Thầy Thích Phổ Quang hỏi:
– Tôi sang nước ngoài học tu thiền được một năm, hiện giờ tôi ngồi thiền dùng vật màu đỏ để trước mặt, quán độ hai phút, cả phòng tôi ngồi đều đỏ rực, tôi rất vui thích.
Vậy xin hỏi :
Câu 1: Tu theo Thiền tông, khi hành thiền có được như vậy không?
Câu 2: Theo tôi được biết, thiền Nguyên thủy là thiền chánh thức do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy, còn các thiền khác không phải gốc Đức Phật dạy?
Vị trưởng ban trả lời:
Câu 1: Thầy là bậc tu hành theo chánh gốc của Đức Phật dạy ban đầu là không sai. Vì khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài chứng được: Tam Minh – Lục Thông – Tứ Vô Sở Úy, v.v… Phật thấy tột cùng của đạo thật đơn giản mà lại quá cao siêu, Phật không muốn nói cho mọi người nghe. Vì khi chưa thành đạo, Đức Phật nhìn thấy mọi sự, mọi vật ở thế giới này, cũng giống như bao nhiêu người khác; nhưng khi Ngài nhận ra được chân thật của vũ trụ này rồi, Ngài thấy tất cả mọi sự vật ở thế giới này khác hẳn với ý hiểu bình thường của mọi người, nên Đức Phật không muốn nói là vậy. Đợi nhiều người năn nỉ, Đức Phật mới dùng phương tiện để dạy những người thời đó.
Ban đầu, Đức Phật dạy về các thứ khổ của thế giới này, như trong kinh Tứ Diệu Đế đã chỉ rất rõ. Các pháp là do nhân duyên sanh, các pháp cũng như vạn vật đều vô thường và vô ngã. Pháp môn này Đức Phật dạy đầu tiên, nên được gọi là Nguyên thủy. Đó là nói về lý luận, còn nói về thực hành, pháp môn này, người tu sử dụng tâm vật lý của mình, để quán và tưởng vật để trước mặt mình, từ vật nhỏ ra lớn, hoặc trùm khắp phòng. Vì ở trong phạm vi nhỏ hẹp của phòng mấy thước vuông, nên gọi là Tiểu thừa. Các pháp này được lưu lại trong các kinh Trường A Hàm và Trường Bộ rất đầy đủ.
Căn bản pháp tu này, dùng tô nước để trước mặt mình, ngồi kiết già, dụng công để cho tâm vật lý mình tự nhiên được thanh tịnh. Khi tâm vật lý của mình, mà mình dụng công cho nó thật sự được thanh tịnh rồi, tức khắc nước trong tô ấy tự nhiên như dao động như muốn sôi lên, liền khởi niệm quán và tưởng cho tô nước ấy loan ra và trùm khắp phòng, pháp môn tu quán tưởng này, được thành công. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy rất rõ pháp môn này, và có nhiều vị thầy cũng đã thực hiện thành công. Đây là pháp môn tu của thầy có đúng như vậy không?
Chúng tôi xin nói rõ, thường thường người tu quán như vậy, khi được thành công, tự nhiên mừng vui hiển lộ ra ngoài, gọi là vui thô, đó là thầy chứng được Tu Đà Hoàn. Theo trong các kinh mà Đức Phật dạy, ai tu được như vậy, khi mất thân hiện tại, phải còn sanh lại nơi thế giới này bảy lần nữa, để tu từ từ lên hết bốn quả vị Thánh; quả vị Thánh sau cùng là A La Hán, tức vào được Niết bàn Tịch tĩnh, tức an vui trong cái tĩnh lặng.
Chúng tôi xin phân tích từng đoạn cách tu này cho thầy nghe, coi có giống lời dạy của những vị cao tăng ở nước ngoài không.
Đầu tiên, thầy phải chọn cho mình một nơi ngồi cho thật là vắng lặng, không tiếng động, kể cả tiếng động nhỏ nhất là tiếng côn trùng hay tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ. Ngồi kiết già, điều thân, điều hơi thở, điều tâm vật lý, kế tiếp dẹp vọng tưởng, đến khi tâm vật lý của thầy không còn một tạp niệm nào, chỉ còn một đóm đỏ của lửa để trước mặt, khi thầy dụng công cho tâm vật lý được an, đóm đỏ lửa đó tự nhiên như có nhịp bừng sống, giống như sự sôi sụt của nước sôi vậy. Liền khi đó, thầy liền tưởng tượng ra trùm khắp phòng, tức khắc đóm lửa đó phải “tuân lệnh” thầy ngay, đóm lửa nhỏ đó, nó từ từ loan ra, trùm khắp mênh mông trong phòng.
