Tin nổi bật

Thập Mục Ngưu Đồ – Mười Mục Chăn Trâu

Ông Lai Văn Quyền, sanh năm 1943, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Cư ngụ tại đường Phan Văn Trị, quận 5, TP. HCM, hỏi:

– Hiện giờ, tôi ngồi thiền mỗi ngày trung bình là bốn giờ. Tôi ngồi thiền dùng phương pháp dẹp vọng tưởng, thầy của tôi dạy giống như người chăn trâu, thấy trâu ăn lúa mạ của người, nắm dây cột mũi trâu kéo nó lại, không biết tu phương pháp ấy có hợp với tu theo Thiền tông không?

Trưởng ban hỏi lại thầy Quyền:

– Thầy tu như vậy được mấy năm rồi?

– Dạ, trên mười năm.

– Thầy thấy có kết quả gì không?

– Dạ, không thấy kết quả gì.

– Thầy muốn tu theo đạo Phật với mục đích gì?

– Dạ, tôi muốn giác ngộ và giải thoát.

Trên đây là lời hỏi, đáp của vị Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu và thầy Quyền.

Trưởng ban nói tiếp:

– Thầy tu như vậy gọi là tu thiền từ Tiểu thừa, chứ không phải là tu theo Thiền tông. Nếu thầy tu như vậy, khéo lắm là tâm không còn vọng tưởng khi ngồi thiền, nhưng khi xả thiền ra là vọng tưởng đâu cũng vào đó. Không thể giác ngộ và giải thoát được.

Vì sao không giải thoát được?

Vì thầy tu mà còn ham muốn được giác ngộ và giải thoát. Đức Phật có chỉ rõ ràng, Phật tánh ở mỗi con người chúng ta nó tự hằng hữu, không ai làm ra, nếu cố mà làm ra được là cái hư dối. Đã là hư dối thì làm sao có kết quả thật được?

Ông Lai Văn Quyền hỏi tiếp:

– Vậy tôi muốn tu để được giác ngộ và giải thoát phải tu làm sao, xin thầy chỉ dẫn thành thật biết ơn?

Trưởng ban trả lời:

– Tu theo đạo Phật muốn được giác ngộ và giải thoát, duy nhất chỉ có một con đường là tu theo Thiền tông, nhưng phải hiểu rõ đường lối tu, nếu không sẽ bị đi sai vào con đường thiền gì đó chứ không phải con đường Thiền tông. Ông vì quá nhiệt tình, nếu chúng tôi không chỉ, ông bảo tôi hẹp hòi, còn nếu chúng tôi nói có phương cách để chỉ ông là chúng tôi lừa dối và gạt ông.

Ông lại hỏi Trưởng ban:

– Nếu không có cách tu tại sao nhiều người ngộ đạo?

Vì chỗ ham học, ham tu của ông. Ông lấy câu ghi tại chùa Xá Lợi quận Ba thành phố Hồ Chí Minh để ông nghiền ngẫm:

– Tu mà không học là tu mù.

– Còn học mà không tu là cái đãy đựng sách.

Chẳng ích lợi gì.

Vì vậy, tôi lấy vài câu chuyện sau đây để ông tự tìm hiểu. Khi ông tìm hiểu nhuần nhuyễn mà không nhận ra, tôi sẽ gợi cho ông vài ý, ông sẽ được toại nguyện:

Sau đây là bốn câu kệ tuyệt đỉnh của Thiền tông mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đến Trung Hoa tuyên bố để dẹp bỏ tất cả các lối tu, từ Tiểu thừa đến Đại thừa, hay niệm Phật, niệm Chú:

– Bất lập văn tự

– Giáo ngoại biệt truyền

– Trực chỉ chân Tánh

– Kiến Tánh thành Phật.

Chúng tôi tạm dịch:

– Không viết ra chữ.

– Truyền ngoài kinh điển.

– Chỉ thẳng Tánh chân thật.

– Thấy và biết được Tánh chân thật của chính mình, thì mới thành Phật được.

Bốn câu trên Tổ dạy tu theo Thiền tông:   

– Bất lập văn tự.

Là sao vậy?

– Vì người tu theo Thiền tông khi nhận ra được Tánh chân thật của chính mình thì tự mình biết, chứ không thể diễn tả bằng văn tự được. Để chứng minh phần này, khi Đức Phật bủa “Siêu Đại Thần Lực Thanh tịnh Thiền”, Ngài Xá Lợi Phất được “Rơi vào Thanh tịnh”, tự Ngài biết, Ngài có trình với Đức Phật và được Đức Phật xác nhận là đúng, chứ những vị đứng nghe họ chỉ nghe vậy thôi, họ đâu cảm nhận được gì.

