng đuổi theo, còn người bị con bắt làm tù binh, con phải đối đải tử tế với họ. Chính lòng bao dung này, mà họ kính nể Vua, Dân nước ta.
– Nếu quân thù quá mạnh, con phải sử dụng “Tiêu thổ”, không cho bọn họ ở trong nhà mình, còn tất cả những gì ăn được, uống được, thì phải cho giấu đi. Khi bọn họ hết lương thực rồi, thì con ra lệnh đánh nhanh, đánh chắc và quyết thắng.
– Khi kẻ xâm lược vào nước ta rồi, tức khắc con phải sử dụng một đội quân tinh nhuệ khóa cửa biên cương lại, không cho tiếp viện hay tháo lui. Đây là thuật nhốt quân nơi chiến trận.
– Đạo Phật là đạo Giác ngộ. Từ đó sự giác ngộ đó mới có Trí Tuệ sáng suốt và Từ Bi. Vì vậy mà giúp quốc gia Đại Việt được bình yên và cứu nhân dân không phải làm nô lệ cho kẻ khác, là Trẫm đã sử dụng lòng Từ Bi chân chánh mà Đức Phật dạy. Khi Trẫm đánh quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, Trẫm sử dụng Tánh thanh tịnh của con Người để đánh, chứ Tánh Thanh tịnh của Phật tánh Trẫm không sử dụng. Vì vậy, Trẫm khi đánh giặc là sử Tánh Người thanh tịnh. Vì là Thanh tịnh nên toàn quân và toàn dân của Trẫm không ai sợ quân giặc cả, nhờ vậy mà quân, dân Việt Nam đánh chắc và thắng chắc quân thù…
Thái tử Trần Anh Tông nghe Phụ Vương dạy, Thái tử cố gắng nghe và nguyện thực hiện đúng lời Phụ Vương”.
Theo chúng tôi quả thật, Đức vua Trần Nhân Tông để lại cho nhân dân nước Việt Nam ta một tài sản vô cùng quý giá mà không có vị vua nào từ trước đến giờ trong lịch sử Việt Nam đã từng làm.
Hẳn là đồng tình với chúng tôi trong vấn đề này, nên Nguyễn Đức Sinh, tác giả bài viết: “Qua sự truyền ngôi của vua Trần Nhân Tông, nghĩ về phái Thiền nhập thế” được đăng trên trang chính của Giáo Hội Phật giáo Trung Ương Việt Nam (www.phatgiao.org.vn), đã có lời kết như sau:
(PGVN) “Qua buổi lễ truyền ngôi báu cho con của vua Trần Nhân Tông mà soạn giả Nguyễn Nhân đề cập trong cuốn sách “Đức vua Trần Nhân Tông dạy con trị nước và tín ngưỡng Phật giáo” (Do Nxb Hồng Đức ấn hành – 2017), chúng tôi thấy đây là một tư liệu quý nói về việc giữ nước và tín ngưỡng của Phật giáo thời Trần cách đây trên 700 năm. Và hôm nay nhìn lại, ta vẫn không khỏi kinh ngạc về bản lĩnh trí tuệ viên dung giữa đời và đạo của cha ông ta trong việc dựng nước và giữ nước”
(Để đọc nguyên văn bài viết trên trang Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, vui lòng bấm vào đường dẫn sau: http://phatgiao.org.vn/tham-luan-sach/201712/Qua-su-truyen-ngoi-cua-vua-Tran-Nhan-Tong-nghi-ve-phai-Thien-nhap-the-29157/ )
Quả thật, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả Nguyễn Đức Sinh về nội dung, mà nổi bật là tiêu đề bài viết “…nghĩ về phái Thiền nhập thế”.
Vì sao vậy?
Vì cha ông ta ngày xưa đầu tiên là tu tập Thiền tông, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì thế, mà các chùa ở Miền Bắc đều thờ các bức tượng của Đức Phật cầm cành hoa sen. Đây cũng là biểu tượng của Thiền tông. Vì khởi nguồn dòng Thiền tông chảy vào Việt Nam là đi từ Miền Bắc, cụ thể là tỉnh Lạng Sơn vào.
Kế đến, nhắc đến vua Trần Nhân Tông là nhắc đến Thiền nhập thế. Vì sao vậy?
Vì nhập thế là đưa vào ứng dụng được ở thế gian. Tức những gì có ích, thực tế và khoa học, phù hợp với thời đại văn minh thế giới ngày nay, mới đưa vào áp dụng được. Những gì mê tín, cổ hủ và lạc hậu, không thích hợp tức khắc sẽ bị đào thải theo qui luật tự nhiên.
Minh chứng cho điều này thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn chứng vì sao tinh thần quân và dân thời Trần cực mạnh:
- Có một đức vua Trần Nhân Tông tài đức vẹn toàn, viên dung giữa đạo và đời.
- Chính vì Ngài biết tu Thiền tông nên Ngài thanh tịnh, tức không khiếp sợ trước mọi hoàn cảnh. Từ đó trui rèn cho quân dân một tinh thần, ý chí sắt đá. Đoàn kết lại sức mạnh để chống lại quân giặc.
- Rèn luyện cho quân dân ta thời đó phải tự dựa vào sức mình. Không cầu xin, quỳ lại ai cả.
- Rèn luyện cho quân dân ta thời đó không mê tín dị đoan.
- Áp dụng sự Từ Bi của nhà Phật là đánh đuổi bọn giặc ngoại xăm về nước của chúng chứ không truy sát chúng tới cùng. Đồng thời, chi viện lương thực cho chúng trở về nước. Chính vì điều này nên bọn chúng hết sức thán phục quân dân ta thời bấy giờ.
Ban quản trị Tổ đình chùa Thiền tông Tân Diệu.