Tin nổi bật

Chỉ cần một lòng cầu đạo Giải thoát!

Thưa quý độc giả và Phật tử,

Vừa qua, Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu có nhận được lá thư của Phật tử Đỗ Minh Phượng, cư ngụ Vĩnh Phúc, xin được chia sẻ cùng quý độc giả và Phật tử:

Nam mô Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô mười phương Chư Phật, Chư Đại Bồ Tác chứng minh cho con:

Kính gửi: BAN QUẢN TRỊ CHÙA THIỀN TÔNG TÂN DIỆU

Con tên là: Đỗ Minh Phượng, sinh năm 1981, quê quán: xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: phuongdm.vp@gmail.com; facebook chia sẻ Phật Pháp facebook.com/timhieuthientong

Con viết bài viết này xin kể về quá trình tìm hiểu học Phật Pháp của con, trước là để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, Các Tổ, Các Thầy, Các Vị đã luôn vì chánh pháp để dẫn dắt chúng sinh trên con đường đạo, sau cũng là để gieo duyên với bạn bè đạo hữu, những người hữu duyên.

Xin đa tạ và biết ơn với những ai dành thời gian và tâm ý cho bài viết này.

XIN KÍNH THƯA BAN QUẢN TRỊ, KÍNH THƯA QUÝ VỊ !

Con sinh ra tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi mảnh đất tâm linh khá nổi tiếng với Đền Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên. Từ nhỏ con sống ở vùng quê nông thôn nghèo khó, may mắn được bố mẹ đầu tư cho ăn học, con cũng thi đỗ Đại học và hiện đang đi làm như bao người lao động khác. Con cũng đã lập gia đình và có 3 người con.

Khoảng từ năm 2014, con bắt đầu biết đến Phật Pháp, mặc dù đã tìm hiểu Phật Pháp được khoảng trên 3 năm nhưng cho đến giờ con vẫn chưa quy y Tam Bảo. Hàng ngày con thường lên mạng tìm hiểu, buối tối đi ngủ thì hay nghe pháp trên Youtube, gần như ngày nào con cũng làm như vậy. Có người bảo con là người luôn đi “siêu thị tâm linh” – tức là tìm hiểu và đọc nhiều trên mạng mà không chịu nghe các Thầy mà họ đang theo. Do bản tính hay đọc và không chịu tin ngay vào những lời các Thầy đã giảng, phải y Pháp bất y nhân mà tìm hiểu, con vẫn luôn đi siêu thị để tìm cái chân thật chứ không dừng lại. 

Về các pháp môn tu, con xin viết những trải nghiệm bản thân con như sau:

Về niệm Mật Chú

Do quê con có chùa tu Mật Tông và ở cơ quan có những Vị tu Mật Tông nên con cũng tìm hiểu và thực hiện lõm bõm, con thường tìm đọc ý nghĩa và công dụng những câu Chú và hay nghe các bài Chú qua mạng để cho tâm được thư thái, cũng mong để tiêu trừ nghiệp chướng và kết duyên cho sự giác ngộ và giải thoát của mình. Thấy tu mật chú dụng công khá mất thời gian và điều kiện nhà ở còn chưa có bàn thờ phật thực hiện, công việc thì bận nên con cũng chỉ tìm hiểu thực hiện lõm bõm và dừng lại như vậy.

Về Niệm Phật

Con cũng tìm hiểu về pháp môn niệm phật, con tìm hiểu những nội dung về Pháp môn niệm Phật như: Niệm phật nhất hạnh tam muội, niệm Phật viên thông, về bài khai thị “Tự tánh Di Đà duy tâm tịnh độ” của Pháp Sư Tịnh Liên (trên trang thuvienhoasen.org); Con nghe được video trên Youtube “Trở về Tự Tánh – Con đường chấm dứt mọi khổ đau”- thư thầy trò số 59 thuộc tập thư Thầy Viên Minh của cư sỹ Diệu An (đầu tiên tu tịnh độ) quê ở Bình Phước đã chia sẻ về sự thấy biết của cô và sự trở về tự tánh thông qua tu tập sống tùy duyên thuận pháp-vô ngã vị tha, luôn quán xem tâm mình đang trong pháp giới nào… chính vì thế mà cô luôn dừng dính mắc để trở lại với pháp đang là. Cô kể một hôm có một chuyện đau khổ đến, cô phát hiện ra bản ngã thật đáng sợ, đang khi biết ấy cô lại trở về với pháp đang là thì trong một sát na tâm cô đã đã hòa nhập vào Cõi Phật – Nơi mười phương Chư Phật sinh sống…