Muốn cho đóm lửa này kéo dài thời gian, thầy phải dùng tâm vật lý thanh tịnh của thầy, kiềm cho đóm lửa đó ở yên trong cái trùm khắp đó. Khi nào tâm vật lý của thầy không kiềm cho nó thanh tịnh nữa, tức khắc đóm lửa trùm khắp đó, trở về với đóm lửa ban đầu tự nhiên của nó liền.
Vì sao đóm lửa để trước mặt thầy lại tuân lệnh theo cái tưởng của thầy?
Tôi xin giải thích:
Đây là chỗ chánh yếu của pháp môn tu thiền quán và tưởng của pháp môn Tiểu thừa. Vì khi thầy quán và tưởng mà tâm vật lý của thầy ở trong trạng thái thanh tịnh do thầy dụng công mà được. Lúc này, điện từ đi theo cái tưởng của thầy đi khắp ở các nơi. Thầy không tưởng, nên điện từ nó phải trở về an trú trong tâm vậy lý của thầy. Do điện từ tập trung lại, không còn phân tán mênh mong nữa. Thầy dụng công cho cái vọng tưởng trở về thành một khối. Thầy tưởng, đóm lửa nhỏ để trước mặt, nhờ điện từ trong tâm vật lý đang tích đầy. Thầy đưa khối điện từ ấy vào trong đóm lửa để trước mặt. Tự nhiên đóm lửa để trước mặt, được tăng điện từ lên, nên ánh sáng của đóm lửa được gia tăng. Vì được gia tăng độ sáng, thầy liền tưởng cho đóm lửa ấy loan ra trùm khắp phòng, đóm lửa ấy sẽ tuân lệnh ý tưởng của thầy ngay!
Thầy muốn cho đóm lửa ấy trùm khắp phòng lâu, thì tâm vật lý của thầy phải kiềm ánh sáng trùm khắp ấy, ở yên nơi trùm khắp. Phần trùm khắp này lâu hay mau, là do sự dụng công của thầy. Khi thầy, không còn dụng công nữa, thì cái trùm khắp của đóm lửa ấy, sẽ trở về đóm lửa ban đầu liền.
Pháp môn tu này, nếu dùng màu xanh để quán, thì sẽ thấy màu xanh trùm khắp; còn nếu dùng tô nước để quán thì sẽ thấy nước mênh mông.
Khi vật do thầy tưởng tượng được trùm khắp mênh mông trong phòng rồi, có nghĩa là tu pháp môn này đã thành công nên thầy mừng vui lên, vui hiện ra ngoài mặt rõ ràng, kéo dài cho đến khi nào xả thiền, cảnh ấy mới hết, có phải như vậy không?
Còn một phương pháp nữa, khi thầy tu cứ chăm chú vào đóm lửa, vì dụng công chăm chú vào một chỗ, nên máu trong đầu thầy tập trung vào giữa 2 chân mày và đáy mắt và màn con mắt, nên cái nhìn thấy của thầy phải xuyên qua vùng máu bao phủ, nên thấy có màu đỏ trùm khắp như vậy.
Chúng tôi xin chứng minh thêm bằng khoa học hiện đại:
Hiện nay, ngành khoa học điện từ đã lên cao, như ai đã có lần đến nước Pháp, có đến tháp Effel, hay đến New York, cũng có đến tượng nữ thần Tự Do, nhìn thấy 2 nơi ấy rồi. Khi về Việt Nam, tưởng đến nơi mà mình đã đến, tức khắc cái tưởng của mình đến đó ngay.
Vì sao được nhanh như vậy?
Vì cái tưởng của chúng ta được điện từ trong không gian này, tức khắc chuyển đi.
Cũng để chứng minh theo chiều vật lý:
Như hiện nay, vị nào có thân nhân ở châu Âu hay châu Mỹ, khi người thân ở hai nơi trên gọi điện thoại về, bên kia vừa a lô, thì người ở Việt Nam nghe liền.
Vì sao nghe được nhanh như vậy?
Vì nhờ làn sóng điện từ chở tiếng của người nói đi, nên mới được nhanh. Quí vị có nhận ra chỗ này không?
Thầy Thích Phổ Quang nói:
– Dạ, đúng như vậy, thật không sai một điểm nào, không ngờ ở Việt Nam mà cũng có vị thầy đã thông suốt pháp môn thiền học, và nói chính xác không thua gì ở nước ngoài, thầy Phổ Quang khen.
