Thưa quí độc giả và Phật tử,
Ngày xưa, ở vùng biên địa nước Trung Hoa rộng lớn có Ngài Lư Huệ Năng. Ngài không phải là một vị có vị trí quan trọng trong hàng giáo phẩm, cũng không phải là người có học thức cao, cũng không phải là người chuyên về nghiên cứu Phật học, càng không phải là Phật tử, mà Ngài chỉ là anh chàng đốn củi ở vùng rừng sâu biên địa. Khi ông mang củi từ trong rừng ra chợ để bán. Nghe người nhà kế bên tụng kinh Kim Cang, bỗng ông nhận ra lời và ý kinh, nên ông hỏi người nhà kế bên:
– Kinh ông tụng là kinh gì vậy?
Người tụng kinh trả lời là kinh Kim Cang.
– Kinh này xuất phát từ đâu?
Người tụng kinh bảo:
– Kinh này từ nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Thiền tông Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai.
Ông liền đến Huỳnh Mai ra mắt Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn hỏi Huệ Năng:
– Ông từ đâu đến và cầu việc gì?
Huệ Năng thưa:
– Con từ Lãnh Nam đến và cầu làm Phật chứ không cầu việc gì khác.
Nghe Huệ Năng nói không giống như những người từng đến đây học đạo, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo:
– Ông là người Lãnh Nam, là người nam man, hạ tiện, biên địa, không có Phật tánh, làm sao cầu làm Phật được?
Huệ Năng thưa:
– Con và Hòa thượng tuy có Nam Bắc, có sang hèn, nhưng Phật tánh của con và Hòa thượng đâu có Nam Bắc, hay sang hèn? …
Đó là câu chuyện ngộ đạo của anh chàng bán củi ở vùng biên địa ngày xưa. Thế nhưng ngày nay, lại có người được ngộ đạo từ anh chàng … bán dép. Chúng tôi xin được chia sẻ lá thư gửi về Ban quản trị Tổ đình chùa Thiền tông Tân Diệu của Phật tử Bùi Văn Ngàn, gửi về cho chúng tôi. Nội dung lá thư như sau, mời quí Phật tử và độc giả đón đọc:
Kính gởi:
– Thiền Gia soạn giả Nguyễn Nhân
– Ban Quản trị chùa thiền tông Tân Diệu
Con tên BÙI VĂN NGÀN, sinh năm 1987. Hiện đang tạm trú khu công nghiệp Mỹ Phước 1, ấp 6, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Sau đây, con xin tóm tắt lại quá trình giác ngộ Thiền tông của con:
Lời ông dặn lại ba mẹ con, tối ngủ phải nhớ nằm nghiêng niệm Phật, cả nhà con trên dưới làm theo và con niệm Phật từ lúc bé. Năm 14 tuổi nghỉ học để phụ ba mẹ, con thấy vui vì có thể làm được ra tiền, tuy không nhiều, công việc cực khổ so với cái tuổi hiện tại, con vẫn chuyên cần chăm chỉ với việc đang làm… Những năm tháng đó dù chưa biết được đạo mầu, con cố gắng sống trọn đạo nhân của mình, sống thiện lương, cần mẫn.
Năm 15 tuổi, được chị cho quyển sách CHÚ ĐẠI BI có hình QUÁN THẾ ÂM, chị nói đọc sẽ có nhiều phước đức, con nghe theo và trì tụng. Có kinh sách nào anh chị mang ở chùa về, con đều nghe hết. Khi con nghe “CHẾT LÀ MÔT PHÁP MÔN TU”, con thấy khơi lên sự muốn tu học, sau đó là kinh “KIM CANG”, con nghe đi nghe lại nhiều lần và không chấp tướng nữa.
Khi bà mất, Con xin thầy tụng giúp gia đình con, tuy con cháu đông nhưng không ai biết tu. Thầy thoáng ngạc nhiên và sau đó rất chu đáo mọi việc. Một hôm thầy ghé thăm, thấy con đọc CHÚ ĐẠI BI, thầy tặng con đĩa kinh “THỦ LĂNG NGHIÊM TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG, DUY THỨC HỌC VÀ PHÁP HOA”, con nghe kinh như nắng hạn gặp được mưa rào, quá hay và xem như của quý.
Thời gian sau chị con gặp tai nạn, phải uống thuốc suốt đời, nhà con như bị đảo lộn, chỉ lo cuộc sống, không còn tâm trí và kinh sách gì nữa, nhưng yếu chỉ trong kinh con đã hiểu không sao quên được, con sống thường ngày với cái tâm an tịnh hơn nhiều. Con không hay chữ, ít đọc sách nên thường nghe đĩa, nghe và hiểu, còn văn tự không tài nào nhớ được. Vài năm sau, con gặp được vị thầy tu bên Mật Chú, con cố gắng học để chữa bệnh cho chị, nhưng thầy cũng chỉ con học CHÚ ĐẠI BI thôi, 1 năm con lên thầy 1, 2 lần. Đúng 3 năm thầy mới cho thêm mấy bài Chú khác, dặn đọc thường xuyên sẽ giúp được chị, nhưng khi con đọc, tâm con như không chịu, chỉ muốn vô niệm, rồi cũng thôi, khi nào chị bệnh nặng mới đem ra đọc. Thấy không tiến triển đành cam chịu số phận, con tiếp tục nghe thêm “KINH PHÁP BẢO ĐÀN”, con nói thầm, chắc đã chứng được quả bất thối chuyển, vì thấy nghe hay biết của con nằm gọn trong “KINH LĂNG NGHIÊM và KINH PHÁP BẢO ĐÀN’”. Con cũng tiếp tục nghe “KINH BÁT NHÃ, KINH DUY MA CẬT”.
