Cư sĩ nữ là cô Lệ Thùy Phương, 23 tuổi, con của ông quan phủ sở tại có đứng ra trình thưa hỏi Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, gia đình chúng con thường hay cúng dường cho các vị Tăng, chúng con phải cúng làm sao cho có công đức, kính xin Đức Thế Tôn dạy con?
Đức Phật dạy cô Lệ Thùy Phương:
– Gia đình cô hay bất cứ ai cúng dường đều có kết quả 2 chiều cả:
1- Cúng đường để được đi luân hồi.
2- Cúng dường để nuôi lớn “Pháp Thân Thanh Tịnh” của chính mình.
Như Lai giải thích rõ 2 phần cúng dường này cho cô rõ:
1- Cúng dường để được đi trong 6 nẻo luân hồi, là khi cô cúng dường mà vọng cầu điều gì đó, vọng cầu đi đâu thì nghiệp lành sẽ dẫn cô đến đó.
Vì sao vậy?
Vì khi tâm vật lý cô vọng cầu, nên tài vật của cô cúng dường tự động biến chuyển theo sự vọng cầu mà hình thành ra phước đức; vì là phước đức nên phải theo qui luật luân hồi là thành, trụ, hoại, diệt!
2- Cúng dường mà tâm vật lý cô không cầu điều gì, tức tâm vật lý cô thanh tịnh. Khi cô cúng dường mà tâm vật lý thanh tịnh, đồng nghĩa sự cúng dường ấy nó trùm khắp; vì là trùm khắp nên tự động biến thành công đức.
Có công đức để làm gì?
Có công đức là để sau này khi cô vào được “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, nó theo cô để nuôi lớn “Pháp Thân Thanh Tịnh” của cô.
Cô Lệ Thùy Phương thưa hỏi tiếp:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, làm sao con phân biệt công đức và phước đức?
Đức Phật dạy:
– Phần này Như Lai lấy vật chất nơi thế giới này để ví dụ thì cô mới hiểu được:
1- Công đức ví như là vàng ròng.
2- Phước đức giống như là tiền giấy.
Vàng ròng cô tạo ra nhiều như quả núi, nếu quả núi vàng ròng ấy có bị lửa đốt thì vàng ròng cũng tự nhiên, dù vàng ròng có chảy ra thì vàng ròng cũng không hao mất.
Còn tiền giấy cô tạo ra như quả núi, nếu bị lửa đốt, thì số tiền bằng giấy lớn như quả núi đó không thể còn được.
Do vậy, công đức mới làm cho Pháp Thân Thanh Tịnh tồn tại vĩnh viễn được. Cũng vì nguyên lý này mà Đức Phật A Di Đà có 3 thân:
1- Vô Lượng Thọ.
2- Vô Lượng Quang.
3- Vô Lượng Công Đức.
Đức Phật dạy rõ thêm:
Trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh là gì?
Trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh là nơi những vị Phật ở; nhưng vì trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh có quá nhiều vị Phật ở nên gọi là Chư Phật. Những vị Phật ở trong Bể tánh Thanh tịnh này gọi là “Phật Con”.
Sao gọi là Phật Con?
Vì những vị này có lớn có nhỏ khác nhau tùy theo công đức của mỗi vị tạo ra trong tam giới.
Đức Phật lại dạy thật rõ phần công đức:
– Công đức là thành quả của sự cúng dường của cô mà không vọng cầu; vì không vọng cầu đến nơi nào mà lại có, vì cái có đó, nó được điện từ Âm Dương bảo quản và lưu giữ đi theo suốt dòng đời của cô; nhờ sự bảo quản và lưu giữ này, khi cô được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, thì những công đức mà cô đã tạo ra, nó tự biến thành là “Pháp Thân Thanh Tịnh” của chính cô, còn lớn hay nhỏ là do sự tích lũy công đức của cô.
Cô Lệ Thùy Phương được nghe lời dạy của Đức Phật, cô đã rõ thông câu hỏi của mình nên hết sức vui mừng và lạy tạ Đức Phật rồi lui ra.
Trích quyển “Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn giải thoát” – tác giả Nguyễn Nhân.