Vị Tổ sư Thiền Tông đời thứ 28, ở Nam Ấn được mọi người biết đến với bốn câu nổi tiếng: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến Tánh thành Phật”. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Nguyên nhân là do nhiều người dịch hiện nay, dịch sai một vài chữ nên làm cho người tu “lầm lẫn” giữa Tâm và Tánh. Tuy nhiên, ý nghĩa bốn câu mà Ngài Đạt Ma Tổ sư muốn truyền như sau: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ Tánh người, biết được Tánh người, mới thành Phật được”. Trên đây là những câu bí yếu trong pháp môn Thiền tông học mà chưa ai giải thích đúng cả. Đức Phật có dạy trong Huyền ký: Vị nào giác ngộ được “Bí mật Thiền tông”, thì mới chỉ giải mã được 50% thôi, đồng nghĩa, vị đó đã mở cửa được cửa “Bí mật Nhà thiền”, vị nào mở được cửa “Bí mật Thiền tông” rồi, tự vị đó biết chứ chúng tôi không dám nói trắng ra phần này. Tuy nhiên, để giúp quí vị biết một phần nhỏ, chúng tôi xin tạm dịch như sau:
Bất lập văn tự:
– Muốn đạt đến chỗ chân thật của pháp môn Thiền tông học này, không thể nào sử dụng văn tự của thế giới này được.
Vì sao vậy?
– Vì văn tự của thế giới này là văn tự nhân duyên của vật lý, khi có kết quả, là kết quả của vật lý. Vì chỗ đó, mà Đức Phật và Chư Tổ không cho sử dụng ngôn từ của nhân duyên để viết đến chỗ chân thật này.
Giáo ngoại biệt truyền:
– Vì không lập văn tự, nên pháp môn Thiền tông học này, không truyền theo kinh điển của Đức Phật dạy thông thường.
Tại sao vậy?
– Vì kinh điển của Đức Phật dạy, là do ông A Nan Đà và những vị kiết tập kinh điển viết ra bằng chữ viết của nhân duyên. Do đó, nếu pháp môn Thiền tông học này mà dùng ngôn từ của vật lý, thì nó bắt buộc phải có kết quả theo chiều vật lý, nên người tu không giải thoát được!
Trực chỉ tánh người:
Ai biết được tánh người, thì người đó mới tu theo pháp môn Thiền tông học này được
Hiện nay, không ai biết được tánh người là gì, nên rất nhiều người tu theo đạo giải thoát của Đức Phật dạy, một thời gian rất dài như vậy, chưa có ai giác ngộ, thì làm sao giải thoát được!
Có nhiều đạo tràng tập trung đông người đến nghe hay học, vị Thầy giảng hay dạy, vị ấy cũng chưa biết được tánh người của mình, thì người nghe hay học làm sao biết được.
Biết được tánh người:
Câu này, nếu vị nào có duyên đọc được Huyền ký của Đức Phật thì mới biết được tánh người, còn không có duyên, sưu tầm rồi tưởng tượng ra để dạy thì làm sao đúmg?
Vì chỗ tưởng tượng đó nên có nhiều vị Thầy giảng kiến tánh là nhận định, giảng như vậy là không phải. Nếu nói kiến tánh là nhận định, nhận định là “sản phẩm của cái tâm vọng tưởng của vật lý này!” Chỗ này, Đức Lục Tổ dạy, ai dạy như vậy giống như tưởng tượng ra con rùa có lông, còn con thỏ có sừng vậy!
Còn những vị chỉ mới giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông” thôi, họ nói: “Nếu ai nói như trên, chẳng khác nào vị ấy, dạy người đi tìm lửa dưới dưới sông băng hay dưới đáy hồ sâu vậy!
Mới thành Phật được:
Câu này thì đơn giản, nếu ai tu theo Thiền tông mà đã nắm thật vững Phật tánh của chính mình rồi, từ chỗ nắm vững đó, mới trở về “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” của mình được.
Phần này, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật có dạy: “Muốn có vàng ròng để sử dụng, thì người đó phải biết quặng nào là quặng vàng; còn không biết, cho quặng sắt là quặng vàng hay quặng thiếc là quặng vàng, người này đãi quặng cả đời cũng không tìm thấy chút vàng nào!
(Trích từ quyển “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật dễ Giác ngộ” của tác giả Nguyễn Nhân.)