Tin nổi bật

Bạch Phật: Con đã BUÔNG … sai!

Ông Lê Mậu Trung, sanh năm 1939, tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cư ngụ tại thành phố Bremen, nước Đức, hỏi:

– Hằng đêm, tôi có tụng kinh A Di Đà, tình cờ tôi đọc được quyển sách của soạn giả Nguyễn Nhân viết: “Tu Theo Pháp Môn Nào Của Đạo Phật Dễ Giác Ngộ”. Thấy Thầy giải về Tịnh Độ quá hay, nhưng tôi chưa hiểu rõ về niệm Phật A Di Đà. Vậy, xin Thầy giảng về niệm Phật A Di Đà cho chúng tôi nghe có đúng với ý chúng tôi hiểu không, xin cám ơn Thầy?

Trưởng ban hỏi lại thầy Trung:

– Thầy hiểu về Đức Phật A Di Đà như thế nào?

Thầy Trung trả lời:

– Dạ, thầy tôi dạy cũng như hiểu của tôi, A Di Đà là vị Phật ở hướng Tây, tính nơi chúng ta đang sinh sống. Ngài có lời nguyện là rước tất cả những ai khi gần lâm chung (sắp chết) mà niệm đến danh hiệu Ngài liên tục không  đứt  đoạn, từ một ngày đến ba, năm hay bảy ngày sẽ được Ngài rước về nước Ngài ở.

Trưởng ban nói:

– Đó là lời nguyện của Ngài, còn nghĩa A Di Đà là gì thầy có biết không?

Thầy Trung trả lời:

– Dạ, không biết.

Trưởng ban nói:

– Nếu thầy hiểu như vậy, vô tình chúng ta đánh mất giá trị cao cả của đạo Phật, cũng vô tình đưa đạo Phật vào chỗ mê tín, tức tin lầm, bị các Nhà Khoa học bảo:

– Khoa học càng tiến, chắc chắn Tôn giáo phải lùi!

Vì sao Tôn giáo phải lùi?

– Vì Tôn giáo đưa ra những lời hứa mà các Nhà Khoa học họ không kiểm chứng được, nên họ không tin, vì họ không tin, nên các Nhà Khoa học họ không đến những nơi này.

Thầy Trung nói với Trưởng ban:

– Theo tôi hiểu, đạo Phật nói riêng, còn các tôn giáo nói chung là phải tin vào cõi vô hình, hay nói cách khác là phải tin vào kinh điển của những vị giáo chủ để lại.

Trưởng ban trả lời:

– Đúng như vậy, chúng ta tu theo đạo Phật cốt yếu là để tự mình được giác ngộ, tức hiểu biết, từ chỗ hiểu biết đó mà hành đúng theo lời dạy của Đức Phật thì mới giải thoát được, chứ không phải cầu xin Ngài cho mình được giác ngộ và giải thoát. Đức Phật có dạy rõ ràng: “Các ông tu theo đạo của ta là phải tự mình thấp đuốc lên mà đi, nhưng các ông phải mồi đuốc từ đuốc chánh pháp của Như Lai, mới đi không sai đường”.

Kinh điển Nhà Phật phần nhiều là dùng lời ẩn ý sâu xa. Người học hay đọc sơ qua kinh điển mà đem giảng dạy cho người khác, giống như người mù mà đi dạy chữ cho người khác vậy.

Trưởng ban nói tiếp:

– Tôi xin nói luôn cho thầy hiểu danh hiệu A Di Đà Phật như sau:

A Di  Đà Phật, có ba nghĩa:

Một: Vô lượng thọ (sống hoài không chết).

Hai: Vô lượng quang (sáng hoài và trùm khắp, không chỗ nào tối).

Ba: Vô lượng công đức (giúp người khác giải thoát không kể hết được).

Còn danh hiệu Phật, là chỉ cho cái trùm khắp, trong đó có cái hay Thấy, Nghe, Pháp, Biết, Hành, thật rõ ràng và tường tận về Thành – Trụ – Hoại – Diệt, trong Càn khôn Vũ trụ này, nói gọn theo Nhà Phật, gọi là giác ngộ.