Câu chuyện này có ghi đầy đủ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Các vị Tổ Thiền tông, tất cả đều nhận được điều này, nên các Ngài mới nhận Tổ vị.

Còn hiện tại, vị nào đạt được “Bí mật Thiền tông” đều nhận ra được chỗ này cả.

Vị nào nhận ra chỗ này tự mình biết,  chớ không thể nào viết ra văn tự được, nên Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói “Bất lập văn tự” là vậy.

Truyền ngoài giáo lý:

– Vì pháp môn Thiền tông không viết ra thành văn nên không truyền theo kinh điển được.

Chỉ thẳng tánh chân thật của Người.

Vị nào biết được Phật tánh thì mới dạy cho người khác biết được, còn tưởng tượng ra, muôn đời ngàn kiếp cũng không khi nào đúng được.

Thấy Tánh thành Phật.

Thấy Tánh ở đây là thấy rõ ràng và tường tận, chứ không phải là nhận định như nhiều vị đã giảng, chữ nhận định ở đây không có ý nghĩa gì cả. Phần này, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Ngài Xá Lợi Phất đã thấy được và có trình với Đức Phật, được Đức Phật xác nhận là đúng.

Trong tất cả các bài kệ của những vị Tổ Thiền tông, vị nào cũng thấy và biết được chỗ này, nên mới được truyền Tổ vị.

Còn hiện tại, những vị đạt được “Bí mật Thiền tông”, các vị ấy cũng thấy được chỗ này rất rõ.

Chúng tôi xin nói rõ chỗ Thấy này mà thiền sư Đức Sơn đã nói với các đệ tử của Ngài như sau:

– Ngài Đức Sơn là một vị thầy giảng kinh Kim Cang lừng danh ở nước Trung Hoa thời đó, Ngài nghe thiền sư  Sùng Tín dạy về pháp môn tu Thiền tông không cần dụng công tu, ai khi nhận được Tánh chân thật của chính mình, mà thực hiện đúng thì thành Phật rất nhanh.

Còn Ngài giảng kinh Kim Cang, trong kinh có đoạn dạy: “Tu hành vô số kiếp thì mới thành Phật được”.

Nghe thiền sư Sùng Tín dạy như vậy, Ngài bảo thiền sư Sùng Tín là ông Thầy dạy sai với những lời trong kinh, nên Ngài đến ruồng đuổi thiền sư Sùng Tín ra khỏi hệ thống Phật giáo.

Nhưng khi thiền sư Đức Sơn đối đáp với thiền sư Sùng Tín, Ngài không hiểu Phật là gì và Tánh là gì và Tâm Ngài cũng không rõ. Do đó, Ngài phải xin làm đệ tử thiền sư Sùng Tín, sau này khi ngộ được “Bí mật Thiền tông”, Ngài thấy những sự hiểu biết của mình ngày trước, chỉ  là sự hiểu biết trong luân hồi mà thôi.

Vì vậy, khi đệ tử Ngài hỏi:

– Thầy đi học đạo Thiền tông, được gì về đây xin dạy lại chúng con?

Thiền sư Đức Sơn trả lời:

– Khi xưa ta đi tay không, hôm nay ta về cũng tay không, lấy gì để dạy các con?

Các đệ tử Ngài thưa tiếp:

– Chúng con nghe nói Thầy đã ngộ đạo nơi sư ông Sùng Tín, sao Thầy nói là đi tay không, về cũng tay không?

Thiền sư Đức Sơn trả lời:

– Vì Thầy ta không dạy một chữ, không nói một lời, không dạy một pháp, lấy gì dạy lại các con?

Chính lời của Ngài Đức Sơn đã nói lên chỗ “Không lập văn tự” này. Vì không có một lời, nên Ngài thấy được chỗ “Truyền ngoài giáo lý” và Ngài thấy được Tánh chân thật của chính mình, nên Ngài được thiền sư Sùng Tín truyền “Bí mật Thiền tông”. Vì Ngài đạt được Bí mật Thiền tông, nên Ngài giúp cho không biết bao nhiêu người cũng đạt được “Bí mật Thiền tông” như Ngài.

Vì pháp môn Thiền tông này quá đặc biệt, vị nào muốn học pháp môn Thiền tông này, hãy tìm cho được một vị Thiện tri thức, đã được truyền Bí mật Thiền tông rồi, thì vị đó mới dạy cho mình pháp môn Thiền tông này mới đúng được. Còn người nào không biết được như vậy, giống như mình là người mù, mà đi nghe người mù khác nói thì làm sao đúng được.

Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông quyển 1” – tác giả Nguyễn Nhân.