Trong các Kinh điển, chúng ta thường thấy đề cập đến “Lục đạo luân hồi”, tức 6 nẻo mà chúng sanh phải tái sanh để thọ nhận nghiệp quả sau khi chết. Nhưng thật ra, Đức Phật dạy có đến 8 nơi để chúng ta đi mà ít ai biết đến, chứ không phải chỉ “lục đạo luân hồi” gồm: Cõi trời, A-tu-la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục, như chúng ta thường thấy trong các Kinh điển thông thường. Vậy hai đường còn lại là những nơi nào?
Đức Phật dạy:
* Đường thứ 7: là con đường “Hoa Báo” mà Thế Tôn có dạy ẩn ý trong Kinh Hoa Nghiêm. Vì sao gọi là “Hoa Báo”?
– Vì Hoa là hoa, lá, cây cỏ, thực vật, v.v…
– Báo là Quả Báo.
– Nghĩa là bị quả báo làm hoa, lá, cây, cỏ, thực vật, v.v…
– Nguyên do nào bị quả báo như thế? Đức Phật dạy rõ:
- Để đến được cõi trời: Phải làm phước thiện thật nhiều hoặc tu dụng công, mơ tưởng đến nơi thật thanh tịnh. Khi mất, sẽ được tái sanh vào cõi trời tương ứng với nghiệp quả chúng ta tạo ra.
- Để vào cõi A-tu-la: Khi sống thường hay sân hận, chém giết lẫn nhau. Khi mất, sẽ tái sanh vào cõi A-tu-la, còn gọi là cõi thần.
- Để vào cõi Người : Khi sống, làm việc làm đúng nghĩa của một con người, không thiện cũng không ác. Khi mất, sẽ tái sanh vào làm người trong dòng tộc, họ hàng của mình để luân phiên trả quả với nhau.
- Bị vào cõi Ngạ quỷ : Khi sống, giành giật miếng cơm manh áo của người khác, tham lam, trộm cắp, v.v… Khi chết, bị đọa làm Ngạ quỷ, tức quỷ đói để trả quả mà mình đã tạo ra.
- Bị đọa làm Súc sanh : Khi sống, giết hại sinh thú quá nhiều. Khi chết, bị các loài sinh thú đến đòi mạng và phải bị đọa làm nghiệp súc sanh.
- Bị đọa vào Địa ngục : Khi sống, làm thân Phật chảy máu, phạm tội giết người, chia rẽ tăng đoàn, v.v… Khi chết, bị đọa xuống Địa ngục để trả quả mà mình tạo ra.
- Bị làm Hoa Báo: Khi sống, không làm 6 việc tương ứng 6 cõi như trên, mà làm những việc như sau :
a- Không phải Thiền sư mà mạo danh mình là Thiền sư : Thiền sư thứ thiệt phải là một người thông suốt tất cả về Thiền học bao gồm cả Thiền dụng công, không dụng công, ngoại thiền, tà đạo thiền, v.v… Hơn nữa, Thiền Sư thứ thiệt là một người không lưu lại dấu vết. Người đến hỏi đạo chỉ thật sự nhận ra người kia là Thiền sư thực thụ, khi ông ta đã bỏ đi. Ví như, mình đang làm công dân bình thường của một nước mà tự xưng mình là một quốc vương, tổng thống hay chủ tịch nước thì sẽ bị hậu quả gì ?
b- Không phải Tổ sư Thiền mà tự xưng mình là Tổ sư Thiền : trường hợp này giống như trường hợp trên.
c- Không biết được đường Giải thoát mà tưởng tượng ra, đi dạy cho người khác, nói là Giải thoát : Lợi dụng lòng tín ngưỡng và sự không hiểu biết của người khác mà mình đem tiền, của cải, vật chất của đàn na tín thí về cho bản thân, rồi nói là giúp người khác được Giải thoát.
d- Lường gạt người khác, nói là sẽ cứu được người bị đọa ở Địa ngục : Lợi dụng lòng tin rồi thu tiền, của cải, v.v… về cho mình. Trường hợp này, xem tích “Mục Kiền Liên cứu mẹ” sẽ rõ.
– Tóm lại, những người vị phạm 1 trong những điều nói trên, khi chết đi sẽ bị làm hoa báo, sống đời sống thực vật rất lâu.
– Để tính được thời gian làm hoa báo này, quí vị hãy xem xét ví dụ sau :
– Ví như, một người Thầy khi còn sống, lợi dụng lòng tin của bá tánh, lường gạt họ 1 tỷ đồng, nói là giúp họ Giải thoát. Khi chết đi, theo luật Nhân Quả, người Thầy này sẽ bị quả báo làm đời sống của cây rau muống chẳng hạn. Ví như một bó rau muống có giá là 1.000đ, thì quí vị nghĩ xem, người Thầy này phải đầu thai lại làm bao nhiêu kiếp rau muống cho người khác ăn, để trả quả. Thật khủng khiếp !
– Phần này chúng tôi xin trích dẫn câu chuyện về Hoa Báo này như sau :
Tổ La-Hầu-Đa-La, sanh sau Đức Phật 581 năm, là vị tổ thứ 16 dòng Thiền tông. Người nước Ca-Tỳ-La, thuộc dòng Phạm Ma, con của ông La-Phiệt-Đà, mẹ là Lữ Phước Duyên.
Ngài rất thông minh và hay thắc mắc những gì mà Ngài không rõ thông. Trong vườn nhà Ngài có cây mọc nấm xem rất kỳ lạ, cha Ngài ăn thì rất ngon, còn tất cả người khác ăn thì rất đắng, ăn không được. Một hôm, Tổ Ca-Na-Đề-Ba (tổ thứ 15 dòng Thiền tông) đến nhà Ngài, Ngài đem sự kỳ lạ của cây nấm hỏi Tổ, Tổ giải thích như sau:
– Kiếp trước, cha ông là một người thích làm phước thiện và cúng dường cho tất cả những vị tu hành. Có một vị Thầy thấy cha ông là người đễ xin tiền, nên bịa ra chuyện như sau:
– Ông muốn cầu xin gì, ta sẽ cầu xin cho. Cha ông là người hiền lành, cũng muốn cho gia đình mình được bình an khỏe mạnh, nên nhờ vị Thầy ấy cầu phúc cho gia đình. Sự thật, phúc đức là do tự mình tạo ra, còn vị Thầy nếu tu hành đúng chánh pháp, chỉ chứng minh cho người khác cúng dường thôi, chớ không cầu phúc cho ai được. Vì vị Thầy ấy lợi dụng lòng tin tưởng của cha ông, nên khi cha ông sanh ra nơi nào, vị Thầy ấy phải đến nơi đó trả quả cho cha ông, khi nào vị Thầy ấy trả hết nợ cho cha ông mới thôi. Việc nhân quả này có thể trả nhiều đời! Đức Phật dạy việc trả quả này gọi là “Hoa báo”.
* Đường thứ 8: Phật Giới: Người nào có đại duyên gặp được vị “Thiện Tri Thức”, chỉ Công thức Giải thoát, cách tạo Công Đức, cách vượt “Hải Triều Dương”, đồng thời phải thực hiện đúng như chỉ dẫn thì cơ may mới có thể trở về Phật Giới được.
Sưu tầm