Tin nổi bật

Tâm hằng sanh muôn pháp?

Nhà văn Mai Ánh Dương, sanh 1944, tại Lâm Đồng, cư ngụ tại Tp. Cremona, nước Ý, hỏi:

– Tôi xem sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, thật tình quá hay, tôi chưa tìm thấy sách nào viết về đạo Phật mà quá rõ ràng và bài bản như vậy. Tôi có thắc mắc, xin Thầy giải thích, vì câu này tôi có hỏi nhiều vị Thầy có danh tiếng, nhưng tôi không vừa lòng, câu hỏi như sau: Trong kinh Pháp Bảo Đàn, khi Đức Lục Tổ ngộ đạo có nói:

 – “Tâm hằng sanh muôn pháp”.

Chúng tôi hỏi các vị Thầy có danh tiếng, các vị ấy  giảng  là “Tâm sanh ra vạn vật ở thế gian này”. Chúng tôi xin quí Thầy đưa ra vài ví dụ, nhưng quí Thầy không đưa ra được. Ở đây, Trưởng ban có đưa ra được không, xin Trưởng ban cho biết, xin cám ơn?

Trưởng ban trả lời:

– Thưa Nhà văn Mai Ánh Dương: Như trong các sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, tôi có nêu 4 hạng người giải đáp kinh điển. Vị nào sống được với Tánh thanh tịnh của chính mình thì mới giảng đúng câu này được; còn đem cái Tưởng của Tánh người để giảng, thì không thể nào đúng.

Câu “Tâm hằng sanh muôn pháp” , Nhà văn phải hiểu cấu tạo nơi Thế giới này như sau:

Thế giới này cấu tạo bằng 6 thứ như:

  • Đất.
  • Nước.
  • Không khí.
  • Hơi ấm
  • Tánh 5 loài.
  • Điện từ Âm Dương.

Câu này xuất phát từ lời thốt lên của Đức Lục Tổ Huệ Năng khi Ngài nhận ra tánh Phật thanh tịnh của chính Ngài nên Ngài mới thốt lên như vậy.

Người muốn hiểu ý nghĩa của câu này thì phải hiểu 2 phần như sau:

Một là “Tướng Pháp”.

Hai là “Tánh Pháp”.

* Tướng Pháp như sau:

– Muốn làm ra cái nhà, thì Tâm phải tưởng tượng ra và suy nghĩ ra như thế nào đó, khi suy nghĩ hoàn chỉnh rồi bắt tay vào thực hiện, sau cùng cái nhà được hình thành, gọi là “Tâm hằng sanh muôn Pháp Tướng”.

* Pháp Tánh như sau:

– Muốn nói ra điều gì, thì Tâm phải tưởng tượng và suy nghĩ ra thật chuẩn xác rồi mới phát ra tiếng nói; tiếng nói này được xuất phát ra, gọi “Tâm hằng sanh ra Pháp Tánh”.

Muôn sự việc khác cũng vậy, cho nên Đức Lục Tổ Huệ Năng nói: “Tâm Ta hằng sanh muôn Pháp”

Nghe Trưởng ban giải thích “Tâm hằng sanh muôn pháp” quá hay nên Nhà văn Mai  Ánh Dương hỏi thêm:

Còn sơn, hà, đại địa ở Thế giới này là do gì sanh ra?

Trưởng ban trả lời:

– Đức Phật dạy: Căn bản trong Càn khôn Vũ trụ này có 3 phần:

Một: Phật giới, gồm có:

  • Điện từ Quang.
  • Tánh Phật.
  • Chư Phật.

Hai: Thế giới, gồm có:

  • Đất, Nước, Không khí, Lửa.
  • Động vật, gồm có: Loài người và muôn thú.
  • Thực vật gồm có: Cỏ, cây, hoa, lá, trái, v.v…
  • Tỉnh vật gồm có: Núi, đồi, ruộng, đồng, v.v…
  • Thế giới bằng tứ đại này có 6 hành tinh.

Ba: Các cõi Trời và nước Tịnh Độ, gồm có:

  • Cõi Trời Dục giới có 11 hành tinh.
  • Cõi Trời Hữu sắc có 11 hành tinh.
  • Nước Tịnh Độ có 6 hành tinh.
  • Cõi Trời Vô sắc có 11 hành tinh.

Tổng cộng trong 1 Tam giới có đến 45 hành tinh. Còn hành tinh “vật tư” thì không thể nào đếm hết được. Trên đây là tự nhiên như vậy.