Vị Trưởng ban hỏi lại:
– Ở nước ngoài, quí thầy bên đó có dạy thầy tu hết bốn quả vị Thánh của Nguyên thủy chưa?
Thầy Phổ Quang trả lời là chưa và nói thêm:
– Chúng tôi chỉ học được một pháp quán này một năm mới xong. Còn muốn học lên cao hơn, thì phải thêm một năm nữa. Cứ một lớp là một năm. Muốn học hết bốn quả vị Thánh phải học bốn năm.
Trưởng ban hỏi:
– Thầy biết tại sao các Ngài ở nước ngoài không chỉ không?
Thầy Phổ Quang trả lời:
– Dạ, không biết.
Trưởng ban nói:
– Nếu thầy muốn học thêm quả vị thứ hai, thầy phải qua một lớp “kiểm thiền” coi có đúng là đã đạt trình độ mà các Ngài đã dạy không, nếu đạt, các Ngài mới dạy thêm quả vị thứ hai là Tư Đà Hàm, thầy muốn biết cách tu để đạt được bốn quả vị Thánh không?
Thầy Phổ Quang trả lời:
– Dạ có, nếu được nghe, có gì bằng.
Trưởng ban nói:
– Chúng tôi xin tuần tự nói cho thầy nghe về ba pháp môn sau của tứ quả thanh văn là Tư Đà Hàm, A Na Hàm và sau cùng là A La Hán, để thầy nghiền ngẫm:
Như quả thứ nhất, chúng tôi đã nói rồi. Tuy nhiên, để thầy hiểu thật rõ, chúng tôi xin giải thích tỉ mỉ cho thầy nghe: Khi thầy quán tưởng đã theo ý muốn của thầy rồi, tự nhiên tâm vật lý của thầy vui ra mặt, có người không cầm được cái vui mà la lên: đã thành công rồi! Gọi là hỷ lạc, người tu đã bước vào vòng quả vị Thánh thứ nhất là chứng được Tu Đà Hoàn. Chúng tôi xin lưu ý ở quả vị thứ nhất này: Phần nhiều, người tu bị rối loạn thần kinh là ở chỗ này. Khi người tu được thành công rồi, mừng vui quá nên la lên. Lúc đó cái tâm thức vật lý của người tu đang ở trạng thái rất yên tĩnh, bất ngờ bị dao động mạnh, vì bị dao động mạnh, nên thần kinh bị rối loạn và tổn thương mà sanh bệnh!
* Quả thứ hai là Tư Đà Hàm.
( LY HỶ DIỆU LẠC)
Bước sang quả vị này, người tu, cũng dụng công cho tâm vật lý mình được thanh tịnh và phải giữ màu đỏ đó trùm khắp, chuyển cái hỷ lạc thô sang ly hỷ diệu lạc, tức bỏ cái vui thô chuyển qua cái vui vi tế, gọi là vui nhè nhẹ hay vui nhỏ nhiệm, cũng vui với màu đỏ ấy. Người tu được bước vào quả vị thứ hai này gọi là Tư Đà Hàm.
* Quả thứ ba là A Na Hàm.
(ĐỊNH SANH HỶ LẠC)
Bước sang quả vị thứ ba này, người tu cũng phải giữ màu đỏ trùm khắp , nhưng tâm vật lý phải tập trung lại, tách rời màu đỏ trùm khắp và cái định của người tu, hai cái này không dính nhau, được như vậy mới chứng được Định sanh hỷ lạc. Người tu thấy mình được cái định hết sức là an định nên sanh ra cái vui thô, như chứng được quả vị thứ nhất vậy. Cái vui thô thứ nhất là thấy mình thành công được cái tưởng tượng trùm khắp bằng màu đỏ, còn ở đây thấy mình được an định thật là an định của cái tâm vật lý. Người tu bước vào quả vị thứ ba là A Na Hàm. Đây là ngưỡng cửa để bước vào Niết bàn Tĩnh lặng của quả vị A La Hán.
* Quả sau cùng tu theo tứ quả thanh văn là quả vị A La Hán.
(NIẾT BÀN TỊCH TĨNH)
Bây giờ, người tu đã bước vào trạng thái an định thật là an định rồi. Người tu muốn mình được thành tựu quả an định đó, nên vào trú chỗ an định đó mà thụ hưởng, vì vào an trú nơi đó nên được quả vị Niết Bàn Tĩnh Lặng của A La Hán; cũng gọi là Niết Bàn Tịch Tĩnh. Vì ham muốn chứng được, nên Đức Phật bảo đó là Niết bàn của sự ham muốn, vì ham muốn nên được thành tựu của vật lý, giống như mình ham muốn xây cất cái nhà vậy, nên Niết bàn này phải chịu chung qui luật vật lý là Thành – Trụ – Hoại – Diệt, nên Đức Phật gọi là Niết bàn của Hóa Thành, cũng gọi là Niết bàn nửa chừng, chứ không phải Niết bàn của Bảo Sở, là Niết bàn cứu cánh.