Về Thiền dụng công:

Ban đầu con nghe được video “ Sự thật tâm linh” trên youtube thấy hướng dẫn thiền định để nâng cao sức khỏe, khai mở trí huệ, con thấy khá nay nên cũng thực tập thiền nhưng do không biết làm sao cho tâm vô niệm nên việc thiền chỉ mang tính nâng cao sức khỏe. Về sau con có duyên biết về Thiền Vipassana qua nghe của Thầy Viên Minh (Chùa Bửu Long, Đồng Nai) con thấy những nội dung giảng giải của Thầy Viên Minh rất khoa học và thực tế, con rất khâm phục trí tuệ của Thầy Viên Minh.

Con cũng được nghe Thầy Viên Minh giảng về bài kinh Bahay a, một vị đắc A La Hán chỉ sau lời chỉ dạy của Đức Phật “ Ông phải tu tập như sau: Trong cái thấy chỉ là thấy, trong nghe chỉ là nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là thức tri, không có ông ở trong đó, không có ông ở đời này, không có ông ở đời sau, không có ông ở đời chặng giữa” con hiểu rằng tu tập thì phải thực hành thấy biết như vậy? tức không thêm bớt phân biệt gì? Cái tâm chỉ như như thanh tịnh.

Quá trình con có đại duyên với Thiền Tông?

Trong thời gian nghe pháp của Thầy Viên Minh (về Thiền vipassana), con được nghe nhiều về các nội dung như : Tứ diệu đế, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, 10  kiết sử, không – vô tướng- vô tác – vô cầu…qua đó con thấy có những ý đáng ghi nhớ như:

Hành giả thực hành tu tập Tứ Diệu Đế thì cuối cùng vẫn đi đến 02 thắng đế là (1) nội tâm thanh tịnh và (2) thấy rõ các pháp; như vậy vẫn là tâm thanh tịnh chính là cốt lõi, là tối thượng để đến với đạo; nhờ nội tâm thanh tịnh này mà thấy các pháp như nó đang là, là trong cái thấy chỉ có cái thấy, là cái thấy không dính mắc tư ý của bản ngã cho là, phải là mà chỉ là thấy như nó đang là …cái ý này sau khi đọc Thiền Tông con thấy như là tập về Tánh thấy của Ý trong Tánh vậy.

Về tâm của hành giả khi tu tập Thiền Vipassana, thực hành Tứ Diệu Đế thì: Khi ứng ra phải thận trọng – chú tâm – quan sát (thận trọng = giới, chú tâm = định, quan sát = tuệ); khi bình thường thì trở về- trọn vẹn – tỉnh thức; cao hơn thì sáng suốt – định tĩnh – trong lành; cao hơn nữa là rỗng rang – lặng lẽ – trong sáng. Ứng xử hàng ngày thì hãy tùy duyên thuận pháp – vô ngã vị tha, sống trọn vẹn với thực tại với cái tâm bình, tâm an nhiên vô sự, không – vô tướng – vô tác – vô cầu, không dính mắc chấp ngã. Như Thầy Viên Minh đã lấy ví dụ: khúc gỗ trôi sông nếu không táp vào 2 bên bờ thì sẽ tự trôi ra biển lớn. Có chăng người học đạo cũng vậy? nếu đến với đạo bằng cái tâm thanh tịnh, không chấp trước, không phân biệt nhị nguyên, không tà kiến, dính mắc vào 2 bên bờ sinh tử … mà thường sinh trí bát nhã thì chắc chắn con đường đạo sẽ thênh thang thẳng tiến vào đất Như Lai, chắc chắn đạo sẽ thành.

Qua tất cả nghe, đọc, tìm hiểu con thấy quan trọng nhất của người tu là phải Tâm Thanh Tịnh, phải luôn để cho tâm mình là như như thanh tịnh nhưng con thấy khó thực hành làm sao ấy, rồi con vào trang google gõ các từ khóa liên quan đến tâm thanh tịnh, con đọc được các bài viết về “Như Lai thanh tịnh thiền”, rồi con biết đến trang thientong.com và khi vào đọc trang thientong.com con đã nhận ra đây chính là những gì con đang tìm kiếm.