Chúng tôi xin trở lại câu hỏi của Nhà văn là sơn, hà, đại, địa này do ai sinh ra?

Như chúng tôi đã nói ở trên, nó là tự nhiên như vậy, tức không ai sinh ra hết, mà nó do sức hút của điện từ Âm Dương luân chuyển nên mới có cảnh vật, sự sống. Đức Phật gọi là:

“Sức hút Nhân quả Vật lý Âm Dương” 

Đức Phật dạy:

– Ai muốn sống để được luân hồi trong hành tinh của loài Người đang sinh sống hay luân hồi các nơi khác trong Tam giới này, thì sống bằng Tánh người của chính mình.

– Còn ai muốn giác ngộ và giải thoát, thì sống với tánh Phật thanh tịnh của chính mình, thì không bị luân hồi.

Chỉ có như vậy thôi.

Còn hiện nay chúng ta nghe nhiều người nói: Trái đất, loài Người và muôn vật là do “Thượng Đế” sanh ra là có nguyên nhân như sau:

1- Khi loài Người chưa văn minh, con cháu họ hỏi:

– Kính thưa ông, bà hay cha, mẹ: Trái đất này do đâu mà có?

Ông, bà, cha, mẹ  các đứa trẻ trả lời:

– Do Trời sanh đó con.

Vì sao họ trả lời như vậy?

– Vì họ cũng không biết.

2- Các Nhà Lãnh đạo quốc gia, họ muốn cho trong nước ai cũng lương thiện nên đưa ra:

– Làm thiện và hiền lành là thuận lòng Trời, làm ác là nghịch lòng Trời.

3- Các nơi tổ chức cúng Trời, mục đích của họ là muốn lấy tiền của người tin tưởng, chứ “Ông Trời” đâu có xài tiền của người Thế gian hay ăn thức cúng của những người này. Nhà văn nhìn kỹ xem, có người trí thức nào họ tin việc này không. Thỉnh thoảng, có người học vấn cao họ đứng ra tổ chức cúng này là có nguyên nhân như sau;

Vì họ thấy bày cúng này dễ kiếm tiền quá, nên họ bày ra để kiếm tiền, chứ họ đâu có tin việc này.

Nhà văn Mai Ánh Dương nói:

– Quả thật, Trưởng ban giải thích hết sức thuận lý và cao sâu.

Vốn là một Nhà văn, ông liền xuất khẩu thành bài thơ 32 câu và ngâm lên trước sự chứng kiến của nhiều người:

Thơ rằng:

     Tin rằng: ở tận quê xa
Có Thầy chỉ dạy nhận ra Nguồn thiền
     Chúng tôi tìm đến hỏi liền
Được Thầy chỉ dạy Nguồn thiền Thích Ca.

     Hôm nay tôi đã nhận ra
Tuyệt ý Phật Đà “Yếu chỉ Thiền tông”
     Mạch Phật tôi nhận trong lòng
Niết Bàn vi diệu tôi nhìn đã ra.

     Lòng từ của Phật Thích Ca
Hôm nay con đã nhận ra nơi này
     Con xin cám ơn vị Thầy
Lập nhiều phương tiện tại đây dạy Thiền.

     Đến đây, hết đảo hết điên!
Nhận được Nguồn thiền của Phật Thích Ca
     Cám ơn người bạn chỉ ra
Đến nơi quê vắng nhận ra Niết Bàn.

     Sự thật tôi đã bình an
Nhìn thấy quê cũ an nhàn thảnh thơi
     Hôm nay tôi đã ngộ rồi
Cám ơn Thầy dạy tuyệt mùi Thiền tông.

     Chánh pháp tôi nhận trong lòng
Niết bàn vi diệu hiện trong lòng mình
    Tôi nay nhận được lặng thinh
Không cho ai  biết, sợ người cười chê.

     Khi xưa Lục Tổ nói về
Ai nhận Thiền học một bề lặng thinh
     Coi ai ham muốn thì mình
Tìm nhiều phương tiện tự mình chỉ cho.

     Người ngộ Thiền học phải lo
Nếu ai ham muốn mình lo vẹn toàn
     Không được dấu kính ý son
Để môn Thiền học luôn còn Thế gian.

Những người có mặt đều vỗ tay, khen hay!

(Trích quyển “Đức Phật dạy tu Thiền tông” – tác giả Nguyễn Nhân)