Tin nổi bật

Tu theo Thiền tông phải bỏ hết sao?

Ông Nguyễn Đại Chí hỏi: Kính thưa Trưởng ban, nếu nói như thầy, tu theo đạo Phật bỏ hết các vọng tưởng, người tu chẳng nói làm chi, vì họ không cần gì ở thế gian này. Còn những người bình thường như chúng tôi, nếu bỏ hết làm sao tính toán các việc làm ăn hằng ngày. Đó là một cá nhân, nếu cả nước  cũng như vậy, thì quốc gia này sẽ ra sao?

    Chúng tôi đi trong đoàn hết sức ngỡ ngàng, lo lắng cho vị Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu, khó trả lời cho câu hỏi gai gốc này!

    Vị Trưởng ban quản trị chùa trịnh trọng và chậm rãi đáp:

    – Kính thưa thầy Nguyễn Đại Chí, nếu người hiểu đạo Phật ở tầm hiểu biết thấp thì thấy và hiểu như vậy, còn những vị tìm hiểu đạo Phật ở trình độ trung hay cao, họ  lại có cái thấy và hiểu biết khác.

    Chúng tôi xin dẫn chứng một vài ví dụ sau đây để thầy hiểu:

    – Đạo Phật có trên đất nước Việt Nam chúng ta bởi hai dòng thiền: Một từ phương Bắc xuống, một từ  phương Nam vào. Phương Bắc thì tu theo thiền Bắc truyền, còn phương Nam tu theo thiền Nguyên thủy. Thầy suy nghĩ xem, Đức Phật tu thiền đắc đạo, các vị Tổ sư Thiền tông cũng tu thiền mà được đạo. Các vị thiền sư Trung Hoa và Việt Nam, đặc biệt các vị Tổ sư Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử cũng nhờ tu thiền mà được đạo, không ai tu pháp môn nào khác.

    Sở dĩ chúng ta thấy cách tu hiện nay không phải là tu thiền, là lý do như dưới đây:

     1- Vì tu Thiền tông không sử dụng vọng tưởng nơi thế giới vật lý này, nghe khô khan, không hình tướng, lại rất khó. Còn đọc, tụng kinh nghe lâm ly, cảm xúc làm rung động lòng người. Người tu lại tưởng tượng thêm, thấy như có cái gì linh nghiệm, rồi tự chìm đắm trong cái linh nghiệm đó, vì có hình tướng nên dễ tu. Đức Phật dạy, tu mà có hình tướng, hay rung động lòng người là xa lìa với lẽ thật.

    2- Tu thiền không chấp ngã, nên bao dung được tất cả. Chúng tôi chứng minh sự bao dung ấy cho thầy thấy:

   – Người muốn tu hành giác ngộ giải thoát, cũng vào chùa.

   – Người sầu khổ cũng vào chùa.

   – Người thất bại trên thương trường cũng vào chùa.

   – Đặc biệt, các vị lo cho quốc gia mà chưa được toại nguyện cũng vào chùa. (Việc này đã chứng minh là từ ngàn xưa: Các vị chống quân xâm lược từ phương Bắc. Chống Pháp. Gần đây nhất là chống Mỹ. Khi khó khăn cũng vào chùa).

   – Sở dĩ đạo Phật bao dung được như vậy là vì đạo Phật chủ trương có bốn ân, mà ân đầu tiên là ân quốc gia.

   – Người luôn luôn chống đối đạo Phật, đạo Phật cũng bao dung.

    – Người luôn gièm pha hay phỉ báng đạo Phật, đạo Phật cũng mở lòng từ bi, v.v…

    – Người không hiểu bí ẩn của nhân sinh và vũ trụ, họ cũng tìm đến đạo Phật để được thỏa mãn.

    – Người muốn mong cầu thoát khổ, họ cũng đến đạo Phật để được rõ thông.

     – Nhiều Nhà binh thư sử học, họ thắc mắc: “ Gió ngựa  quân Nguyên – Mông đạp  nát châu Âu, Trung Đông và nhiều nơi khác, mà tại sao lại thảm bại dưới đội quân nhỏ bé của Nhà Trần Việt Nam chúng ta”?

    – Tại vì họ chưa nghiên cứu hết cái cốt tủy, binh thư của Nhà Trần. Khi vua Trần Nhân Tông, chuẩn bị cho cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Đức vua là một vị thiền sư, Ngài thấy ở thế gian này dù có khổ cách mấy đi chăng nữa cũng không khổ bằng ngồi thiền, nhất  là dẹp vọng tưởng của cái tâm vật lý lăng xăng của chính mình, dù làm việc nặng nhọc suốt năm bảy giờ liền cũng không thấy khổ, mà khổ nhất là ngồi thiền, chỉ ngồi hai hay ba giờ là không chịu nổi rồi!

     Ngài bảo:

     – Thắng một vạn quân xâm lược còn dễ hơn thắng được cái tâm vọng tưởng vật lý của chính mình. Vì vậy, Ngài trang bị cho toàn quân, toàn dân của Ngài bằng những lời:

     – Nước mất, thì nhà phải tan!

     – Bắt buộc làm nô lệ cho người khác!

     –  Ở đời không gì tủi nhục nào bằng!

     – Dù chúng ta có khí cụ tinh vi đến đâu đi chăng nữa mà không có ý chí kiên cường, không thể nào thắng đối phương được”.

     – Vì các tiêu điểm trên, nên Đức vua mới trang bị cho toàn quân, toàn dân của Ngài, cái ý chí kiên cường đó, nên Ngài áp dụng cái tinh ba Thiền tông học của đạo  Phật:

     – Khi chiến đấu với quân thù, các ông cứ giữ tâm vật lý của mình là đừng sợ, cứ nhắm thẳng quân thù mà đánh!

     – Quân thù thấy cái ý chí kiên cường của các ông mà họ thối lui!

     –  Quả thật như vậy, ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, đều bị quân dân Nhà Trần đánh cho kinh hồn bạt vía! Chiến thắng của quân dân Nhà Trần làm cho sử gia thế giới phải kính nể, họ không hiểu Vua, Tôi, Nhà Trần dùng binh thư gì mà đánh bại một đạo quân hùng mạnh và lừng danh, làm cho cả thế giới phải khiếp sợ như vậy?!

     Đến giờ phút này, mà nhân dân Việt Nam chúng ta còn rất nhiều vị chưa biết, duy chỉ có những Nhà lãnh đạo binh thư tài ba mới biết được mà thôi!

    Chúng tôi xin nói rõ, bất luận là ai, muốn tu theo Thiền tông học Nhà Phật, không phải dùng hình thức bên ngoài, mà phải thông suốt, cái gì là chân thật của chính mình, cái gì là huyển hoá do vật lý trần gian này cấu tạo nên. Chúng tôi xin hướng dẫn cho những ai muốn tu theo pháp môn Thiền tông của Nhà Phật:

    Như:

    – Cô thư ký, anh công nhân, chị bán buôn, hay làm bất cứ ngành nghề gì. Khi tu Thiền tông, chỉ áp dụng mình làm nghề gì, chỉ chăm chú một việc làm đó thôi, đừng cho tâm vật lý mình suy nghĩ việc khác. Tôi tin chắc rằng, các việc làm của những vị nói trên, sẽ đạt đến đỉnh cao của công việc.

(Trích trong quyển “Tu theo pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ” – tác giả Nguyễn Nhân)