Tin nổi bật

Vô Nhãn, Vô Nhĩ, Vô Tỉ, Vô Thiệt, Vô Ý …

Ông Lê Phan Quốc, sanh năm 1949, tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Ca Mau. Cư ngụ tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP. HCM, hỏi hai câu trong Bát Nhã Tâm Kinh:

Câu 1: Vô nhãn, vô nhĩ, vô tỷ, vô thiệt, vô thân, vô ý. Con người ai ai cũng có các thứ trên, sao lại nói cái gì cũng không?

Câu 2: Bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh, v.v… Đức Phật ý muốn dạy cái gì?

Tôi có đem các câu trên hỏi nhiều vị, có vị không trả lời, có vị trả lời, nhưng tôi nghe không thỏa  mãn; còn có vị diện lý là lời dạy của Đức Phật không ai giải được. Vậy xin Trưởng ban giải thích cho chúng tôi được không?

Trưởng ban quản trị chùa trả lời:

– Cũng như chúng tôi giải thích ở trên, vị nào muốn giải thích lời Đức Phật dạy trong các kinh; nhất là kinh Bát Nhã, người đó phải đạt được bậc thứ tư trong  bốn bậc như dưới đây:

Bậc thứ nhất: Học hỏi chút ít và suy nghĩ để giảng.

Bậc thứ hai: Học vấn cao tột và suy nghĩ mênh mông để giảng.

Bậc thứ ba: Dụng công tu thiền định, thấy mình ngộ đạo để giảng.

Bậc thứ tư: Người nhận ra Phật tánh của chính mình và từ trong Phật tánh để giảng.

Người nhận ra Phật tánh của chính mình rồi, “sử dụng” Phật tánh của mình thì giảng mới đúng được. Vị nào sử dụng Phật tánh của chính mình giảng mấy câu này, thì các câu trên có ý nghĩa như sau:

Câu 1: Vô nhãn, vô nhĩ, vô tỷ, vô thiệt, vô thân và vô ý, có ý nghĩa:

Giảng theo các vị ở bậc một:

– Chúng sanh bình thường ai cũng có mắt, tai, mũi, miệng, ý, thân. Muốn thấy cảnh vật, muốn nghe tiếng động, phải sử dụng các thứ nói trên.

Giảng theo các vị ở bậc hai:

– Họ nói, khi con người mất thân tứ đại, họ còn Linh Hồn, nên họ thấy, nghe được.

Giảng theo các vị ở bậc ba:

– Các vị này, họ nói họ tu hành đạt được thần thông, nên họ thấy và biết người sau khi đã chết, tuy sắc thân không còn, nhưng họ vẫn còn Tánh người, nên họ vẫn thấy, nghe được.

Giảng theo các vị ở bậc tư:

– Khi mất thân tứ đại, tức sắc thân không còn, thì hai thứ thấy, nghe, không còn hai căn nói trên nữa, nhưng họ vẫn nghe và thấy.

Vì sao họ thấy, nghe được như vậy?

– Vì khi sắc uẩn của họ không còn, nên Tánh người của họ chứa đầy nghiệp; tổng nghiệp này, liền biến thành là “Trung ấm thân”.

Vì sao gọi là Trung ấm thân?

– Vì Trung ấm thân là cái thân chuyển tiếp để thọ thân sau.

Lúc này, người này cũng vẫn thấy, nghe được bình thường, tuy họ không còn sắc uẩn của hai căn mắt và tai.

Vì sao họ thấy, nghe được?

– Vì họ có một khối nghiệp mà họ đã  tạo ra. Khối nghiệp này, nó bị điện từ của Âm Dương bao quanh khối nghiệp đó.

Vì vậy, khi mất thân tứ đại, họ vẫn còn hình sắc của điện từ Âm Dương,  nên họ thấy, nghe được, nhưng phát  âm họ không phát ra tiếng của vật lý được. Các vị ở bậc thứ tư họ nói như sau:

Trung ấm thân này tuy không còn thân, nhưng việc thấy, nghe và biết, họ không cần các giác quan của thân, nhưng họ thấy, nghe và biết rất rõ gấp nhiều lần khi còn thân, vì không còn thân ràng buộc nên họ di chuyển hết sức dễ dàng và nhanh chóng, không bị trở ngại, nhưng bắt buộc phải còn trong vòng chi phối của nghiệp lực ở thế giới này. Đây là vô nhãn, vô nhĩ, v.v… Theo giải thích của người không tu hoặc có tu  nhưng chưa nhận ra Phật tánh của chính mình.

Trên đây là bốn bậc giảng về vô nhãn, vô nhĩ, vô tỷ, vô thiệt.

Còn giải thích vô nhãn, vô nhĩ … của những bậc nhận ra Phật tánh thì có nghĩa sâu mầu hơn:

Các Ngài không sử dụng nhãn, nhĩ của thân,  nhưng các Ngài thấy vô số đời quá khứ và vị lai… Điển hình như Đức Lục Tổ Huệ Năng, khi Ngài đạt được “Bí mật Thiền tông” rồi, Ngài lúc nào cũng sống trong Phật tánh của chính Ngài, nên Ngài biết về quá khứ rất nhiều Đức Phật ở thế giới này và biết tương lai sẽ xãy ra những gì, như trong kinh Pháp Bảo Đàn đã ghi lại.

Vì sao các Ngài thấy và nghe được như vậy?

Vì các Ngài luôn lúc nào cũng sống với Phật tánh thanh tịnh của mình. Vì vậy, khi các Ngài thấy, nghe bằng tánh Thấy và Nghe của Tánh Phật thanh tịnh của mình.

Câu 2: Nói về bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh… Đây là Đức Phật chỉ cái chân thật nơi chúng ta ai ai cũng có. Trong kinh thường gọi là Chân như, Phật tánh, Bản lai diện mục, v.v… Nó là như như, bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh vậy.

Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông quyển 1 – tái bản” – tác giả Nguyễn Nhân.