Thưa quý độc giả và Phật tử!
Hôm nay, ngày 15 tháng 2 năm 2018, Ban Quản Trị Tổ đình Chùa Thiền Tông Tân Diệu có nhận được lá thư của một Phật tử Thiền Tông gửi đến Ban Quản Trị Chùa, xin chia sẻ cùng quý độc giả:
“Kính gửi Bác Nhân cùng Ban Quản Trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu.
Con là: Phật tử Nguyễn Văn Trương, sinh năm 1979 cư ngụ tại Hà Nội. Năm mới Mậu Tuất 2018 đến, cho phép con xin gửi lời chúc tới bác Nguyễn Nhân cùng quý Ban Quản Trị, cùng với các huynh đệ tỉ muội đã, đang và sẽ tu theo đạo Giác Ngộ của Đức Phật, có 1 năm mới dồi dào sức khỏe, để chánh pháp được chảy đi khắp nơi, nhiều người được Giác Ngộ và Giải Thoát.
Trước tiên, con xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất tới bác, trong thâm tâm con không biết nên nói như thế nào để tỏ lòng biết ơn vì những điều con nhận được từ những quyển sách mà bác viết ra. Con xin trích ra từ những điều con đã hiểu được:
*Ví dụ như trước đây, con mơ tưởng làm thế nào để thành Phật, con đã dậy từ 2h đêm, quỳ lạy cả nghìn lạy để niệm Phật A Di Đà, 2 đầu gối con sưng lên, nghe người ta bảo, niệm Phật phải chuyên tâm niệm thì mới nhận được ông Phật của mình, nên đêm ngày con lo Niệm Phật, không nghĩ được gì để làm ăn, thậm chí con còn đóng cửa ở nhà niệm Phật để nhờ Đức Phật rước về nước Cực Lạc mà không được.
Tiếp theo, thấy không ứng nghiệm, con đi niệm Chú, sau 1 thời gian, con cũng thấy có kết quả, con có thể chữa bệnh được cho nhiều người. Để rồi tiếng tăm con được truyền đi, nhưng con nhớ trong kinh Kim Cang: “Tất cả còn ham muốn, thấy gì linh thiêng, là do Ngũ ấm ma”, nên con bỏ niệm Chú, cũng không chữa cả bệnh.
Về sau con theo mấy thầy nổi tiếng về dạy ngồi Thiền, vì trong Kinh có đoạn: “Đức Phật ngồi Thiền mới thành đạo”, nên con tìm học ngồi Thiền, Quán Sổ Tức, đếm hơi thở, 1 thời gian con cũng thấy tâm An Lạc, nhưng con lại thắc mắc: “Cái Biết tôi đang An Lạc, thì cái Biết, và cái Tôi đang An Lạc, vẫn còn 2 cái, tức còn đối đãi”, nhưng con vẫn tiếp tục ngồi Thiền để tự tìm hiểu nguyên nhân như thế nào, thì sau 1 thời gian, con tự viết được thơ, tự nói hay như nhà văn, con lại được nhiều người hỏi thăm, nhiều người biết đến, nhưng trong con, ai khen con thì con thích, ai chê con thì con ghét, con thấy trong Kinh Kim Cang nói: “Không Niết Bàn, không Địa Ngục, không chúng sinh, không Phật”, con vẫn thấy, con như vậy là con chưa Giải Thoát được, vẫn là lấy cái Tôi để tu, chứ chưa phải là cái Bất Tử sẵn có mà con đang đi Tìm, Kiếm.
Vì thế, nên con có khởi nên 1 niệm: “Ước gì có ông Phật sống, để con được chỉ bảo đi cho đúng, khỏi đi loanh quanh, để khỏi uổng 1 kiếp người”, thì 1 năm sau, con lên mạng, được gặp quyển sách: “Đức Phật dạy tu Thiền Tông”, của soạn giả Nguyễn Nhân, con đọc đến đoạn:
“Phật Tánh vốn sẵn tại nơi ta.
Ngoài ta tìm Phật ắt theo Tà.
Theo Tà bị đi trong Lục Đạo.
Đi trong Lục Đạo biết kiếp nào ra”.
Quyển sách giải thích rất rõ ràng: Phật Tánh luôn Thấy mọi thứ.
– Ví dụ: Ra đường thấy ô tô, xe máy, nhà cửa…, tất cả đều Thấy rõ ràng, không khởi lên yêu, thích…, là mình đang sống với cái Bất Tử của mình.
*Cái Nghe: Khi ở trong nhà, nghe dưới đường ô tô chạy vẫn nghe thấy, mà không khởi lên khó chịu vì tiếng ồn ào, thì mình cũng đang sống với cái Bất Tử.
