Ông Nguyễn Quốc Trung, sanh năm 1961, tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cư ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. HCM, hỏi:
– Mỗi lần tôi ngồi thiền ít nhất là 4 giờ, thường thấy cảnh giới Phật, thấy như vậy tôi rất vui thích, nhưng tôi không hiểu tại sao, đã 5 năm rồi mà không tiến thêm chút nào, vậy, xin hỏi Trưởng ban:
– Muốn tiến vào cảnh giới thanh tịnh Phật tánh phải tu làm sao?
Trưởng ban trả lời:
– Ông hỏi rất khó trả lời, tôi lấy ví dụ sau đây để ông suy xét, nếu nhận ra, ông biết lối tu để vào cảnh giới thanh tịnh Phật tánh của chính ông:
Trong các kinh điển Đại thừa, thường nói đến “Ao Xuân Mò Gạch”. Đây là câu truyện Đức Phật ví dụ, cũng là phương cách dạy các môn đồ của Như Lai tu theo Thiền tông để nhận ra Phật tánh thanh tịnh của chính mình:
Có ông Trưởng giả đeo nhẫn ngọc Như Ý. Mùa xuân nọ, ông dạo chơi trên ao xuân bằng du thuyền. Vô tình, hạt nhẫn ngọc Như Ý ông đeo bị rơi xuống ao. Các người giúp việc ai cũng nhào xuống ao để mò hạt ngọc mà ông đã đánh rơi. Người nào cũng mò tìm trong nước đục có vật giống như hạt ngọc Như Ý, cầm đưa lên cho đó là hạt ngọc mà ông Trưởng giả đánh rơi. Trong đám người này, người có trí tuệ ngồi trên thuyền nhìn kỹ, thấy ánh sáng của hạt ngọc Như Ý, từ từ lặn xuống ao, lượm hạt ngọc Như Ý đem lên.
Ở đây, Phật muốn dạy, người ùm xuống ao để mò tìm hạt ngọc Như Ý, ví như người không trí tuệ mà tu thiền, càng tu càng thấy tâm mình vẫn đục, dụng công rất niêm mật, có thành tựu điều gì chỉ là thứ bỏ đi. Còn người có trí tuệ, không làm như thế, mà chỉ dùng trí tuệ của chính mình xem coi cái gì là Phật tánh của chính mình, khi nhận ra được và sống với Phật tánh ấy là đủ, khi nhận được Phật tánh và sống với Phật tánh, sẽ có những điều kỳ diệu xảy ra, không thể viết ra văn tự được, chính chỗ này chúng ta mới giải mã được câu “Bất lập văn tự” mà Tổ Thiền tông, là Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã nói.
Người tu theo Thiền tông phải lấy câu dưới đây làm đuốc chỉ nam:
– Chớ giẫm Như Lai vết đã qua!
Đức Phật và các vị Tổ Thiền tông dạy: “Muốn nhận ra Phật tánh thanh tịnh của chính mình, đừng làm những gì mà Đức Phật đã làm trước kia”.
Vì sao vậy?
Vì đầu tiên Đức Phật chưa biết, nên Ngài mới dụng công tìm kiếm, nay Ngài đã tìm ra được rồi, cứ y theo “công thức” của Ngài mà sống với Phật tánh của chính mình, chứ đừng như Đức Phật tìm kiếm như thuở ban đầu.
Để chứng minh phần này, ngày xưa, Đức Phật tọa thiền dưới cội bồ đề Ngài đắc đạo, các vị Tổ Thiền tông có vị nào tọa thiền đâu mà cũng được đạo. Vì vậy, khi Mã Tổ Đạo Nhất chưa được đạo, Ngài tọa thiền bị Tổ Nam Nhạc chọc ghẹo bằng cách đem cục gạch để trước mặt mài bảo là để làm gương!
Đây là lời chỉ dẫn tận tình, nếu ông khéo sẽ biết nhận ra Phật tánh thanh tịnh của chính ông mà không cần dụng công bất cứ hình thức nào.
Ông Nguyễn Quốc Trung hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
Trích quyển “Những câu hỏi Thiền tông quyển 1” – tác giả Nguyễn Nhân.