Thưa quí độc giả,
Vừa qua, Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu có nhận được lá thư chúc Tết của Phật tử Lê Trọng Tấn, sinh năm 1982, gửi đến Ban quản trị, mong muốn được chia sẻ cùng quí độc giả gần xa, chúng tôi xin trích nguyên văn lá thư như sau:
Thưa thầy, cùng toàn thể ban quản trị chùa!
Sắp đón một cái Tết rồi con lại nhớ những năm trước con hay đi chùa và cầu xin, lạy lục để mong được Phật và các vị Bồ tát ban phước, rồi xin săm đoán vận hạn tài lộc, cầu an, cầu lộc…như bao nhiêu người khác. Nhưng năm nay thì có khác thầy ạ, mấy thứ đó bây giờ là quá khứ rồi, con đã bỏ hẳn và không bao giờ làm như vậy nữa. Thầy biết vì sao không ạ ?
Vì chánh pháp của Như lai đấy thầy ạ! Con phải cám ơn các thầy đã phổ môn Thiền học này lắm lắm. Nhờ các thầy mà con và nhiều người khác ở thế giới này được hiểu đạo Phật theo đúng nghĩa thật mà không con bị mê lầm, không bị vướng vào mê tín dị đoan nữa.
Thật lòng con thấy con thấy mình có phước đức quá lớn, nếu đem đổi hiểu biết này lấy đầy khắp ngọc ngà châu báu trong vũ trụ này và nhiều an vui khác nữa, con cũng không đổi. Nhờ ánh sáng Thiền tông học mà con dần trở lại là chính con hơn so với từ khi con bị hút xuống Tam giới này. Cảm ngộ thiền của con cứ dần dần và con đang đi đúng theo con đường giác ngộ và giải thoát mà Như lai đã để lại.
Thầy ơi, giờ con mới biết thế nào là “Bất lập văn tự”, lúc đầu khi mới hiểu biết chút ít về Thiền tông học con cũng như nhiều người khác rất hay thích khoe ra chỗ hiểu biết của mình. Nhưng càng về sau con lại càng không biết nói gì, mà cái biết của con cứ biết vậy mà thôi. Thật là khó để dùng ngôn ngữ để diễn tả thì sao mà nói được. Vả lại tu Thiền tông mà để lộ dấu vết thì không phải rồi, đó là tu để được cái gì đó chứ không phải để được giác ngộ và giải thoát rồi. Vậy nên con chỉ trình thiền ra với các vị tu thiền để học hỏi hoặc giúp đỡ họ thôi, con làm như vậy có đúng không thầy?
Thầy ơi, thật ra theo con hiểu: Tu là danh từ để nói, dùng cho người mới bắt đầu mới tìm hiểu về Thiền tông thôi. Nhưng khi hiểu đến chỗ sâu mầu của Thiền tông thì Thiền tông quả thật không cần tu cái gì cả, thầy ạ! Nếu nói “tu Thiền tông” là sai. Con xin giải thích:
Vì Phật Tánh vốn sẵn đầy đủ, tự nó thanh tịnh, tự nó rỗng lặng và tự nó hằng tri. Nên khi chúng ta tu, tức dụng công để cho “lòi” ra Phật Tánh thì không đúng rồi. Bởi vậy, khi xưa Đức Phật có dạy: “Các ông chớ có nấu cát mà muốn thành cơm“ là ý muốn nói đến chỗ này.
Thiền tông hóa ra rất đơn giản, chỉ cần nhận ra Tánh phật và hằng sống với tánh ấy của chính mình. Hiểu rõ được Tánh người của mình. Tuy nhiên, sử dụng Tánh người của mình phải có sự “gạn lọc”. Tức, sử dụng 16 thứ Tánh người của mình càng ít càng tốt. Kế đến, biết tạo công đức nhưng trong âm thầm, vậy là đủ. Ngay chỗ này, Đức Phật có dạy: “Thiền tông là không lưu lại dấu vết“, là ý Ngài muốn dạy chúng ta ở chỗ này.
Làm được như vậy không sớm thì muộn cũng được rơi vào bể Tánh thanh tịnh Phật tánh của chính mình. Không trông mong được rơi, không tưởng tượng Niết Bàn thanh tịnh là gì cả, cũng không mặc định số công đức của mình là ít hay nhiều, không cần tính bao nhiêu là đủ. Khi có duyên thì tạo công đức và đừng nghĩ ngợi gì, không cầu mong chi cả, có phải như vậy không thầy? Ngay chỗ này đây, con nhớ câu Đức Phật đã dạy: “Tùy hỉ công đức” đó Thầy ạ!
Đầu xuân năm mới con lại nhớ lại chuyện xưa. Ôi! giá như những người theo đạo Phật đừng có tham lam, đừng có tưởng tượng, đừng chấp hiểu biết của mình là cao tột và các thầy tu theo đạo Phật đừng có bày biện ra đủ thứ lễ nghi. Hoặc các thầy giảng nói các kinh nhà Phật đừng có lý luận, khai mở theo ý mình đủ thứ, v.v… thì dù Đức Phật có không dạy Thiền tông thì ai ai cũng nhận ra Phật tánh của chính mình, ai ai cũng giác ngộ và giải thoát cả.
Những bộ kinh của Phật theo con nghĩ nó giống như Ngài dùng đó làm phương tiện mà cho các con của Ngài được ăn no, mặc ấm hay cho đủ lương thực, nước uống … những thứ cần thiết để các con của Ngài làm theo Ngài mà đi về quê hương của chính mình mà không ai chịu nghe. Khi đã được ăn no, mặc ấm rồi họ lại thích bày biện ra đủ thứ mà say sưa làm theo tưởng tượng của mình mà làm sai lệch đi chủ trương của đạo Phật. Những lời con vừa nói có đúng không thầy, xin thầy chỉ dạy con thêm.
Kính chúc thầy và tất cả các cô bác, anh chị Phật tử Thiền tông đón xuân nhiều ý nghĩa!
Phật tử Thiền tông – Lê Trọng Tấn.