Tin nổi bật

1. Sư bà – Tỳ kheo Ni Đức Thảo và những vị Thầy kế tiếp

Theo tiểu sử ghi tại chùa Thiền tông Tân Diệu: Vào năm 1950, có vị cư sĩ đọc kinh Kim Cang và Pháp Bảo Đàn đạt được “Bí Mật Thiền tông”. Vị này, xuất gia tu hành theo Thiền tông. Thầy ấy định xây chùa Thiền tông để nói lên sự chứng ngộ Thiền tông của mình, nhưng vì năm ấy quân dân Việt Nam chống quân Pháp xâm lược đã lên gần đỉnh điểm, nên việc xây chùa Thiền tông để nói lên môn Thiền học này không thực hiện được, nên có Huyền ký lại cho hậu nhân để  thay mình xây chùa Thiền tông bằng 24 câu kệ Huyền ký như sau:

Hoa thiền nở tại Linh Sơn
Thầy đã nhận được, quí hơn ngọc, vàng
Quê hương chưa được bình an
Thiền tông chưa được mở mang nơi này.

Các con ghi nhớ lời Thầy
Giang sơn nối lại nơi đây “mọc” Thiền
Vạn dân xum họp bình yên
Mạch chảy Nguồn thiền phải phát bùng xa.

Lòng từ của Phật Thích Ca
Hai lăm thế kỷ hiện ra nơi này
Các con ghi nhớ lời Thầy
Đến đời Minh Triết nên xây chùa thiền.

Khởi đầu tuy có não phiền
Nhiều người muốn phá chớ phiền mà chi
Kim Cang giúp đỡ tức thì
Tiền Thầy, Thầy chỉ sau này chẳng lo.

Dù cho chùa nhỏ chùa to
Miễn sao ghi lại để cho mọi người
Thiền tông lợi ích mọi nơi
Nhiều người ngộ đạo tươi cười Thiền tông.

Chánh pháp nhãn tạng trong lòng
Niết bàn vi diệu, hiện phồng nơi đây
Tiền Thầy, Thầy để gốc cây
Đến đời Minh Triết đem xây Phật đài.

P1060969

Sư Bà – Tỳ Kheo Ni Đức Thảo – vị Tổ sáng lập chùa Thiền tông Tân Diệu.

    Tiếp theo, hậu nhân nguyện hứa với Thầy mình, nhất định ghi nhớ những gì mà Thầy mình đã dạy. Sau đây là bài kệ lục bát 20 câu của hậu nhân ấy:

Chúng con ghi nhớ lời Thầy
Thiền tông nguyện mở nơi đây lưu truyền
Xin Thầy yên dạ  ngủ  yên
Chúng con xin trọn lời nguyền không sai.

Những người đến “Tiểu Linh Đài”
Nhìn Thấy sen nở, biết ngay ánh thiền
Chúng con quyết trọn lời nguyền
Làm tròn tâm nguyện môn Thiền vươn xa.

Chúng con nguyện trước Thích Ca
Giúp người mê muội nhận ra Nguồn thiền
Từ đây hết đảo hết điên!
Làm trọn lời nguyền trước Phật Thích Ca.

Chúng con xin nguyện bày ra
Cùng nhau chung sức nói ra lời Thầy
Chúng con xin nguyện lời này
Lập nhiều phương tiện xin Thầy đừng lo.

Dù cho thiền nhỏ, thiền to
Người đến Linh Thứu phải lo tu thiền
Mong rằng Chư  Phật trợ duyên
Con nguyện ước nguyền, mãi mãi không thôi.

Tuân theo lời Huyền ký của vị Thầy nhận được “Bí mật Thiền tông” vào Thế kỷ 20 và vị Thầy kế tiếp. Thiền gia Chánh Huệ Phong nhận tất cả những gì mà các Thầy trước đã dạy, nên năm 2006 và 2009, Thiền gia Chánh Huệ Phong đứng ra xây chùa Thiền tông và Thiền tông Phật đài để ghi lại kệ Huyền ký của Đức Phật và Huyền  ký của 2 vị Thầy trước. Bài kệ 16 câu như sau:

       Linh Sơn sen nở Thiền tông
Ở tại  “Đất Rồng” đã “mọc” núi Linh
Qua sông, vượt biển một mình
Chảy qua nhiều nước, đã dừng tại đây.

       Chúng con nghe dạy của Thầy
Tìm nhiều phương cách, Mạch đây chảy hoài
Thiền tông chảy khắp trần ai
Chảy đến  “Đất Rồng”, lưu lại Thiền tông.

       Chúng con nguyện mãi trong lòng
Mạch tại  “Đất Rồng” phải chảy đi xa
Ngày xưa Huyền ký Thích Ca
Hai lăm thế kỷ hiện ra  “Đất Rồng”.

       Chúng con xin nguyện trong lòng
Lập nhiều phương tiện “Mạch Rồng” chảy đi
Ngưỡng mong trên Đấng Từ  Bi
Giúp người duyên lớn, ngộ thì như con.

  Thiền tông phổ biến tại chùa Thiền tông Tân Diệu, được Nhà sưu tầm thiền học Phật giáo là soạn giả Nguyễn Nhân góp nhặt lại, biên soạn và viết ra thành 9 quyển sách nói về pháp môn tu Thiền tông, được những người  trong và ngoài nước đọc. Nên có rất nhiều người giác ngộ Thiền tông. Theo lời hứa của Thiền gia Chánh Huệ Phong: Ai đến viếng chùa hỏi đạo, hoặc xem sách mà ngộ đạo thiền, sẽ được cấp giấy chứng nhận là giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông”. Đến ngày 15-10-2009 (ÂL), có quá nhiều người ngộ đạo thiền, không thể ghi chép hết vào bia đá được, nên chùa mới chiết ra 58 vị giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông” loại xuất sắc, lưu tên tuổi lại tại chùa. Còn nơi Thiền tông Phật Đài có ghi kệ Huyền ký của Đức Phật và những vị đạt được “Bí mật Thiền tông” có làm thơ hoặc kệ. Riêng, chúng tôi là người sưu tầm, biên soạn, thấy có những bài kệ, bài thơ hay, nên ghi lại của những người ngộ thiền trong nước, cũng như người ngoài nước, ở trong tập sách này.