Trưởng ban nói thêm:
– Nếu thầy không chấp cho pháp môn tu của thầy là cao nhất, chúng tôi xin chỉ cho thầy biết, thầy đã tu theo pháp môn này được thành tựu như vậy, thầy muốn chuyển qua tu theo Thiền tông để nhận ra Pháp thân Thanh tịnh của chính mình, tức Pháp thân ở trong Phật tánh rất dễ dàng. Nếu ở chỗ này không ai tận tình chỉ, dù thầy có ngồi dụng công tu thêm bao lâu đi chăng nữa cũng không khi nào nhận ra được, thầy đồng ý chúng tôi sẽ chỉ cho.
Thầy Phổ Quang trả lời:
– Chúng tôi nghe Trưởng ban giải thích thật tình chúng tôi không chê vào đâu cả. Không ngờ, ở đây có vị hiểu thiền quá đầy đủ. Vậy xin Trưởng ban, vì lòng ham học hỏi của chúng tôi; xin giải thích cho chúng tôi được thông suốt.
Vị Trưởng ban quản trị chùa giải thích tiếp:
– Chúng tôi xin phân tích chỗ thầy đã đạt được chỗ an định mà tại sao không nhận ra được Pháp thân Thanh tịnh của chính mình, để bước vào Niết Bàn Thanh Tịnh của Như Lai đã dạy, mà phải đi vào Niết Bàn Tịch Tĩnh của A La Hán?
Cái lỗi là tại thầy tu mà ham muốn chứng quả vị; vì ham tu chứng quả vị, nên vào quả vị đó để thụ hưởng.
Thầy đã chấp nhận nghe, chúng tôi chỉ rõ cho, thầy hãy lắng nghe từng lời, từng chữ, cơ may mới lãnh hội được.
Khi thầy ngồi thiền đạt đến chỗ thật an định rồi, thầy đừng mong mình chứng quả gì hết, mà ngó ngược lại coi “ai” thấy cái an định đó? Chính “người thấy và biết” an định mà không dao động, không ai thấy hay biết được nó, đó chính là ĐẠO NHÂN VÔ TU VÔ CHỨNG, là Pháp thân thanh tịnh của chính thầy đó. Nếu thầy nhận được Pháp thân thanh tịnh của chính thầy, thầy hằng sống với Pháp thân ấy; còn bằng không nhận ra, thầy đem 44 câu sau đây ra đọc hoài, chừng nào nhận ra Pháp thân của thầy, thầy mới thôi và sống với Pháp thân ấy là đủ :
1- Phật là trùm khắp mọi nơi
2- Chân Tánh theo Phật khắp nơi mà hành
3- Trong Tánh Phật chỉ rõ rành
4- Cái Thấy thanh tịnh không sanh điều gì.
5– Cái Nghe thanh tịnh một khi
6- Khi Biết chỉ biết vậy thì mà thôi
7- Pháp tánh trùm khắp mọi nơi
8- Có phát ra tiếng, tiếng thời không vơi.
9– Tiếng đi khắp chốn khắp nơi
10- Nhưng trong Pháp tánh không đời mất đi
11- Nếu khi tiếng phát lại thì
12- Tiếng trong như trước cũng y ban đầu.
13- Đừng tưởng tiếng nói ban đầu
14- Chỗ này không có mất đâu bao giờ
15- Thầy chỉ các con bây giờ
16- Như ở mặt biển bất ngờ phúng lên.
17– Tướng nước khi đã vượt lên
18- Lên cao đến đỉnh lại rơi về nguồn
19- Thầy dạy các con phải luôn
20- Cứ nhớ cho kỹ lý này suy ra.
21– Pháp tánh không phải ở xa
22- Trong tánh thanh tịnh chạy ra ngoài nguồn
23- Tất cả tứ đại cũng luôn.
24- Ở trong tánh nguồn chảy khắp mọi nơi.
25– Khi vào tam giới rong chơi
26- Bị hút vật lý luân hồi chuyển đi
27- Các con đừng có tư nghì
28- Tâm tánh thanh tịnh là đây Niết bàn.
29– Muốn lìa sức hút thế gian
30- Chỉ cần thôi dứt Niết bàn hiện ra
31- Như Lai nói rõ lòng ta
32- Tu theo đạo Phật là xa luân hồi.