Đúng người giác ngộ:

Trước tiên, người phải nhận ra Tánh Phật thanh tịnh của chính mình, và luôn sống với Phật tánh ấy. Vì nhờ sống với Tánh Phật của chính mình,  nên mình mới hiểu rõ:

– Vận hành của vạn vật.

– Tâm mình là cái gì.

– Tu sao còn bị luân hồi.

– Tu sao được giải thoát.

Còn niệm là nhớ:

– Nếu nói nhớ Đức Phật ở hướng Tây là Phật A Di Đà, chúng ta hiểu sai về lời dạy của Đức Phật Thích Ca mâu Ni rồi.

– Tôi xin kể một câu chuyện tuy hơi lệch ý này nhưng rất cần cho sự hiểu của thầy:

– Ngày xưa, hồi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có vị Tiên giảng đạo rất hay; hay đến nổi trời Đế Thích còn phải xuống để nghe vị Tiên ấy giảng. Khi trời Đế Thích nghe giảng xong, trời Đế Thích đột nhiên khóc!

Vị tiên ấy hỏi:

– Sao Ngài lại khóc?

Trời Đế Thích trả lời:

– Ngài giảng  đạo lý ở cảnh Tiên rất hay, nhưng tôi thấy tuổi thọ của Ngài chỉ còn vài ngày nữa là đã mãn rồi, sau này Ngài không còn ở cảnh Tiên nữa, Ngài sẽ sanh xuống loài thấp hơn loài Người.

Vị Tiên nghe trời Đế Thích nói như vậy giật mình hỏi lại trời Đế Thích:

– Vậy làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi?

Trời Đế Thích trả lời:

– Ngài đến chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Ngài hỏi, Đức Phật sẽ trả lời cho Ngài.

Vị Tiên ấy, vận thần thông bay đến chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy đạo. Trên đường bay, vị Tiên thấy có đám rừng ngô đồng quá đẹp, Ngài xuống nhổ hai cây, mỗi tay cầm một cây để ra mắt và cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi đến trước mặt Đức Phật, Đức Phật bảo:

– Buông!

Vị Tiên buông một cây.

Đức Phật bảo:

– Buông!

Vị Tiên buông thêm cây thứ hai.

Đức Phật bảo:

– Buông!

Vị Tiên thưa với Đức Phật:

– Con đã buông hết hai tay rồi còn đâu mà buông nữa?

Đức Phật bảo:

– Ta bảo ông buông là buông vọng tưởng, nó là cái đeo bám ông rất sâu nặng, chính nó dẫn ông đi trong sinh tử luân hồi từ muôn đời ngàn kiếp, chứ ta đâu có bảo ông buông cây ngô đồng , ông cầm trong tay.

Vị Tiên ấy bất giác nhận ra cái “Biết Buông” của Ngài, cái biết buông ấy, nó không phải cái biết của tâm thức của Ngài. Khi vị Tiên ấy, nhận ra cái “biết buông” là vọng tưởng của mình, vì cái vọng tưởng này mà nó dẫn mình đi trong lục đạo luân hồi không ngày cùng!

Vị Tiên ấy thốt lên trình với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sau:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, nhờ lòng từ bi của Đức Thế Tôn bảo con “buông”, khi con buông 2 lần mà Thế Tôn bảo con buông nữa, và cũng nhờ Đức Thế Tôn giải thích chữ buông nên con được “Rơi vào tánh Thanh tịnh” của chính con, và con đã nhận ra rất rõ ràng, con vô cùng cám ơn Đức Thế Tôn.

Trưởng ban nói:

Lời của vị Tiên trình với Đức Phật, chỉ có người đạt được “Bí mật Thiền tông” mới hiểu được.

Thầy Lê Mậu Trung, nghe Trưởng ban nói chỗ Đức Phật dạy vị Tiên, thầy cũng lãnh hội như vị Tiên ấy, thầy hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.

Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông, quyển 1” – tác giả Nguyễn Nhân