*Cái Biết: Biết nóng, lạnh, Biết đang làm gì, Biết đủ mọi thứ…, nhưng không khởi lên yêu, ghét, thì là Bất Tử của chính mình.
*Cái Pháp: muốn nói, nói được. Trong Ý, khi nói trong thanh tịnh tự nhiên, muốn giúp người khác Giác Ngộ, Giải Thoát là của tánh Phật. Còn khởi lên là của tánh con Người. Như:
* Thiện: Khi gặp 1 người, mà mình đang quý, thì nói lời yêu thương…
* Ác: Khi gặp 1 người đang ghét, thì không muốn nói chuyện…
Đây là con chỉ hiểu sơ như thế thôi, nhưng con thấy rằng: “Không cần phải quỳ lạy, không cần phải ngồi Thiền, không cần phải niệm Chú, niệm Phật…, để cho “lòi” ra Phật Tánh, mà Phật Tánh đã vốn có sẵn tự nhiên nơi mỗi người, chỉ cần nhận về, để dừng những Vọng Tưởng, mà không cần dụng công, hay làm gì cả. Nhưng vẫn phải giúp cho nhiều người hiểu được như mình, để họ không bị trầm luân trong Luân Hồi.
Hằng ngày làm công việc gì chăm chú vào 1 công việc, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, và Tổ Quốc. Không đi chê bai, hơn thua với những người tu theo pháp môn khác, vì các pháp môn khác cũng nằm trong các pháp môn mà Đức Phật dạy.
Đến đây, ký ức về một thời ngạo mạn đáng quên của mình lại tràn về nơi con. Trước kia, tuy con chỉ vừa mới đọc được vài quyển sách Thiền tông bác viết nhưng kiến thức của con đã vượt hơn nhiều năm con đi tìm tòi. Phần lại có đầu óc lanh lợi, trí sáng, con đọc qua một lượt đã hiểu liền. Chính vì vậy mà sự kiêu căng, ngạo mạn của mình có dịp trỗi dậy. Con cho là mình có sự hiểu biết hơn người khác, xem thường người ta và thích tranh luận Phật pháp với họ. Đôi lúc con còn nằm mơ thấy mình sẽ là người nắm giữ mạch nguồn Thiền sau này. Rằng bác Nhân đích thân sẽ là người trao lại cho mình… Từ đó, con luôn ôm giấc mộng rằng sau này sẽ cạo đầu, khoác áo để đăng đàn giảng đạo, giống trong phim Lục Tổ Huệ Năng. Phía dưới là các hàng đệ tử ngồi nghe. Ôi! Nghĩ đến đó thôi con đã thấy thật sung sướng!
Giờ nghĩ lại, con thấy thật xấu hổ. Mới học lỏm, kiến thức hiểu biết được như chữ viết trên lá mít mà cũng tự cống cao ngã mạn, ham danh và thích được người khác khen ngợi.
Có một dạo con thường xuyên lên Facebook, ngày nào con cũng vào trang cá nhân của mình xem coi có ai “Thích” hay “Yêu Thích” những bài viết mình đã đăng hay không. Người nào “Thích” bài viết con nhiều thì con tự nhiên kết thân với người đó. Ngược lại, ai đâm thọt, châm chọc con trên Facebook là con “Hủy kết bạn”. Lâu ngày, con bị dính vào trong đó không hay. Bởi đó cũng là do Tánh Người thích Danh để nhiều người cung kính, tôn sùng.
Giờ con mới nhớ lại những lời bác căn dặn: “Người tu Thiền tông đúng nghĩa là người rất ít nói, không ham danh mê lợi, ít đến nơi ồn ào. Đặc biệt là họ không muốn lưu lại dấu vết, không lộ ra nhưng vẫn kết nối tất cả được hòa đồng, mà không ai biết họ là ai. Âm thầm mang giáo pháp chảy khắp muôn nơi, đấy là người nhận ra cái chân thật nơi mình”.
Người nhận ra lẽ chân thật, thấy hình tướng gì cũng là giả, thì mới vượt qua được, như trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “Gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma”, là muốn nói chỗ này.
Chính vì vậy, nên con vô cùng biết ơn tác giả là bác Nguyễn Nhân, cùng Ban quản trị và những người đã góp công cùng phổ biến những lời chân thật nơi thế giới này, để cho tất cả mọi người ai cũng biết được con đường Giác Ngộ và Giải Thoát.
Một lần nữa, con xin kính chúc mọi người một năm mới thật nhiều sức khỏe, thân tâm thường an lạc. Con xin được dừng bút tại đây. Mô Phật!”.
Kính bút:
Con Phật Tử Nguyễn Văn Trương.