33– Ai làm như vậy được rồi
34- Luân hồi sanh tử là thôi tìm mình
35- Các ông ngồi đó lặng thinh
36- Uổng công vô ích không tìm ra chi.
37– Nghe lời ta dạy một khi
38- Thực hiện cho được tâm thì yên vui
39- Như Lai để lại niềm vui
40- Cho người thanh tịnh an vui Niết bàn.
41– Tức khắc hết khổ hết nan
42- Như Lai chỉ rõ có đàng này thôi
43- Các ông có kiếm được rồi
44- Đây là đường khổ xa rời nhà xưa.
Trên đây là 44 câu, nếu thầy quyết chí tu theo đạo Phật muốn nhận ra Pháp thân thanh tịnh của chính mình, chúng tôi đã chỉ cho10 người mà thật sự kiên trì, thì đã có đến 9 người nhận ra được; còn chỉ có 1 người chỉ đạt 8/10 thôi. Mong thầy cố gắng.
Dụng công Quán Tưởng có thành tựu trong vật lý (Ảnh: minh họa)
Câu 2: Tu theo Thiền tông cũng là do Đức Phật dạy, mà dạy ở những năm tháng sau cùng của cuộc đời Đức Phật. Khi Đức Phật dạy hết các kinh điển Nam truyền và Bắc truyền rồi, Phật mới chỉ Phật thừa, tức chỉ người tu theo Thiền tông để vào được Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh của chính mình. Ai muốn vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh hãy tu theo pháp môn Tối Thượng thừa này.
Chữ Thiền tông xuất hiện từ khi Tổ Ma Ha Ca Diếp là Tổ sư Thiền tông đời thứ nhất, được chính Đức Phật truyền thiền Thanh tịnh, và trao các tín vật, là tập kệ Huyền ký về dòng chảy của mạch nguồn Thiền tông, y, bát của Đức Phật sử dụng hằng ngày, giao lại cho ông Ma Ha Ca Diếp để làm biểu tín. Lần lượt truyền cho nhị Tổ A Nan, truyền mãi cho đến Tổ thứ 33 là Ngài Huệ Năng. Tổ trước tuần tự truyền cho Tổ sau nên gọi là Thiền tông.
Vị nào hiểu sâu về pháp môn Thiền tông, thì mới biết được câu giáo ngoại biệt truyền mà Đức Phật dạy ở đoạn này.
Tu theo pháp môn Thiền tông không phải đi đường của bốn quả vị Thánh, mà đi từ phàm đến quả Phật. Vì vậy, các Tổ bảo, ai biết tánh Người là sao, còn Phật tánh là gì, thì mới biết pháp môn tu Thiền tông này. Như vậy, thầy tu là tu thiền của Đức Phật dạy ban đầu là Nguyên thủy, hay cũng gọi là Tiểu thừa.
Vì sao gọi là Tiểu thừa?
Vì pháp môn tu dụng công này thành tựu trong phạm vi của phòng nhỏ hẹp, nên gọi là Tiểu thừa. Còn danh từ Nam truyền, là vì pháp môn này được truyền về phương Nam của nước Ấn Độ; còn pháp môn Bắc truyền là pháp môn truyền lên phương Bắc cũng của nước Ấn Độ. Pháp môn này, dụng công tìm trong vật nhỏ và lớn, cũng như khắp trong vũ trụ mênh mông, nên gọi là Đại thừa. Sau này, quí thầy ở nước Trung Hoa và nước Việt Nam, thấy pháp môn này biết nhiều hơn pháp môn Tiểu thừa, nên quí Ngài gọi là Phát triển.
Chúng tôi xin lặp lại lần thứ hai cho thật rõ: Thiền tông Đức Phật dạy sau cùng, có hệ thống truyền thiền đàng hoàng, có tín vật, có văn kệ Huyền ký, có sự chứng kiến của nhiều người, có bài kệ truyền thiền và có rất nhiều người biết. Chỉ có pháp môn Thiền tông này mới đưa người tu theo đạo Phật trở về quê hương chân thật của mình được, nói theo ngôn từ của Nhà Phật gọi là thành Phật, ngoài pháp môn Thiền tông này, ở thế giới này không có pháp môn nào khác.
Thầy Thích Phổ Quang nghe Trưởng giải thích 2 câu hỏi của mình, thầy mê say nghe và rơi nước mắt lúc nào mà không hay. Khi nghe trả lời xong 2 câu hỏi, thầy một lòng chân thành và cám ơn Trưởng ban.
Trích quyển “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật dễ Giác Ngộ” – tác giả Nguyễn Nhân.