GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHÙA TÂN DIỆU
THIỀN TÔNG VIỆT NAM
273, ẤP CHÁNH HỘI, XÃ TÂN MỸ, HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN
THÔNG BÁO
V/v Buổi lễ giải đáp Thiền tông đặc biệt ngày 09-4-2017
—ooo—
LỜI NGỎ,
Thưa quý độc giả và Phật tử gần xa,
Pháp môn Thiền tông ngày nay được phổ biến rộng rãi và được nhiều biết, đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, do nhu cầu người hỏi tăng cao nên Ban quản trị Tổ Đình chùa Thiền tông Tân Diệu sẽ tổ chức “Buổi lễ giải đáp Thiền tông đặc biệt” vào ngày 09-4-2017, tại chánh điện chùa. Địa chỉ: 273, ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam.
Buổi lễ nhằm chia sẻ giáo pháp Thiền tông của Đức Phật dạy cho nhiều người cùng biết hơn nữa. Những người thực sự mong muốn Giác ngộ và Giải thoát.
Xin giới thiệu sơ nét về pháp môn Thiền Tông:
Pháp môn Thiền tông là pháp môn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy 4 năm sau cùng trong suốt cuộc đời của Ngài. Sau đó, pháp môn này được truyền qua 36 vị Tổ sư Thiền tông. Qua các nước Ấn Độ – Trung Hoa – Việt Nam, như: Tổ Ma Ha Ca Diếp, A Nan, …, Huệ Khả, Bồ Đề Đạt Ma, …, Huệ Năng, …, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Hiện nay, nguồn Thiền tông hiện đang bùng phát mạnh tại “đất Rồng”, tức tỉnh Long An ngày nay.
Pháp môn Thiền tông này, ngày xưa Đức Phật cũng có dạy ẩn ý trong:
– Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
* Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật có dạy: “Khi nào Long Nữ nhận được tập Huyền Ký này, thì Long Nữ sẽ dạy công thức Giải thoát, để thành Phật. Nhưng phải đến thời kỳ Mạt Thượng pháp mới phổ biến ra” .
* Phẩm 15: Tùng Địa Dũng Xuất: tức một nước có 2 nơi nói pháp môn Thiền tông học này và rất mạnh.
– Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này: Đức Phật dạy mục đích là “KHAI THỊ CON NGƯỜI NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN”, tức chỉ rõ cái “Tri Kiến Phật” của mỗi người.
– Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật cũng đã hơn một lần nhắc đến câu: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”, tức Ngài khẳng định mỗi con người chúng ta rồi đây ai cũng sẽ thành Phật như Ngài.
– Trong kinh Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, Đức Phật có dạy:
1/- Ai cũng có cái Vô Lượng Thọ, tức cái sống hoài mà không chết. Đó là Tánh Phật của mỗi người.
2/- Ai cũng có cái Vô Lượng Quang, tức cái sáng hoài mà không tối. Đó là điện từ Quang bao bọc Tánh Phật của mỗi người.
– Trong Kinh Viên Giác: Đức Phật cũng có dạy: Ai cũng có Viên Giác Tánh, tức cái tánh hằng Biết của mỗi người, nó trong sáng tròn đầy.
– Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma, là vị Tổ Thiền tông đời thứ 28, Ngài có sứ mạng mang pháp môn Thiền tông sang phương Đông, để dạy cho người phương Đông biết công thức trở về Phật giới. Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị cho người Phương Đông 4 câu kệ:
“Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ Chân Tánh
Kiến Tánh thành Phật!”
Tạm dịch:
Không viết ra chữ
Truyền ngoài kinh điển
Chỉ thẳng Tánh Người
Thấy Tánh thành Phật!
– Đức Lục Tổ Huệ Năng, là vị Tổ Thiền tông đời thứ 33.
Khi ngộ đạo Ngài thốt lên và nói Tánh Phật thanh tịnh như sau:
“- Nào ngờ Tánh Phật mình nó là tự nhiên thanh tịnh.
– Nào ngờ Tánh Phật mình nó là tự nhiên không sanh không diệt.
– Nào ngờ Tánh Phật mình nó là tự nhiên trùm khắp.
– Nào ngờ Tánh Phật mình nó hay sanh muôn pháp”.
Còn đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, là vị Tổ thứ 36 dòng Thiền tông, cũng là Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, sau khi ngộ đạo, Ngài cũng có dạy:
“Trong nhà có “Báu” thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.
Nói tóm lại, Đức Phật và các vị Tổ sư Thiền tông ra đời nhằm chỉ rõ cho con người biết được cái chân thật, quý nhất trong mỗi con người của chúng ta. Đó là: PHẬT TÁNH.
Còn rất nhiều, rất nhiều dẫn chứng nữa trong các Kinh mà Đức Phật đã dạy. Tuy nhiên, qua các bộ Kinh, Ngài chỉ dạy trong ẩn ý mà không nói trắng ra. Chính vì vậy, mà mỗi người chúng ta, mỗi người hiểu một cách, nên sai sự thật mà Đức Phật và Chư Tổ muốn dạy.
