Tin nổi bật

Sao lại có thêm 4 người bạn đồng tu với 5 anh em Kiều Trần Như?

Kế bên Thiền tông thất là tôn tượng Đức Phật “Khai thị Thiền tông”, phía trên tay phải là vị thần Kim Cang hộ trì chánh pháp Thiền tông, bên dưới là 9 vị đệ tử ban đầu của Đức Phật gồm:

1- Kiều Trần Như

2- Kiều Trần Na

3- Kiều Trần Nhi

4- Kiều Trần Thi

5- Kiều Trần Nga

và bốn người bạn đồng tu gồm:

6- Ông Bạt Đề (hay Tiểu Hiền)

7- Ông Thực Lực (hay Khởi Tín)

8- Ông Ma Nam (hay Đại Danh)

9- Ông Át Bệ (Mã Sư hay cũng gọi là Mã Thắng).

Đến đây chúng tôi băn khoăn thắc mắc tại sao trong các chùa khác chúng tôi thường thấy có tượng Đức Phật và 5 anh em Kiều Trần Như thôi, tại sao ở đây lại có thêm 4 người nữa. Chúng tôi đem hỏi vị đại diện và được giải thích như sau:

– Quý vị phải hiểu như sau: tổng cộng phải có 9 đệ tử như thế, thêm Đức Phật nữa là 10 người. Như vậy, 10 người là số người tối thiểu để hình thành nên giáo đoàn Phật giáo ngày xưa. Hơn nữa, số 10 tượng trưng cho sự trọn vẹn hay viên mãn. Quý vị không nghe danh từ “Mười Phương Chư Phật” sao? Mười Phương bao gồm: Phương Đông – Phương Tây – Phương Nam – Phương Bắc – Phương Đông Bắc – Phương Tây Nam – Phương Đông Nam – Phương Tây Bắc – Phương trên  và Phương Dưới. Ý nghĩa là sự tròn vẹn và trùm khắp. Phương ở đây không phải là hướng Đông, Nam, Tây, Bắc mà chúng ta thường gọi mà Phương tạm tính từ trái đất chúng ta đi về 10 hướng trong càn khôn vũ trụ bao la này vậy. Hơn nữa, quý vị nên biết rằng, một vị sau khi thành Phật phải có đầy đủ 10 danh hiệu. Tuy nhiên, thời của Đức Phật là như vậy. Nhưng thời đại ngày nay, muốn thành lập một Giáo đoàn Phật giáo thì số thành viên trong Giáo đoàn phải là một số lẻ. Quý vị có biết tại sao không?

– Thưa chúng tôi biết. Vì số lẻ sẽ chọn ra được ý kiến thống nhất theo đa số. Còn số chẵn thì có trường hợp không thống nhất được ý kiến. Trong cơ quan, công ty hay viện của chúng tôi mỗi lần bình bầu đều tổ chức như vậy. Chúng tôi trình bày như vậy có đúng không, thưa quý thầy?

– Thật quả đúng như vậy. Bởi vì Đức Phật là một vị Chánh Đẳng Chánh Giác nên Ngài không bao giờ đưa ra ý kiến một vấn đề nào đó là Đúng hay Sai cả. Vì như thế là còn phân biệt, nên Ngài chỉ là một vị lãnh đạo Giáo đoàn Phật giáo, một vị trung lập thôi. Tuy nhiên, cũng có một số ít người không đồng tình với chúng tôi về vấn đề này, chúng tôi xin không tranh cãi ở đây vì tin hay không là quyền tự do của mỗi người vậy. Quan trọng là mình tự tu tập và tự biết mà thôi.

Nghe đến đây, thêm một kiến thức mới mẻ và thú vị mà chúng tôi đã được học nữa từ vị đại diện chùa thông thái này. Chợt, chúng tôi sực nhớ lại một số chùa đã từng viếng, có tạc bức tượng Đức Phật và 5 anh em Kiều Trần Như. Có lần, chúng tôi hỏi một vị thầy trụ trì một chùa nọ ở Quận 9, như sau:

– Bạch Thầy, xin cho chúng con biết tên đầy đủ của 5 anh em ông Kiều Trần Như là gì vậy ạ?

Vị thầy ấy như bất ngờ, ấp úng một hồi rồi trả lời:

– Thôi, quý vị biết để làm gì, chỉ biết 5 anh em ông Kiều Trần Như là đủ!

– Chúng tôi thật không biết hỏi gì thêm và từ giã ra về.

– Ngoài ra, chúng tôi cũng sưu tầm một số tài liệu và kinh sách, có đề cập tên đầy đủ 4 vị đồng tu như: Bạt Đề, Thực Lực, Ma Nam, Át Bệ. Tuy nhiên, sử sách đã có ghi rõ là 5 anh em ông Kiều Trần Như. Nếu vậy, thiết nghĩ 4 người kia phải có họ “Kiều Trần” mới phải chứ. Nhưng thực tế, 4 người kia không phải họ Kiều Trần. Hơn nữa, 5 anh em Kiều Trần Như  mỗi người đều có tên rõ ràng như:

1. Kiều Trần Như

2. Kiều Trần Na

3. Kiều Trần Nhi

4. Kiều Trần Thi

5. Kiều Trần Nga

và 4 người bạn đồng tu đều có tên riêng như: Bạt Đề, Thực Lực, Ma Nam, Át Bệ.

Do vậy, đúng là ngoài 5 anh em Kiều Trần Như ra thì phải có thêm 4 người bạn đồng tu nữa, như vị đại diện chùa đã giải thích.

5 anh em

Tượng 5 anh em Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu tại chùa Thiền tông Tân Diệu

(Trích quyển “Chùa Thơ – Dấu ấn Như Lai thanh tịnh thiền” – Hoàng Tịnh)