Thưa quí độc giả và Phật tử!
Vừa qua, Ban quản trị Tổ đình chùa Thiền Tông Tân Diệu có nhận được lá thư của Phật tử Trần Thị T, sinh ngày 17-11-1980, cư ngụ tại xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Phật tử có gửi lời Sám hối và chia sẻ lại về sự ngạo mạn trong quá trình tu tập của mình. Ban quản trị xin trích chia sẻ nguyên văn. Quý độc giả và Phật tử nếu có đồng cảm xin vui lòng hoan hỷ. Ngược lại, cũng xin vui lòng bỏ qua:
“Kính thưa Thầy, cùng các Thiền gia, Phật tử Thiền Tông, cũng như các bạn đồng tu.
Con là một người mà trước đây không biết Đạo nào cả, nhưng trong thâm tâm con luôn Biết mình có cái bất tử mà không biết nó nằm ở nơi đâu, con có đi tìm học nhiều Đạo mà không tìm ra câu hỏi của mình. Sau con có khởi lên 1 niệm: “Sao trong Kinh có đoạn, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, cả đại chúng không hiểu gì, nhưng riêng chỉ có Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm miệng cười, con thắc mắc sao trong các Kinh hay là Pháp môn không thấy giảng giải rõ”. Con thắc mắc thì mấy ngày sau, con lên mạng con gặp pháp môn Thiền Tông, con đã hiểu lý do mà Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm miệng cười, là vì Ngài đã nhận ra tánh Thấy đầu tiên chân thật nơi chính mình. Con nghe, đọc, sau một thời gian cũng đã nhận ra cái bất tử ở nơi con, như ngay nơi trong nhà thấy cả trong nhà, ra ngoài thấy khắp bầu trời, núi non, sông hồ, thì ra cái Thấy là trùm khắp.
Cái Nghe, cái Biết cũng vậy, nó phủ trùm không bao giờ mất đi, không sanh không diệt.
Ví dụ như từ lúc bé, cái Thấy của con nhìn quê cũ, núi non, sông hồ, khi con lớn lên, cái Thấy không có thay đổi, nhưng đường làng cảnh cũ đã khác xưa. Chính vì vậy nên con mừng lắm, đi đâu cũng khoe con đã biết cái bất tử của con rồi, không có ai có thể thay đổi được cái ngộ của con.
Sau đó con còn nghĩ đi đến các Chùa, nói với các Sư là: “Cần gì phải tu và giữ giới”.
Các sư mới nói: “Các bậc đã hiểu và giải thoát, mới không tu, không chứng, còn chúng tôi là phàm phu thì vẫn phải tu hành, giữ trì giới luật của nhà Phật, vì chúng tôi chưa nhận ra ông Phật của chúng tôi”.
Sau đó con đi tất cả mấy chục ngôi Chùa, nói pháp môn đốn ngộ này, mà không ai hiểu gì cả, một mình con âm thầm nhìn, cũng như tiếc thay vì chỉ có Thanh Tịnh, Buông, Dừng, không tưởng, tức không tạo nghiệp thì hết luân hồi, nhưng sao không ai hiểu được.
Sau con còn nghĩ chắc mình đã giải thoát, ai nói gì cũng không động tâm, chắc con là Phật rồi. Lúc đầu là con nghĩ như vậy, nó mạnh mẽ vô cùng, tinh tấn đi phát sách, phát đĩa, đi gặp ai cũng nói, như thể quảng cáo pháp môn Thiền Tông. Con nghĩ như thế chắc đúng pháp, không ngờ con chỉ có một niệm buông lung, không soi chính tâm con, mà con gặp một nghiệp rất là trớ trêu, con nghĩ là không còn có thể đi tiếp được, vì con thấy rất xấu hổ.
Nguyên nhân là trước khi trả nghiệp, con đã nói con không bao giờ phải gặp như vậy, nó mạnh mẽ vô cùng, dũng mãnh không thể tả được.
Về sau, con mới biết, lúc mới ngộ, con chỉ đứng ở ngoài sân thiền, nên tánh người con nó Tưởng con đã là Phật, để con xa rời Thiện tri thức, cùng các bạn đồng tu, coi mọi người không ai bằng mình, nguy hiểm nhất là con còn nghĩ: “Thầy chỉ là người nắm Huyền Ký, chứ Thầy có biết gì đâu”.
Đó là cái ngạo mạn của con mà con không nhận ra trong bao năm qua, con không muốn ở dưới ai cả vì con đã hiểu hết các Kinh sách, không cần ai giảng giải, ngạo mạn cho mình là số 1, thậm chí con còn không muốn gặp ai, chỉ giữ thanh tịnh, nghĩ đó là cảnh giới của Niết Bàn, nhưng đấy mới chỉ là sự cô tịch dụng công, để giữ thanh tịnh trong một thời gian, chứ không phải là Thanh Tịnh tự nhiên.
Sau đó, con nhớ Thầy dặn con, chỉ có làm công đức mới có thể đè Tánh người xuống được nên con cũng còn chút nghe lời Thầy, để rồi về tinh tấn tạo công đức, dần dần con cũng mới vỡ ra, thì ra mình toàn bị tánh người tưởng tượng, bị nó lôi bao năm mà không biết, nên giờ con thấy, càng đi sâu con thấy rất bẩn và xấu xa, không như ban đầu vỗ ngực tự xưng mình là này, là nọ. Con có nhớ Đức Phật dạy rằng:
– Tu tập theo Thiền Tông, mà làm với Tâm trong sáng, cả 1 đời chỉ muốn giúp người khác Giác Ngộ, Giải Thoát, không lưu dấu vết, thì mọi việc sẽ thuận.
– Còn nếu vì Danh, vì Lợi, thì sẽ không được lâu, mọi việc gây ra phải tự chịu, vì Luật Nhân Quả rất công bằng.
Thì ra, sau bao năm, con luôn bị tánh người dẫn, thật là phí công vô ích, cho đến tận bây giờ từng sát na tánh người luôn bon chen trong con, kể cả khi tánh Phật muốn tạo công đức, tánh Người cũng bao biện, bảo thủ, bào chữa cho cái Ngã, để cho mình đã làm đúng, yên tâm làm tiếp, mà không ngờ càng đi thì càng sai, nó bao biện cho cái Danh vi tế, bào chữa cho nó là đúng, chỉ khi nào gặp Thiện Tri Thức chỉ bảo thì mới biết, nhưng sau một thời gian, cái Ngã lại tiếp tục tìm lý do bào chữa, nói xấu thiện tri thức để tách ra hoạt động riêng, để không còn bị ai nói nữa, nó bảo thủ cho nó là đúng, thật là ngã vi tế, rất khó phát hiện. Đây chỉ là tánh người lôi kéo, nó dẫn hợp tình hợp lý, để kéo con người đi theo Luân Hồi.
Còn trong quá trình con bước qua thì nghiệp sổ rất nhanh, vài hôm cũng có khi vài tháng, có nghiệp gì sẽ sổ hết, có nghiệp nặng, có nghiệp nhẹ. Nếu chấp nhận trả thì nhanh hết, mà nghĩ mình bị oan thì lâu hết, nhưng trả xong thì con đường rộng mở thênh thang như chưa có chuyện gì xảy ra. Bởi trong sách có dạy:
– Muốn sống với Tánh Phật, duy nhất chỉ có cách tạo Công Đức, bởi Công Đức là hành trang để trở về Phật Giới, cũng như là sức nặng để “đè” Tánh Người. Còn ngồi nói thao thao bất tuyệt 1.000 năm, biết Tánh Phật là như thế, nhưng không Dừng được, cũng bởi vì thiếu Công Đức.
* Ví dụ như: Nếu có Công Đức, khi nghe người khác chửi, có thể không động tâm, hoặc nếu giận thì chỉ 1 lúc.
* Còn ngược lại thì sẽ giận cả đời, hoặc không gặp lại nhau.
Thì ra con đã hiểu, đúng là Thiền Tông phải trả nghiệp sòng phẳng, không trốn nợ được.
Đây là con đường con đã đi qua, con viết bài này là muốn sám hối với Thầy, sám hối với các bạn đồng tu vì con đã rất ngạo mạn. Con mong Thầy và các bạn hoan hỷ cho con”.
Phật tử Trần Thị T.