Tại sao thời đó Đức Phật chỉ dạy trong ẩn ý mà không nói trắng ra để dễ hiểu, tránh cho người sau tưởng tượng mà nói ra?
– Xin thưa, Đức Phật cũng đã có lúc thử nói trắng ra, nhưng Môn đồ của Ngài và cả dân chúng thời đó, ai tu hành cũng ham chứng đắc và ham thần quyền cũng như thần linh, không chịu tìm hiểu những gì là chân thật nơi chính mình, cũng như vạn vật và Vũ trụ.
Điển hình như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khi Đức Phật vừa nói các đệ tử của mình hãy từ bỏ các cách tu hành trước kia, mà trở về tập sống với Tánh chân thật của mình. Tức khắc, các đệ tử, trong đó có đệ tử ưu tú của Đức Phật là Xá Lợi Phất, được coi là Trí Tuệ Bậc Nhất thời đó, liền cho Đức Phật bị các loại Ma Ba Tuần ám!
Như vậy, thử hỏi Đức Phật làm sao có thể nói trắng ra được. Hơn nữa, thời đó loài người văn minh chưa lên cao như bây giờ, nên những danh từ như điện từ Âm Dương, điện từ Quang, Trái đất và các hành tinh, Phật giới, Tam giới, Càn khôn vũ trụ v.v… làm sao con người thời đó có thể hiểu được như ngày nay.
Một ví dụ khác như, Đức Phật kể về một tiền kiếp của Ngài là Bồ Tát Thường Bất Khinh. Bồ Tát này gặp ai cũng thốt lên câu: “Tôi không dám khinh các Ngài, rồi đây các Ngài sẽ thành Phật”. Chỉ vì câu nói quá chân thật này, mà các vị tu hành thời đó, cho Bồ Tát Thường Bất Khinh là ông Thầy bị điên!
Nói đâu xa, chính Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đến gặp vua Lương Võ Đế ở nước Lương. Tổ chỉ nói ít danh từ về Thiền tông liền bị nhà vua cho Tổ là ông Thầy bị điên. Tổ cũng suýt mất mạng ở nước Lương này.
Ngày nay, pháp môn Thiền tông được phổ biến qua 10 quyển sách của soạn giả Nguyễn Nhân được viết và mô tả rất rõ ràng, tường tận những ẩn ý khi xưa mà Đức Phật chưa cho công bố như:
- Cấu tạo Tổng thể của một con người, cái gì là chân thật, cái gì là huyễn hóa.
- Cấu tạo của một vị Phật, chư Phật.
- Cấu tạo của mỗi hành tinh
- Cấu tạo của Tam giới
- Chỉ rõ Phật giới ở đâu?
- Cấu trúc Càn khôn vũ trụ
- Tu sao giải thoát?
- Tu chi bị luân hồi?
- Công thức giải thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi.
- V.v…
Vì sao ngày nay Đức Phật cho viết trắng ra?
– Vì hiện giờ, trình độ con người đã văn minh lên tột bậc. Những danh từ nêu trên trong Thiền tông được con người này nay hiểu rất dễ dàng nên dễ chấp nhận.
Nói như vậy, lấy gì để những người học đạo ngày nay kiểm chứng được những lời trong 10 quyển sách của soạn giả Nguyễn Nhân này là đúng lời Phật dạy?
Đức Phật có dạy:
– “Các con chớ có vội tin lời ta nói mà hãy suy xét cho thật kỹ. Nếu thấy đúng rồi hãy tin và làm theo. Nếu làm theo mà làm sai lời ta dạy thì chính là phỉ báng ta vậy!”
Chúng ta thấy đó, ngay cả Đức Phật mà cũng khuyên chúng ta không nên tin vội lời của Ngài nữa thì thử hỏi, trong một rừng Kinh sách ngày nay biết tin cái nào bây giờ?
Do đó, người học Phật ngày nay phải dùng đầu óc khoa học của mình để kiểm chứng xem coi có thuận lý không? Nếu thấy thuận lý thì tạm tin và làm theo. Sau khi làm theo rồi cũng phải kiểm chứng lại lần nữa coi có giống như những gì đã viết hay không?
Người như thế mới là đệ tử chân chính của Đức Phật vậy!
Nói tóm lại, buổi lễ chỉ nhằm chia sẻ về pháp môn Thiền tông của Đức Phật dạy đến mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội có cùng chí hướng tu tập Giác ngộ, Giải thoát và mong muốn hiểu đúng lời dạy chân thật của Đức Phật. Nếu quý vị nào biết cách tu tập Giác ngộ và Giải thoát nào hay hơn, nhanh hơn và tiện hơn nữa, chúng tôi rất hoan hỷ xin được học hỏi thêm từ quý vị vậy.
Kính mời mọi người đến tham dự. Trân trọng.
BAN QUẢN TRỊ CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU.