Cô Trần Thùy Anh, sanh năm 1969, tai Sài Gòn, cư ngụ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, có hỏi Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu 3 câu:
Câu 1: Trong quyển số 7 của soạn giả Nguyễn Nhân viết có câu:
– Minh tâm Kiến tánh Như Lai…
Có phải tâm mình sáng thấy được tánh Phật không, xin Trưởng ban giải thích để chúng tôi hiểu.
Câu 2: Một vị Phật phân thân để độ 1 người về Bể tánh khi nào mới thành tựu được?
Câu 3: Khi chùa Thiền tông Tân Diệu phổ biến pháp môn Thiền tông học của Đức Phật dạy xong, các thế hệ sau phải làm gì, xin cám ơn?
Trưởng ban trả lời:
Câu 1: Câu này tôi xin giải thích từng chữ, tự nhiên cô hiểu:
1- Minh là sáng, cái sáng này là của điện từ Quang bao bọc tánh Phật của mỗi người.
2- Tâm là nói theo vật lý, đúng nghĩa là cái hằng Biết của tánh Phật của mỗi người.
3- Kiến là cái hằng Thấy của tánh Phật của mỗi người.
4- Tánh là nói cái vỏ bọc; cái vỏ bọc này, nó bọc cái Ý, trong mỗi cái Ý có 4 thứ: hằng Thấy, Nghe, Nói và Biết. Trong Phật giới có Hằng hà sa số cái Tánh như vậy.
5- Như là cái Như Như chân thật trong Phật giới.
6- Lai là cái không đến không đi.
Sáu chữ này, ý Đức Phật dạy:
– Khi nào các ông thấy bằng tánh Thấy sáng suốt thanh tịnh, thì các ông thấy được tánh Như Lai của các ông, nếu biết tạo ra công đức nữa, thì mới thoát ra ngoài vòng luân hồi được.
Câu 2: Một vị Phật phân thân để độ một người nào đó cho đến thành tựu thì không nói thời gian được. Vì sao vậy? Vì pháp môn Thiền tông có 3 thời kỳ:
Một là thời kỳ Thượng pháp, người nào có đại duyên mới nhanh thành tựu được.
Hai là thời kỳ Trung pháp, người nào có trung duyên mới mong thành tựu được.
Ba là thời kỳ Hạ pháp, vào thời kỳ này loài người văn minh lên cao, truyền thông và vận chuyển rất tiên tiến, nên vào thời kỳ này người tu theo pháp Thiền tông rất dễ dàng thành tựu.
Đức Phật có dạy phần này:
– Một người có lời cầu mong muốn giải thoát, tùy theo thời kỳ họ muốn, nếu họ muốn vào thời chưa có pháp môn Thiền tông phổ biến ra, thì một vị Phật nhận hướng dẫn người này vào Phật giới, thì vị Phật này luôn theo sát vị này, giúp đỡ người này không phạm vào đường ác đạo, đợi đến khi có một vị Phật ra đời, thì hướng dẫn người này tìm gặp pháp môn Thiền tông, thì vị này mới biết công thức giải thoát. Do đó, thời gian không thể nào nói đúng được.
Câu 3: Chùa Thiền tông Tân Diệu có nhiệm vụ phổ biến pháp môn Thiền tông học của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông. Khi nào phổ biến pháp môn Thiền tông này ra hết. Sau đó, ngôi chùa này chỉ là một di tích vậy thôi, còn Mạch nguồn Thiền tông sẽ chảy đi nơi khác, người nào có Tâm – Tài – Lực dồi dào, tự họ biết cách làm cho pháp môn Thiền tông học này loan truyền đi xa. Không phải có 1 người, mà có rất nhiều người dạng này. Vậy cô hãy nghe câu kệ: “Đất Rồng chảy khắp thế gian”.
Còn ở tại chùa Thiền tông Tân Diệu này sẽ có người nói tiếp gìn giữ ngôi chùa này, nhưng thời gian không dài, sau đó bị những người tu Cầu – Cúng – Lạy biến ngôi chùa này thành 2 phần:
– Một: Làm du lịch để lấy tiền.
– Hai: Tổ chức Cúng – Lạy để có tiền nhiều hơn.
Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu.