Ngài A Na Luật xin hỏi Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, Như Lai dạy chúng con tu thiền Thanh tịnh, là tu để được trở về nguồn cội của chính mình. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Thế Tôn có dạy: Khi thọ dụng bữa cơm phải biết hồi hướng công đức và phước đức của chính mình về ngôi vị Phật của chính mình. Phần tu sĩ như chúng con hiểu và đã thực hiện được, còn phần các vị Ưu bà tắc hay Ưu bà di, cũng như những vị tu sĩ và cư sĩ vào các đời sau, nếu có vị nào tu pháp môn Thanh tịnh thiền, họ phải hồi hướng như thế nào để được trở về ngôi vị Phật của chính họ. Kính xin Đức Thế Tôn dạy bảo cho chúng con:
Đức Phật dạy ông A Na Luật:
– Này ông A Na Luật, câu hỏi của ông rất phải, đối với người không tu pháp môn Thanh tịnh thiền, nghe rất bình thường, còn những người tu pháp môn Thanh tịnh thiền này, phải hiểu biết tận tường thì mới chỉnh đúng đường về Phật quả của chính mình được.
Ông hãy lắng nghe, còn riêng ông A Nan Đà phải nhớ rõ, để sau này khi các đệ tử lớn của Như Lai kiết tập kinh điển, ông nói lại lời dạy của Như Lai về phần kỉnh nguyện này, để truyền lại cho hậu thế:
Sau đây là lời kỉnh nguyện của người tu sĩ hay cư sĩ tu Thanh tịnh thiền, trước khi dùng cơm phải kỉnh nguyện như sau:
– Nam mô Mười phương Chư Phật.
– Kính trình các Ngài:
– Đây là thức ăn Thanh tịnh của con.
– Trước khi con hưởng dụng.
– Kính xin cúng dường Mười Phương Chư Phật.
– Kính xin các Ngài hưởng dụng và chứng minh cho con:
– Trước hết, xin hồi hướng công đức, phước đức của con từ vô lượng kiếp đến nay về quả vị Phật của con.
– Sau, xin sám hối những lỗi lầm mà từ ngàn xưa đến nay con đã gây ra ở tam giới này.
– Cám ơn cốc loại thu hút khí trời khắp trong Dục giới này, có hình thể hiện nay để nuôi con.
– Cám ơn những người: Thương mại, gieo trồng và nấu nướng cho con hưởng dụng. Con xin hồi hướng công đức phước đức cho những vị ấy.
Kính xin Mười Phương Chư Phật chứng minh cho con.
Mô Phật!
Đức Phật dạy kỹ thêm:
Khi đọc thầm lời kỉnh nguyện nói trên, các ông phải niệm bằng thâm tâm thanh tịnh, rỗng lặng, hằng sáng suốt, không được phát ra tiếng bên ngoài. Nhờ thâm tâm thanh tịnh, sáng suốt của các ông và thanh tịnh trong sáng của Mười Phương Chư Phật; hai thứ thanh tịnh trong sáng và sáng suốt này hòa cùng nhau, tạo thành thanh tịnh diệu kỳ, nhờ đó mà đường về ngôi vị Phật của người tu Thanh tịnh thiền sẽ được thiết lập. Cũng kể từ ngày giờ đầu tiên này, người tu pháp môn Thanh tịnh thiền này được sự bảo hộ của Mười Phương Chư Phật và Chư Thiên. Cũng từ lần kỉnh nguyện đầu tiên này, mà Ma Vương không làm gì được người tu Thanh tịnh thiền. Cũng từ lời kỉnh nguyện đầu tiên này, người tu ấy bắt đầu có cuộc sống mới và được mang danh là một phật tử chân chánh, cũng có nghĩa là hạt giống Phật bắt đầu nẩy nở, cho đến khi nào về đến quê hương Phật của mình mới thôi, tức được thành Phật. Thành Phật này có 2 dạng:
Một: Khi người tu Thanh tịnh thiền mà có lời nguyện là độ chúng sanh vô lượng, thì vị tu đó sẽ thành Phật ở cõi nào đó để giáo hóa chúng sanh ở cõi đó.
Hai: Còn người tu Thanh tịnh thiền không có lời nguyện, chỉ mong được giải thoát, thì vị này sẽ được trở về Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, khi vào đây rồi vị đó sẽ trở thành là Phật con.
Đức Phật lưu ý phần này:
– Khi được thành Phật, thì công đức của vị đó phải tạo ra vô lượng, thì Pháp thân thanh tịnh Phật của chính mình mới vô biên được.
– Còn Pháp thân của Phật con, lớn hay nhỏ là tùy theo công đức của vị đó tạo ra.
Tất cả những vị có mặt ai ai cũng vui mừng và lạy tạ Đức Phật và cám ơn.
( Trích quyển Khai thị Thiền Tông – Nguyễn Nhân)