Vào thời Đức Phật dạy đạo, khi trình độ khoa học và các phương tiện kỹ thuật chưa phát triển, mọi sự ghi nhớ của con người thường được lưu vào bộ não con người là chính. Do vậy, để nhắc nhớ lại lời dạy của Đức Thế Tôn sau mỗi buổi giảng pháp, các vị đệ tử của Ngài thường hay đọc đi đọc lại cho nhau nghe, để nhắc nhau nhớ lại lời dạy của Ngài mà thực hiện cho thật đúng.
Việc đọc đi đọc lại này được gọi là Tụng.
Ban đầu, các đệ tử lưu trữ lời dạy của Đức Phật và khắc trên lá cây và gỗ, v.v… Về sau, khi trình độ khoa học kỹ thuật phát triển hơn. Đặc biệt, khi giấy bút được đưa vào sử dụng thì việc lưu trữ vào bộ nhớ con người không còn khó khăn nữa. Những lời dạy của Đức Phật được lưu truyền miệng, giờ đã được biên chép bằng bút vào giấy. Những lời dạy này được gọi là Kinh.
Người đi đầu trong việc đưa những lời dạy của Đức Phật vào trong Kinh Sách để chúng ta đọc Tụng là Hòa Thượng Hoa Lâm, vào thời nhà Đường, ở Trung Hoa lúc bấy giờ. Khi ấy, Ngài nhận thấy rất khó để nhớ lời dạy của Đức Phật nên Ngài đã biên soạn lại các Kinh cho các thế hệ sau đọc Tụng để dễ nhớ.
Như vậy, việc đọc đi đọc lại lời dạy của Đức Phật được gọi là Tụng Kinh.
Tuy nhiên, việc Tụng Kinh chỉ là phần phụ. Phần chính là nhớ lời dạy của Đức Phật, tìm hiểu cho thật thấu đáo nghĩa của Kinh, mà thực hiện cho đúng với lời dạy của Ngài. Chứ không phải hằng ngày, chúng ta cứ đem lời dạy của Đức Phật mà đọc tụng trước hình tượng của Ngài, rồi nghĩ rằng được Phước đức hoặc Công đức. Như vậy đã hiểu sai lời Phật dạy rồi vậy.
Ví như, chúng ta đang bị bệnh đến gặp bác sĩ. Vị bác sĩ bắt mạch biết bệnh của chúng ta. Ông ấy kê toa thuốc gồm các loại thuốc để chúng ta về mua mà uống theo đúng hướng dẫn. Dần dần sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không chịu mua thuốc và uống. Mà cứ suốt ngày trước mặt ông bác sĩ lại đọc các loại tên thuốc cũng như khen ngợi sự tài ba của ông bác sĩ, thì liệu rằng chúng ta có thể hết bệnh được chăng?!
Thật không thể được!
Cũng như thế, chúng ta không chịu áp dụng lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống mà hằng ngày cứ đúng thời khóa, là chúng ta cứ đọc lại lời dạy của Đức Phật, rồi hết lời khen ngợi oai thần của Ngài thì chúng ta thấy thế nào? Những người có đầu óc thực tế sẽ nghĩ chúng ta ra sao?
Như vậy, tu theo pháp môn Thiền tông có cần phải tụng Kinh hay không?
– Người tu theo pháp môn Thiền tông, mà chưa Kiến Tánh, thì nên tụng Kinh. Tuy nhiên, phải là Kinh Tụng theo Thiền tông, dần sẽ Kiến Tánh.
– Còn người đã Kiến Tánh rồi, thì không cần tụng.
Vì sao?
– Vì mình đã nhận được Tánh Phật của mình rồi, chỉ lo tạo công đức để trở về Phật giới là đủ.
Sau đây là những phẩm Kinh tụng theo Thiền tông: