Tin nổi bật

Bài kệ Ngộ Thiền đặc biệt của ông Trần Tất Dũng

Ông Trần Tất Dũng, sinh năm 1952 tại Hà Nội. Cư ngụ tại Q3, TP. HCM. Ông có gửi đến Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu lá thư, trong đó có 168 câu kệ nói lên sự Ngộ Thiền đặc biệt của ông qua những lời Đức Phật dạy. Nhân đây, chùa Thiền Tông Tân Diệu cũng xin chia sẻ đến quý độc giả gần xa:

Kệ rằng:

Lời xưa Đức Phật dạy rằng:
“Tam giới vô an, du như hoả trạch”
Ôi thôi! Đã ở chốn này
Làm sao yên ổn, đoạ đày tâm thân.

Liền tìm kiếm chỗ thoát thân
Chỉ còn phương cách tu Thiền mà thôi
May nhờ gặp sách Nguyễn Nhân
Viết theo lời giảng của thầy Huệ Phong.

Biết rằng: chùa tận Long An
Là chùa Tân Diệu ở miền quê xa
Tại chùa Tân Diệu chỉ ra
Pháp tu Thanh Tịnh xa lìa khổ đau.

Đến nơi tìm hiểu pháp tu
Hiểu cho tường tận sâu mầu thật thông
Hiểu cho cạn lẽ sâu nông
Hiểu cho tỏ rõ ta thời mới theo.

Như Lai dạy Sáu pháp tu:
Ta thời phải rõ cho thông pháp này.
Pháp tu quán – tưởng – cầu mong
Quán cho đốm lửa tràn ra khắp phòng.

Pháp tu lý luận tuyệt vời
Nói cho quần chúng ngợi khen trầm trồ.
Pháp tu Nghi – kiếm hay tìm
Để xem vật thể có công dụng gì.

Pháp tu niệm Phật Di Đà
Gọi là Tịnh Độ, về nơi nước Ngài.
Pháp tu theo Mật chú tông
Đọc câu thần chú để bùng huyền linh.

Thế Tôn dạy các pháp trên
Đều thành kết quả, đều thành thần thông
Chứng trong vật lý rõ rành
Cho nên cứ phải ôm vòng tử sanh.

Tu theo năm pháp môn trên
Có ngay kết quả để mà đi khoe
Bởi vì sử dụng tâm thân
Có ngay chứng đắc, trầm luân cõi này.

Tu mà sử dụng tâm thân
Tâm thân vật lý, luân hồi cuốn xoay
Dính vào vật chất trần gian
Trần gian vật lý tử sanh kéo mình.

Rồi Ngài dạy pháp Thiền Thanh
Là không sử dụng tâm thân làm gì.
Chẳng cần ngồi nín lặng thinh
Chẳng cần tréo cẳng đau lưng mệt mình.

Tu thiền Thanh Tịnh thế nào?
Quay về Phật Tánh của ta thôi mà
Là tu – không phải làm gì!
Chỉ là “dừng” lại mọi bề thế gian.

Chỉ cần sống đúng chân tâm
Chẳng cần ra sức dụng công làm gì
Sống cùng Phật tánh của mình
Chỉ “buông” tất cả là quay về nguồn.

Tu Thiền Thanh Tịnh rõ thông
Phật là gì, phải tỏ thông cho tường?
Phật là trùm khắp muôn phương
Như là biển lớn bao trùm xa xăm.

Tánh Phật, được chỉ rõ rành
Có là chủ, bao gồm thứ chi?
Hằng Nghe thanh tịnh thường khi,
Hằng Thấy cứ thấy, chớ đừng phân vân.

Hằng Pháp luôn dính với mình
Muốn phát ra tiếng, tiếng liền có ngay,
Hằng Biết thanh tịnh thế thôi
Hằng Biết thanh tịnh chỉ cần thế thôi.

Trong Tánh có Điện Từ Quang
Điện Từ Quang, để mà xoay chuyển vần
Chở đi cái vươn xa
Chở đi cái vượt xa thu gần.

Sáu thứ trong Tánh rõ ràng
Trong Tánh sáu thứ, như như miễn bàn.
Chân như, như vậy mà thôi
Chân như, sáu thứ rõ ràng chẳng sai.

Phật trùm rộng khắp đến đâu
Thì Tánh theo Phật khắp nơi bao trùm,
Cho nên ghép lại gọi chung
Gọi là Phật tánh, nhớ đừng chớ quên.

Tánh người gồm có những chi?
Có mười sáu thứ oan khiên cõi này:
Một là, thọ khổ – thọ vui.
Hai là, cái tưởng nghĩ suy mọi điều.

Ba là, hành khắp mọi nơi.
Bốn là, chữ thức dương danh với đời.
Năm là, tài để đua ganh.
Sáu là, sắc để đẹp tươi, tươi cười.

Bảy là, ta phải tranh giành
Để ta phải có danh vì núi sông.
Tám là, phải thực thật ngon.
Chín là, thuỳ ngủ ấm êm cho vừa.

Mười là, tham cứ cho tràn
Cho tràn đầy cả túi tham con người.
Mười một, nói đến cái sân
Tham mà không được nổi sân lên liền.

Mười hai, chiếm dụng nên si
Ta giành phải được, không thì phát si.
Mười ba, thể hiện cái ta
Cái ta ngã mạn ai so cho vừa.

Mười bốn, luôn giữ cái nghi.
Mười lăm, cái ác luôn ghi bên mình.
Cũng vì vọng thức nên sanh
Mười sáu, cho kiến của mình là hơn.

Tánh người thật gớm thật ghê
Kéo ta sáu nẻo u mê luân hồi,
Tánh người mười sáu oan khiên
Nó lôi nó kéo vào đường tử sanh.

Phải rành: giác ngộ là gì?
Là cần hiểu biết những gì diệt – sanh
Là cần hiểu rõ tận cùng
Âm dương vật lý, kéo ta luân hồi.

Giải thoát phải hiểu rõ ràng
Không dính không mắc, không va luân hồi,
Tâm ta vô trụ vậy thôi
Buông đi vật lý chỗ xưa Niết Bàn.

Tu theo Thanh Tịnh thiền này
Có ba cấp bậc, hiểu rành cho thông
Hiểu tu không sử dụng gì
Có trong vật lý nằm trong cõi này.

Tu mà không phải dụng công
Người này sẽ bước vào trong “sân thiền”,
Gọi là “Yếu chỉ Thiền tông”
Đó là căn bản Thiền tông đã rành.

Người nào giải được ngôn từ
Thế Tôn đã dạy các môn tu thiền
Là người đã có đại duyên
Nhận ngay nguồn thiền “Bí mật thiền tông”

Sống trong thanh tịnh cho yên
Tích nhiều công đức, rõ đường về quê,
Quê xưa chỉ một đường về
“Rơi vào bể tánh” là quê của mình.

Hỡi người tìm hiểu Thiền tông!
Phải thông phúc đức để dùng làm chi?
Phải thông công đức làm gì?
Thì tu mới đúng Thiền Tông, Phật truyền.

Người nhiều phúc đức cõi này
Lâm chung sẽ được điện từ Âm Dương
Cuốn vào cõi hợp với mình
Để mà hưởng phúc do mình tạo ra.

Phúc này thì được hưởng liền
Đi trong lục đạo, đi trong luân hồi.
Còn ai muốn vượt luân hồi
Phải nhiều công đức, quyết rời trầm luân.

Giữ sao tâm thật tịnh thanh
Luôn luôn rỗng lặng và thường hằng tri
Quyết tâm vượt Hải Triều Âm
Rơi vào Bể Tánh, quê xưa của mình.

Thiền Tông là nhất tự thiền
“Buông – dừng – thôi – dứt” hết liền tử sanh.
Quê xưa đã có đường về,
Bởi nhiều công đức vượt qua Hải Triều.

Ánh vàng của điện từ Quang
Đưa vào Phật giới, hình thành pháp thân,
Kim thân vị Phật ra đời
Gọi là “Đạo Nhân Vô Tu Vô Chứng”.

Thế là xong một đời tu
Lạy ơn Đức Phật đưa con trở về.
Cảm ơn chùa nhỏ Long An
Là chùa Tân Diệu tuy xa mà gần.

Cảm ơn Đức Thảo tổ sư
Bùng lên thiền tịnh tại nơi đất Rồng.
Cảm ơn thầy Chánh Huệ Phong
Đã khơi dòng chảy, chảy tràn năm châu.

Cảm ơn soạn giả Nguyễn Nhân
Sưu tầm, biên soạn chánh nguồn thiền tông,
Để cho được, biết bao người
Sáng con mắt đạo, quay về chốn xưa.

Con đây đã sáng mắt rồi
Cũng xin mong muốn người đời sáng theo.
Nguyện mong tất cả chúng sanh
Sống trong thanh tịnh về miền “Quê Xưa”./.

TP. HCM, ngày 03-01-2016 (nhằm ngày 24 tháng 11 năm Ất Mùi)

Trần Tất Dũng.