Nói đến giảng kinh, chúng tôi xin nêu lên một câu chuyện liên quan đến giảng kinh, giảng thiền, cho quí vị nghe.
Có vị giảng sư giảng kinh rất nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn ở nước Trung Hoa, đến hỏi thiền sư Huệ Hải:
– Xin cho tôi hỏi một câu được không thiền sư ?
Thiền sư Huệ Hải nói:
– Bóng trăng dưới đầm nước, mặc tình mà ông mò bắt.
Giảng sư hỏi:
– Thế nào là “Yếu chỉ của Phật pháp?”
Thiền sư Huệ Hải trả lời:
– Thưa, tôi không hiểu “Yếu chỉ Phật pháp”.
Giảng sư bảo:
– Sao thiền sư tối tăm thế, Yếu chỉ Phật pháp mà không biết, xưng thiền sư làm gì? Nên xuống giường thiền để người khác lên đảm nhận.
Thiền sư Huệ Hải hỏi lại giảng sư:
– Tôi có thể xuống giường thiền, không khi nào dám ngồi trước mặt mọi người để nói đạo nói thiền nữa, nếu giảng sư trả lời được câu hỏi của tôi.
Giảng sư nói:
– Mời thiền sư cứ hỏi, ở đây đông người, tôi vì ông mà chỉ cho, trong các kinh điển Đại thừa mà Đức Phật đã dạy.
Thiền sư Huệ Hải hỏi:
– Ông là giảng sư, vậy ông giảng kinh gì để dạy người?
Giảng sư trả lời:
– Giảng kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Thiền sư Huệ Hải hỏi tiếp:
– Kinh này ai nói?
Giảng sư tằng hắng lên giọng nói:
– Hèn chi, thiên hạ bảo thiền sư không hiểu kinh Phật là phải, kinh này Phật nói, chuyện sơ đẳng của Phật giáo mà thiền sư không biết sao?
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Trong kinh Kim Cang Đức Phật dạy: “Ai nói ta có nói kinh Kim Cang, người đó phỉ báng ta; còn nếu nói Phật không nói kinh, người đó chê bai kinh. Vậy, xin giảng sư giảng nghĩa cho tôi được rõ?
Giảng sư giật mình ấp úng một hồi lâu rồi đáp:
– Chỗ này, thật tình tôi mê hẳn.
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Ông chưa bao giờ tỉnh nói chi là mê, uổng cho trong hàng giảng sư, có một vị giảng sư giảng kinh suốt mấy chục năm mà một câu kinh đơn giản không giải thích được, rất tiếc cơm tiền của đàn na thí chủ cúng dường cho ông xài, chứ không phải trả tiền công cho ông giảng kinh, giảng đạo. Thật là uổng cho sự cúng dường từ bấy lâu nay của những vị tin tưởng ông!
Hai vị đối đáp rất nhiều, nhưng câu nào giảng sư cũng đều không đáp được, giảng sư biết mình còn tối tăm với đạo, đành lễ tạ cáo lui, không dám khinh thường và vô lễ với thiền sư Huệ Hải.
Giảng sư biết mình có lỗi nên một lòng chân thật hỏi thiền sư Huệ Hải:
– Con thật lòng xin sám hối lễ lạy Hòa thượng, xin Hòa thượng chỉ dạy thật tình cho con câu mà Hòa thượng đã nói ban đầu với con là, “Bóng trăng dưới đầm nước sâu trước mặt, mặc tình mà ông mò bắt, là ý nghĩa làm sao?”
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Lời nói của các thiền sư, ví như bóng trăng dưới đầm nước, tùy ý người hỏi mà tìm tòi để hiểu. Nay ông đã biết lỗi, ông hãy lui ra, khi nào thuận duyên ta sẽ vì ông mà giảng thiền độ ông.
Thiền sư Huệ Hải nói tiếp:
– Người tu hành không biết Tánh mình, tu hành chẳng nghĩa lý gì, còn giảng kinh mà không mở mắt đạo, giống như người mù tả cảnh núi non, sông hồ có trúng vào đâu? Ta gợi ý cho ông hai câu dưới đây mặc tình cho ông “mò bắt”:
1- Bậc Thánh thấy mình có hội đạo, vị đó là phàm phu.
2- Phàm phu thấy mình có hội đạo, người đó đã vào được bậc Thánh rồi đó.
Ông giải được hai câu này, ông đã bước vào được sân Thiền tông rồi vậy.
Giảng sư lòng thành lễ tạ rồi lui ra.
Giảng sư tự nhủ: Trước mặt bao nhiêu người, ban đầu mình xem thường thiền sư, kết cuộc một câu kinh, một lời kệ mình không giải thích được thật là nhục nhã! Từ trước đến giờ, mình giảng kinh kiểu gì thật là hổ thẹn!
Trích quyển “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật dễ Giác Ngộ” – tác giả Nguyễn Nhân.