Hai, ba năm sau, con nghe thêm “KINH NHÂN QUẢ BA ĐỜI”. Con có duyên gặp được bộ kinh lớn của 1 vị đại sư, 1 cuốn gồm 4 bộ kinh, “NIỆM PHẬT VIÊN ĐỐN TAM KINH, NHƯ LAI BẤT TƯ NGHÌ CẢNH GIỚI, BÁT CHU TAM MUỘI và VĂN THÙ SỞ THUYẾT BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”, con nghe mà nổi da gà, lông tóc như bị dựng ngược vậy, ví như được mở toan cánh cửa trong nhà.
Tới năm 28 tuổi, con làm công ty rất bận, phút chốc tâm con tuôn trào ra, có muốn kềm lại cũng không được, con làm bài kệ như sau:
Cuộc sống bây giờ thật linh động
Linh động là vì sống tự nhiên
Thoáng chốc tư duy lòng không đặng
Không đặng là vì mất tự nhiên
Tự nhiên ở đâu mà sống được
Ở chùa rộng lớn không có cửa
Không cửa mỏi ngày đứng ở đâu
Chỗ đứng không ngoài một bước chân
Mỗi ngày sống bằng gì trong đó
Tánh Thấy trong sáng của chính ta
Sinh hoạt bằng gì để tồn tại
Nghe bằng cái Nghe của tự nhiên
Tâm con như được bừng sáng bao nhiêu thắc mắc trong lòng đều được giải, con làm bài thơ tỏ lòng hiếu kính ba mẹ như sau:
Qua thì mỏi nước mỏi non
Chia năm sẻ bẩy như đàn cá kia
Xuân kỳ hộp lại tư gia
Vơi vài câu chuyện được là mấy khi
Liên kỳ như hội Xuân qua
Nước là tới đích thiệt là than ôi.
Con tiếp tục nghe thêm được bộ kinh LĂNG GIÀ TÂM ẤN, kinh nói: phải gặp được Tổ, trình kiến giải chỗ thấy tánh tổ ấn chứng mới được. Con thao thức trong hai năm qua không biết tìm tổ ở đâu bây giờ.
Năm con 30 tuổi, một hôm tình cờ gặp anh bán dép gần nhà, chỉ con pháp môn “NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN”, con nghe xong đã hiểu được những lời Đức Phật dạy trong Huyền ký của Ngài và con làm bài kệ như sau:
Ngày xưa sen nở Linh Sơn
Ngày nay sen nở Long An đất Rồng
Ngày xưa đi kiếm đi cầu
Ngày nay thấy tánh cầu chi bên ngoài.
Tánh Thấy mà ở bên ngoài
Là thân vật lý gạt người gạt ta
Đã sai cố hiểu càng sai
“Buông, dừng, thôi, dứt” hết sai hết phiền.
Tạ ơn những vị ngộ thiền
Dẫn mạch nguồn thiền chảy khắp năm châu
Nay con đại phước đại duyên
Nhận được nguồn thiền của Phật Thích Ca.
Cuối đầu lạy tạ ơn Cha
Khổ công tầm đạo mở khai đạo mầu
Nay con nhận được pháp mầu
Khéo léo tự độ, không cầu, không mong.
Giúp người hữu phước đợi trông
Chỉ ngay Tân Diệu nguồn thiền linh thiêng
Giúp người hết đảo hết điên
Tu theo thiền học dứt liền tử sanh.
Nhờ anh bán dép cùng làng
Không hẹn lại gặp chỉ ngay pháp thiền
Bốn tiếng nghe pháp lặng yên
Ở đâu gặp được, nói liền: Long An.
Tạ ơn những vị trong Ban
Đến ngay mua sách mới an trong lòng
Hết nghi quyết chí một lòng
Quê nhà thẳng tiến chuyến xe cuối cùng.
Nay con khôn lớn hơn người
Làm thơ tặng mẹ, tặng cha tỏ bầy
Tạ ơn cha mẹ dẫy đầy
Nuôi thân vật lý lớn khôn từng ngày.
Tạ ơn những vị Tổ, Thầy
Rót đầy nghĩa lý mỗi ngày cho con
Xưa con như thể chim non
Nay con đủ cánh con bay về nhà.
Thưa, nhờ bộ sách Thiền tông học mà giờ đây con đã hiểu ra sự chân thật nơi thế giới này là gì? Tu sao Giải thoát, tu sao còn bị luân hồi. Tánh người của mình là gì? Tánh Phật là sao? … Đặc biệt là biết công thức trở về Phật giới là quê hương chân thật của chính mình …
Trước khi dừng bút, con kính chúc sức khỏe Thầy Nguyễn Nhân và Ban Quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu được dồi dào. Nguyện pháp môn thiền tông được lan rộng khắp mọi người, mọi nơi.
Con xin chân thành cảm ơn.
Phật tử thiền tông BÙI VĂN NGÀN.