Tin nổi bật

Quy y với vị thầy sau, có lỗi với vị thầy trước không?

Ông Lê Văn An, sanh năm 1962, tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cư ngụ tại đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP. HCM, hỏi:

– Từ trước đến nay, tôi đi chùa thường hay cúng dường, mỗi lần cúng, tôi có nguyện cho gia đình được bình an, con cháu hiếu thảo, v.v… Không biết lời cầu xin như vậy có đúng với lời Đức Phật dạy không, thầy giải thích cho tôi hiểu, xin cám ơn?

Trưởng ban hỏi lại ông An:

– Ông hiểu chủ trương Đức Phật lập ra đạo để làm gì không?

Ông Lê Văn An trả lời:

– Tôi thấy ai đi chùa cũng cầu xin chuyện này chuyện nọ, tôi hiểu là Đức Phật sẽ ban phước lành cho ai cầu xin đến Ngài.

Trưởng ban nói:

– Nếu Đức Phật chủ trương như vậy, có lẽ đạo Phật không còn ở thế gian này cho đến ngày hôm nay và bị Nhà Trí thức, Nhà Khoa học họ chê cười!

– Đức Phật khi còn là thái tử. Ngài có bốn cái thắc mắc chánh như sau:

Một:  Con người từ đâu đến thế giới này?

Hai: Đến với thế giới này để bị sanh, già, bệnh, chết hay sao?!

Ba: Khi đang sống, tranh giành, hơn thua, chém giết với nhau, sau cùng rồi cũng phải lìa bỏ tất cả!

Bốn: Sau khi chết rồi sẽ đi về đâu?

Bốn cái thắc mắc nói trên, không tôn giáo hay vị nào giải thích cho Ngài thỏa mãn được, kể cả các vị thầy tu thành tựu được Thiên nhãn, thấy được cõi Trời Phi phi tưởng, là cõi Trời cao nhất trong 33 cõi Trời, nhưng những vị này cũng không giải thích được 4 cái thắc mắc của Ngài, nên Ngài quyết chí đi tìm cho ra lẽ thật 4 cái thắc mắc nói trên.

1- Ban đầu, Ngài tu khổ hạnh, ép xác thân Ngài cho cùng cực mà không có kết quả gì!

2- Ngài vận dụng tu thiền Quán, thiền Tưởng, rồi Cầu mong, cũng không biết được các cái thắc mắc nói trên. Nhưng Ngài quán và tưởng được từ vật nhỏ ra lớn, vật ít ra nhiều, những thắc mắc nói trên cũng không biết!

3- Tiếp theo, Ngài dụng công tu thiền Nghi, Tìm và Kiếm. Ngài biết được từ vật nhỏ như vi trần, hiện nay chúng ta gọi là điện tử. Ngài thấy và biết được rất nhiều hành tinh. Thấy và biết được Thái dương hệ, Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới, Ngài thấy và biết trong Càn khôn Vũ trụ này có Hằng hà sa số Tam thiên Đại thiên thế giới, còn Vũ trụ này không có biên giới! Ngày thấy và biết được như vậy, mà cũng không biết được bốn thắc mắc mà Ngài muốn biết!

Sau cùng, Ngài để tâm vật lý Ngài tự nhiên thanh tịnh, bất ngờ tâm vật lý của Ngài tự nhiên như mất, còn thân tứ đại của Ngài như không có, và Ngài được rơi vào khoảng không mênh mông vô tận, rất trong sáng, kỳ diệu, không thể nào nói được, Ngài thấy rất xa xăm, nghe được vô tận, khi Ngài muốn nói, tự nhiên có tiếng vang rền trùm khắp, v.v…

Cũng từ chỗ thanh tịnh tự nhiên này, Ngài mới biết được 3 cái minh, gọi là Tam Minh, tức ba cái sáng:

Một: Thiên nhãn minh, (thấy được Hằng Hà sa số thế giới!)

