Tin nổi bật

Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ chuẩn theo Thiền tông

Thưa độc giả và Phật tử,

Mỗi một con người sinh ra đều có Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ … Do vậy, người tu tập theo Thiền tông cũng không ngoài qui luật đó. 

Ngày nay, trong mỗi nhà hầu như đều có bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ (có nơi gọi là bàn thờ Gia Tiên) nhưng thực ra trong chúng ta có mấy ai hiểu được ý nghĩa của những chữ được ghi trên bảng vì đa phần ghi bằng tiếng Hoa. 

Người tu theo đạo Phật, đặc biệt là người tu Thiền tông cũng nên biết sơ qua về Tứ Trọng Ân, tức 4 ân lớn mà Đức Phật đã dạy:

  1. Ân Tổ quốc: Ân những người đã hi sinh cũng như bảo vệ tổ quốc để giữ quốc gia mình an ổn, để mọi người được tự do, bình đẳng. Từ đó mới sinh sống, làm việc và có thời giờ tu tập.
  2. Ân Phật, Thầy, Tổ: Ân của những vị đã có công chỉ con đường để mình Giác ngộ và thoát ly ra khỏi qui luật sinh, lão, bệnh, tử. Còn gọi là qui luật Âm Dương của vũ trụ này.
  3. Ân Ông bà, cha mẹ: Ân của những người đã có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta để có sự sống để mà tu tập.
  4. Ân chúng sinh: Tức ân của mọi người đã giúp đỡ ta từ miếng ăn, thức uống, manh áo, v.v… để ta có thể tồn tại được.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đặt đúng vị trí và thứ tự từ trên xuống như vậy mới đúng theo qui luật, giúp cho gia đình, xã hội và quốc gia an ổn. 

Có người lại thắc mắc vì sao Ân Phật, Thầy, Tổ lại đặt cao hơn cả ân của ông bà, cha mẹ, người đã có công trực tiếp sinh thành, dưỡng dục chúng ta?

Xin thưa,

Theo nhà Phật, con người không phải tồn tại ở một đời này mà có thể nói, đời sống của một con người trong hiện tại chỉ là một điểm trong một chuỗi mắc xích dài vô tận, của một Phật tánh mượn tánh người và thân tứ đại, để tạo nhân quả. Chuỗi mắc xích dài vô tận ấy, lặp đi lặp lại từ đời này qua đời khác còn gọi là luân hồi, tức trở về chỗ cũ.

Tóm lại, qui luật luân hồi thì chúng ta không chỉ có một ông bà, cha mẹ một đời này, mà thực ra đã có nhiều ông bà, cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp và vẫn lẩn quẩn theo qui luật Nhân – Quả: Trả – Vay! Có khi ông bà, cha mẹ đời trước đó lại là … con cháu của chúng ta đời này!

Còn Đức Phật, Thầy, Tổ Thiền tông là những vị đã vượt thoát ra ngoài qui luật sinh tử. Đồng thời giúp chúng ta Giác ngộ và chỉ đường cho chúng ta thoát hẳn ra khỏi qui luật đó, còn gọi là Giải thoát. Để từ đó, chúng ta mới có thể trở về chính quê hương chân thật của chúng ta, trong danh từ nhà Phật tạm gọi là “Phật giới”.

Do vậy, Ân Phật, Thầy, Tổ phải đặt lên trên ân ông bà, cha mẹ…

Xin quay trở lại, việc chữ viết trên bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ (bàn thờ Gia Tiên) đa phần đều là tiếng Hoa nên ít người hiểu được ý nghĩa. Do vậy, Ban quản trị Tổ đình chùa Thiền tông Tân Diệu chúng tôi xin chia sẻ mẫu ảnh bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ (bàn thờ Gia Tiên) bằng tiếng Việt, chuẩn theo Thiền tông, để khi người khác nhìn vào là đọc được và hiểu được ý nghĩa của bàn thờ nhà mình vậy.

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng việc vị trí đặt bàn thờ cũng rất quan trọng. Cần phải đặt đúng vị trí. Chúng tôi xin nêu khái quát các vị trí đặt nên tránh:

  1. Tránh đặt bàn thờ Cửu Huyền trong một lồng kiếng, hộp hoặc để vật gì lên trên, kể cả Kinh sách Phật.
  2. Tránh đặt bàn thờ Cửu Huyền ngay dưới bàn thờ Phật. Nên đặt phía dưới nhưng lệch sang một bên.
  3. Nếu không có điều kiện đặt ở phía dưới bàn thờ Phật thì có thể tạm bố trí đặt ở cùng bàn thờ Phật nhưng chiều cao bức hình của bàn thờ Cửu Huyền phải thấp hơn của bức hình Phật và Bồ Tát. Ngoài ra, cần thiết phải có vách ngăn giữa bàn thờ Cửu Huyền và bàn thờ Phật trong trường hợp này. Vách ngăn có thể bằng gỗ, kiếng hay xi măng tùy ý.
  4. Tuyệt vời nhất là vị trí bàn thờ Cửu Huyền đặt nơi riêng biệt với và thấp hơn bàn thờ Phật. Vì có khi Tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta nhiều đời trước không tu theo đạo Phật, do vậy cần phải đặt riêng biệt và đúng vị trí.
  5. Nếu đã tu Thiền tông thì bàn thờ Phật phải đúng chuẩn theo Thiền tông, không nên thờ theo sở thích hoặc theo sưu tầm, vì sẽ ảnh hưởng đến gia đình và quá trình tu tập.

Một lần nữa xin nhắc lại, việc thờ cúng rất quan trọng. Việc thờ đúng thể hiện mình hiểu đạo cũng như giúp gia đình an ổn, hạnh phúc. Còn ngược lại, sẽ làm cho gia đạo bất hòa, cũng như người ngoài nhìn vào sẽ cho mình là người không hiểu đạo vậy.

Xin lưu ý chung:

  • Không khuyến khích mọi người thay đổi bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ đã có.
  • Ngược lại, nếu có thay đổi thì bàn thờ cũ nên gấp lại và cất vào một nơi trang trọng hoặc đem vào các chùa xin Hỏa táng khi có dịp. Khi thờ bàn thờ mới chỉ cần ít bông và trái cây. Đốt vài nén nhang khấn thầm, ngụ ý: Hôm nay chúng con xin an vị bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ mới, xin Tổ Tiên, ông bà ngự nơi đây …

Bấm vào đây để tải về mẫu thờ Cửu Huyền Thất Tổ (độ phân giải cao)

Bàn thờ trang trí mẫu tạm đạt khi điều kiện không cho phép bố trí thờ riêng

Ban quản trị Tổ đình chùa Thiền tông Tân Diệu.