Qua đọc 10 quyển sách của soạn giả Nguyễn Nhân con xin có mấy ý chia sẻ của con để gieo duyên như sau:

  1. Con có niềm tin sâu vững về Pháp môn Thiền Tông. Vì sao vậy?
  • Con luôn tin rằng: Hoài bão của Như Lai thì không thể nào bị biến mất một cách dễ dàng vậy. Có nhiều Phật tử cho rằng Thiền Tông đã mất gốc, đến đời Lục Tổ là mất, nếu còn thì phải có y bát được trao… vì chấp vào cái suy nghĩ mà họ cho là logic đó nên nói đến Thiền Tông mà Đức Phật và các Tổ truyền lại đang còn lưu hành là họ không tin, họ cho là bịa đặt, là không thật. Con thì lại nghĩ khác, con nghĩ rằng hoài bão của Đức Phật ra đời là để giúp cho chúng sinh khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, là để dạy cho loài người biết sự thật của nơi trái đất này, biết công thức giải thoát để trở về quê hương chân thật của mình … mà Thiền Tông là Pháp môn Đức Phật dạy vào những năm sau cùng, được gọi là Tối thượng thừa, là tôn quý nhất, là mục tiêu và hoài bão của Đức Phật dạy nơi thế giới này để cho con người giác ngộ và giải thoát thì không thể nào mất gốc dễ dàng như vậy. Qua đọc sách và Huyền Ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền Tông thì sẽ hiểu rõ điều này.
  • Những nội dung trong sách hết sức khoa học và thực thế như: Phật giới, Tam giới, điện từ âm dương, điện từ quang, quy luật luân hồi nơi trái đất, quy luật chi phối của điện từ âm, các vấn đề về lỗ đen vũ trụ, công đức là gì và có công dụng gì, phân biệt công đức và phước đức, muốn giải thoát thì phải làm sao….?
  • Có rất nhiều vị đọc sách soạn giả Nguyễn Nhân sưu tầm và biên soạn đã ngộ thiền và tự họ đã nói lên sự thấy biết giác ngộ chân thực mà họ đã thực chứng là minh chứng thực tế quan trọng và tuyệt vời…vì con thấy có nhiều Vị hiện nay luôn dạy Phật tử là làm sao giác ngộ và giải thoát được, họ cứ bảo Phật Tử là đến Đức Phật còn phải A tăng tỳ kiếp thì mới thành Phật thì mình đừng có viễn vông!
  1. Đôi lúc con thấy buồn lắm vì đa số người tu hiện nay quá chấp trước, chấp tướng, chấp vào Thầy to và chùa to mà không chịu tìm hiểu sự chân thật và hoài bão Đức Phật và các Tổ sư Thiền Tông muốn dạy cho loài người nơi thế giới này.

Qua đọc 10 quyển sách Thiền tông của soạn giả Nguyễn Nhân và cuốn Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Kim Cang, Kinh Duy Ma Cật con thấy việc học đạo do Tâm mình là quan trọng nhất. Đó chính dùng là cái Tâm thanh tịnh, tâm vô trụ, vô cầu, tâm bình đẳng chẳng phân hai… mà khai tri kiến cầu đạo, cầu pháp. Như lời Lục Tổ đã khai thị trong Pháp Bảo Đàn Kinh: Nếu khai tri kiến Phật là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh là thế gian (mời quý vị tìm đọc thêm Kinh Pháp Bảo Đàn để rõ thông).

Nhưng đa số người tu hiện nay họ quá chấp vào việc giữ giới ăn chay làm trọng, phát bồ đề tâm thì quá lớn (chúng sinh vô biên thề nguyện độ) nhưng đời sống hàng ngày thì luôn bề trên, bản ngã, phận biệt, hơn thua, lấy thành tích cúng dường, làm phước, lạy phật, trì giới, hiểu thuộc các kinh làm trọng để mong cầu cho sự giác ngộ và giải thoát. Họ không phân biệt được công đức và phước đức nên quá chấp tướng hướng ngoại tìm cầu. Họ đâu có biết chúng sinh mình cần độ nhất chính là lòng tà vạy, chấp trước, phân biệt hơn thua trong tâm mình…Có lẽ nếu họ không chấp vào Thầy tôi, chùa tôi mà dùng chút trí Bát Nhã để tìm hiểu các pháp môn và đâu là hoài bão mà Như Lai muốn dạy nơi thế giới này thì họ sẽ thấy ra sự thật.

