Vào thời nhà Trần nước ta ngày xưa có vị vua tên là Trần Nhân Tông, Ngài tu theo pháp môn Thiền tông học, cuối cùng Ngài được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”. Sau khi dẹp xong 3 lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, Ngài nhường ngôi vua cho con là Trần Anh Tông, lên núi Yên Tử lập ra phái “Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử” để dạy pháp môn Thiền tông học này. Có ông quan phụ trách văn hóa Triệu Nhật Trường từ kinh thành lên hỏi Ngài như sau:
– Kính thưa Thái Thượng Hoàng, khi Ngài được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, cảm giác của Ngài như thế nào, xin nói lại cho chúng con nghe?
Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông bảo ông quan phụ trách văn hóa Triệu Nhật Trường:
– Trước khi trả lời câu hỏi của ông, ta sẽ đưa ra ví dụ sau, ông hãy trả lời cho ta xem thử.
Ví dụ, hiện ông ở vùng Nhiệt đới, khi ông lên được vùng Bắc cực, ông cảm nhận được cái lạnh của Bắc cực, khi ông về lại vùng Nhiệt đới, người ở vùng Nhiệt đới hỏi ông về cái lạnh ấy như sao, ông có thể nào trả lời được không?
Ông quan văn hóa Triệu Nhật Trường trả lời:
– Dạ thưa không ạ!
Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông bình thản đáp:
– Vì ông không trả lời được cái lạnh ấy như thế nào cho chuẩn xác được, nên hôm nay ta cũng không thể trả lời cho ông được, nếu ta nói với ông lạnh như thế này hay như thế kia, ông chỉ có suy nghĩ cái lạnh ấy mà thôi; đã là suy nghĩ thì làm sao đúng được. Thôi ông về triều đình đi, một năm sau lên đây ta sẽ nói cho ông rõ.
Ông quan phụ trách văn hóa trở về triều đình. Mùa Đông năm sau ông trở lên núi Yên Tử. Đức Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông bảo ông vào trong một cái am làm bằng đồng rất nhỏ, vừa đủ để cho một người ngồi trong đó và Ngài đóng cửa am bằng đồng đó lại. Độ 5 phút sau, ông quan phụ trách Văn hóa Triệu Nhật Trường thưa với Thái Thượng Hoàng:
– Con bị lạnh quá, xin Thái Thượng Hoàng mở cửa cho con ra.
Đức Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông liền mở cửa am ra, ông quan phụ trách văn hóa Triệu Nhật Trường liền nhanh chân bước ra ngoài, thân ông run rẩy!
Đức Thái Thượng Hoàng hỏi ông quan phụ trách văn hóa:
– Vậy, ông hãy tả cái lạnh buốt mà ông ngồi trong đó, cái lạnh ấy như thế nào cho ta nghe thử?
Ông quan phụ trách văn hóa Triệu Nhật Trường trình thưa với Đức Thái Thượng Hoàng:
– Dạ, cái cực kỳ lạnh buốt đó, chỉ có con biết được, chớ làm sao con nói lại cho Thái Thượng Hoàng biết được.
Đức Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông bảo:
– Việc ta được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” tự ta biết, chớ làm sao nói cho ông nghe được.
Vì nguyên lý này, cho nên Đức Phật dạy pháp môn Thiền tông học này, khi ai cảm nhận được cái “Thanh tịnh” tự nhiên của chính mình, hay được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, thì không nói cho ai biết được, nên Đức Phật mới nói như trên.
Đó là ý nghĩa của tích truyện cái am bằng đồng ngày xưa. Ngày nay, sau hàng trăm năm lịch sử trôi qua, người ta đã đập bỏ di tích xưa và xây lên một “cái am” bằng đồng khác to hơn và cao hơn gấp nhiều lần ngày xưa, diện tích cũng độ gần 20m2, cao gần 3.5m, có lối đi vào dễ dàng hơn và dựng thêm lư hương để thắp nhang. Ngày nay chúng ta gọi “cái am” đã cải cách ấy là chùa Đồng, ngôi chùa ấy nằm trên đỉnh Yên Tử rất đẹp nên người ta mới có danh từ gọi nổi tiếng là “Chùa Đồng Yên Tử”. Chùa Đồng Yên Tử ngày nay được nhiều người biết đến như thế nhưng thử hỏi có mấy ai hiểu được cội nguồn và ý nghĩa đích thực của nó ?!!!
Chùa Đồng Yên Tử ngày xưa …
Chùa Đồng Yên Tử ngày nay như vầy !
(Trích “Những câu hỏi Thiền tông – Quyển 2” – tác giả Nguyễn Nhân)