Hai: Túc mạng minh, (biết được hằng tỷ kiếp của một con người nói riêng, của một chúng sanh nói chung).

Ba: Lậu tận minh, (biết rõ ràng vô số các loài trong Tam giới!)

Ngài thấy những chuyện mà loài người ở thế gian này, làm trái ngược với lẽ thật tất cả. Sau đó, Ngài dùng những phương tiện, để dẫn dắt loài người, từ chỗ mê lầm, dần dần trở về nguồn cội của mỗi người. Nếu ai hiểu được lời của Ngài dạy gọi là ngộ đạo, nói chính xác là hiểu biết sự thật nơi thế giới này. Hiểu như ông nói trên, Đức Phật bảo là phỉ báng Phật!

Ông Lê Văn An hỏi tiếp:

– Thưa Trưởng ban, vậy, khi tôi cúng dường phải cúng làm sao cho có phước?

Trưởng ban trả lời:

– Nếu nói cúng dường mà phước đức nhiều, ông chỉ biết cúng là đủ, đừng khấn nguyện gì cả, nếu khấn nguyện, có mấy lời như sau đây:

– Nay con xin cúng dường tài vật này, cầu mong chánh pháp trường tồn ở thế giới này, để làm lợi ích cho mọi người. Khi ông cúng xong mà tâm ông có các trạng thái như sau là đúng:

Thứ nhất: – Nghe lòng mình an vui mà phấn khởi, là ông được phước đức nhiều.

Thứ hai: – Nghe lòng mình vui, nhưng rất thanh tịnh, bình an, sớm muộn gì ông cũng gặp được vị minh sư, ông nghe được lời vàng ý ngọc chánh pháp mà Như Lai đã dạy nơi thế giới này.

Ông Lê Văn An lại hỏi thêm:

– Tôi qui y với vị thầy lớn tuổi, nhiều người rất kính nể, thầy tôi chuyên làm từ thiện, chúng tôi cũng dốc hết mình cùng thầy làm từ thiện. Nay tôi có duyên đọc được mấy quyển  sách viết về Thiền tông học của soạn  giả Nguyễn Nhân. Tôi mới biết, từ trước đến nay, tôi tu theo đạo Phật để được đi luân hồi! Chứ không phải tu để được giác ngộ và giải thoát.

– Vậy xin hỏi thầy, tôi muốn qui y với một vị thầy khác, biết tu Thiền tông để tôi nương theo thầy mới, cố gắng tu tập đến khi giác ngộ giải thoát, như vậy có phạm lỗi với vị thầy trước không?

Trưởng ban trả lời:

– Tôi không dám trả lời có lỗi hay không, lấy một câu hỏi ngày xưa, cũng một vị hỏi Tổ Thiền tông như thầy vừa hỏi. Tổ sư Thiền tông ấy trả lời như sau:

– Đức Phật có dạy, chỗ nào có chánh pháp, dù ở chỗ đó thiếu thốn mọi bề, các ông cứ bám nơi đó để học cho được và nhận cho ra Phật tánh thanh tịnh của chánh mình. Vì nó rất quí, dù cho của báu đầy dẩy khắp trong Vũ trụ này cũng không bằng được.

– Đức Phật dạy thêm, các ông muốn tu để không còn bị luân hồi sanh tử như triệu đời tỷ kiếp mà từ trước đến nay các ông đi trong đó. Chỗ nào dù vật chất đầy đủ, coi vẻ rất trang nghiêm, phong cảnh tuyệt đẹp, ông thầy bài biện lung tung, để mê hoặc lòng người, nhưng xét ra không có chút gì đạo lý giải thoát. Các ông phải bỏ đi, không cần từ giã. Lời của Đức Phật dạy như trên, tùy ông tìm hiểu.

Ông Lê Văn An hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.

(Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông quyển 1” – tác giả Nguyễn Nhân)