  1. Con xin mạo muội chia sẻ một số quan điểm học Phật Pháp con đang thực hiện là:
  • Cứ tìm hiểu Phật Pháp bằng cái tâm không phân biệt, đừng chấp trước vào chút hiểu biết của mình mà sinh lòng khinh chê và không chịu tìm hiểu sự chân thật, cứ y pháp bất y nhân, nếu muốn cứ tìm hiểu tất cả với tâm không mong cầu, không sợ hãi.. vì nhiều vị được các Thầy dạy là nếu tự tìm hiểu thì coi trừng bị bỏ bùa, mê hoặc … vì thế mà cứ chấp vào Thầy này, Thầy kia cho là hơn hết, không dám tìm hiểu gì, đặc biệt nghe đến tu Thiền Tông lại càng sợ.
  • Con tin rằng ai đã tu tập tìm hiểu Phật Pháp mà không chấp trước vào hiểu biết của mình mà muốn tu để giác ngộ và giải thoát thì sau khi đọc 10 quyển sách về Thiền Tông của soạn giả Nhân thì sẽ có nhiều vị nhận ra lý sâu mầu. Tự tâm những vị ấy sẽ thay đổi, những vị ấy sẽ tự biết, niềm tin sẽ tự thay đổi mà không còn nghi ngờ hay chấp trước nữa, có nhiều người chưa đọc mà đã đem lòng không tin hoặc khinh chê thì thật quá đáng tiếc. Ôi, đó cũng là sự thật nơi tánh con người mà Đức Phật đã chỉ ra trong huyền ký của Đức Phật theo dòng Thiền Tông.
  • Nương theo những gì con đã đọc cho thấy: Đức Phật dạy loài người có 6 pháp môn tu, mà hoài bão của Như Lai chính là dạy cho loài người Pháp môn Thanh Tịnh Thiền (từ đời Tổ thứ 2 gọi là Thiền Tông) để giúp cho những muốn giác ngộ và giải thoát ra khỏi sức hút của vật lý âm dương, biết đường tu tập để trở về nguồn cội của mình. Ai đã tìm hiểu về cuộc đời tu hành của Đức Phật sẽ biết ban đầu Đức Phật tu khổ hạnh và tu các pháp môn sử dụng thân tâm vật lý để cầu đạo nhưng đều chưa giải đáp được 4 cái thắc mắc của Ngài, đến khi ngồi dưới Cội Bồ Đề, Ngài để để tâm mình buông thư, rỗng lặng, không quán tưởng, tìm kiếm hay cầu mong gì (chính là Tâm thanh tịnh, rỗng lặng và hằng tri (hằng biết)) …thì Ngài đã thấy biết tất cả những cái thắc mắc của Ngài, trở thành Bậc Toàn Giác… và đây chính là pháp môn Như Lai thanh tịnh thiền mà Đức Phật đã dạy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên Núi Linh Sơn vào những năm cuối đời của Ngài. Con thấy mình thật hạnh phúc, thật đại duyên khi nhận được mạch nguồn Thiền Tông mà Đức Phật đã dạy.

Trên đây là quá trình tìm hiểu Phật Pháp của con, những hiểu biết của con còn nông cạn lắm, con xin sám hối cùng Đức Thế Tôn và Mười Phương Chư Phật. Qua bài viết này, con cũng xin cám ơn Ban Quản trị chùa Thiền Tông Tân Diệu và những Quý Vị đã tạo duyên cho con gặp được mạch nguồn Thiền Tông. Con nguyện cho Pháp môn Thiền Tông sẽ bùng khắp thế gian, sẽ len lỏi được vào những tâm hồn người chân tu muốn giác ngộ và giải thoát để trở về nguồn cội – chính là Bể Tánh thanh tịnh Phật Tánh, nơi mà mười phương Chư Phật đang sinh sống.

Nam mô Giáo Chủ Ta Bà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Con xin dừng bài viết tại đây !

Vĩnh Phúc, ngày 8/9/2017.

Phật tử Thiền Tông

 Đỗ Minh Phượng