Tin nổi bật

Người “Rơi vào Bể Tánh” còn Tánh Người không?

Thầy Thích Thiện Chánh, sanh năm 1948 tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cư ngụ tại quận Mười Một, TP. HCM, muốn đốn ngã Trưởng ban bằng 5 câu hỏi gai gốc như sau:

Câu l: Pháp môn Thiền tông này, Trưởng ban giảng sao không giống những vị Hòa thượng nổi tiếng giảng?

Câu 2: Tu Thiền tông sao không được dụng công ngồi thiền, như vậy có làm sai Đức Phật không?

Câu 3: Tất cả các chùa trong nước cũng như ngoài nước, những Giảng sư đều nêu và giảng chỉ có 5 anh em ông Kiều Trần Như, sao ở đây Trưởng ban nói là có đến 9 vị, như vậy chắc chắn phải sai?

Câu 4: Tất cả các chùa, chùa nào cũng tụng kinh, cầu an, cầu siêu, nhưng sao Trưởng ban nói tu theo Thiền tông không được làm các việc này?

Câu 5: Trong nước Việt Nam và các nước tu theo đạo Phật, vị nào tu thiền đều phải dụng công ngồi, sao Trưởng ban lại bát bỏ việc dụng công ngồi, chẳng lẽ các chùa trong nước và ngoài nước làm sai sao?

Trên đây là 5 câu hỏi quá hay, quá bí hiểm và cũng rất thuận lý, chúng tôi chờ nghe Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu trả lời ra sao?

Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu trả lời:

– Kính thưa Thầy Thích Thiện Chánh, thật sự 5 câu hỏi của Thầy làm chúng tôi điếc đầu chớ chẳng phải thường, vậy chúng tôi xin  trả lời từng câu một:

Câu 1: Pháp môn Thiền tông học này, đầu tiên Đức Phật dạy để độ 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu với Ngài bằng bài pháp “Bụi Trần”, chín vị này đã giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông” và đạt luôn được “Bí mật Thiền tông”, nên chín vị này giúp Đức Phật thành lập ra đạo “Giác Ngộ” tức đạo “Hiểu Biết” tận cùng mọi sự mọi vật; sau này gọi là “Đạo Phật”, tức “Đạo Hiểu Biết Trùm Khắp”.

Vì là đạo không sử dụng tâm vật lý để tu, nên khi Đức Phật tuyên dạy pháp môn này, nơi hội của Ngài có trên 7 ngàn người mà bỏ đi trên 5 ngàn người, chỉ còn lại có 1.250 vị. Trong 1.250 vị này chỉ có 1 vị được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, có vài vị đạt được “Bí mật Thiền tông”; mà ông Ma Ha Ca Diếp là vị đầu tiên trình chỗ đạt được Bí mật Thiền tông của mình bằng đôi môi.

Vì vậy, pháp môn Thiền tông học này Đức Phật có dạy:

– Là pháp môn giáo ngoại biệt truyền, tức truyền đặc biệt cho vị nào nhận ra tánh chân thật của mình bằng các căn; mà phải nhận thật rõ ràng bằng Ý thanh tịnh trong Phật Tánh. Vì lý do này, dù là Tiến sỹ Giảng sư Phật học, hay Hòa thượng giảng thiền, nếu không biết lời của Đức Phật dạy pháp môn này, thì làm sao các vị ấy biết được mà dạy lại cho người khác được?

Câu 2: Đức Phật dạy nơi thế giới này có tất cả là 6 pháp môn; 5 pháp môn đầu Ngài dạy sử dụng tâm vật lý để tu. Sử dụng tâm vật lý để tu là để chuyển vật chất hay tìm vật chất, hoặc tìm trong cái bóng ảo của vật chất, rồi đi lý luận trên trời dưới đất để kiếm tiền, tức ham mê và dính mắc với vật chất thì làm sao giải thoát được?

Còn pháp môn thứ 6 này Ngài gọi là “Như Lai Thanh tịnh Thiền”, ai tu theo pháp môn này là không sử dụng tâm vật lý để tu; mà chỉ cần để tâm vật lý mình tự nhiên thanh tịnh là phải.

Đức Phật dạy như sau:

– Tánh Phật là tự nhiên thanh tịnh rỗng lặng và hằng tri, luôn ở trong trong thanh tịnh, vì là thanh tịnh nên không bị luân hồi.

— Tánh người là luôn suy nghĩ mênh mông, vì là suy nghĩ nên phải đi theo chiều: thành, trụ, hoại, diệt, tức luân hồi!

Đức Phật dạy pháp môn Thiền tông này như sau:

– Khi tâm vật lý tự nhiên được thanh tịnh, thì những thứ vọng tưởng nó không phát ra; vì vọng tưởng không phát ra nên làn sóng điện từ Âm Dương trong thân người không rung động, do không rung động nên làn sóng điện từ Âm Dương duy trì cơ thể thân người không kéo cái suy nghĩ đi được. Vì vậy, ai tập thuần thục được rồi, tự nhiên những thứ của Ý nằm trong Tánh Phật hiện ra, ai sống được với Tánh Phật của chính mình thì Tánh Người nó sẽ ẩn, tại chỗ này chúng ta tưởng là tánh Người bị mất. Không phải, tánh Người vẫn hiện hữu nhưng chúng ta không sử dụng nó.

Đức Phật dạy thật rõ như sau:

– Sở dĩ loài người không sống được với Tánh Phật của chính mình là vì bị 16 thứ trong Tánh Người bao phủ quá lâu, cộng với 8 muôn 4 ngàn những thứ ảo giác nữa, do vậy Tánh Phật khó mà hiển lộ ra được.

Vì nguyên lý này, ai theo Thiền tông mà dụng công tu, Đức Phật bảo nấu cát mà muốn thành cơm là vậy.

Câu 3: Về 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu với Đức Phật; Đức Phật có dạy như sau:

– Khi Như Lai muốn thành lập ra “Giáo Đoàn Đạo Giác Ngộ”, mà nay chúng ta gọi là “Đạo Phật”, thì phải có đầy đủ 10 vị thì mới thành lập ra được. Theo sưu tầm và học hỏi của chúng tôi, sở dĩ quí Thầy chỉ nói có 5 vị là vì quí Thầy không biết được pháp môn Thiền tông học này, nên chỉ biết có 5 vị thôi; nếu “lỡ” có vị Thầy nào biết pháp môn Thiền tông học này này thì cũng không dám tu.

Vì sao vậy?

– Vì pháp môn Thiền tông học này là dẹp bỏ tất cả vật chất, mà người tu hiện nay 90% là tu để tìm vật chất thì làm sao dám tu, chỉ đọc sách viết về Thiền tông học mà  còn không dám đọc huống chi là tu.

Câu 4: Câu hỏi này, Thầy đã tu theo đạo Phật quá lâu mà Thầy lại không biết. Chúng tôi đã sưu tầm trong tất cả các kinh mà Như Lai dạy nơi thế giới này, chúng tôi không thấy Đức Phật dạy tu tụng, tu cầu hay tu  xin, mà chúng tôi chỉ thấy Như Lai dạy có 6 pháp môn tu, mà quí vị Tổ sư Thiền tông gọi là “Lục Diệu Pháp Môn”.

Chùa Thiền tông Tân Diệu có nhiệm vụ là nói rõ pháp môn Thiền tông học này, để giúp cho vị nào thật sự có đại duyên đại phúc áp dụng tu; còn tu tụng, tu cầu hay tu xin là của những vị Thầy sau này giúp cho môn đồ của mình thích linh thiêng hoặc thích tu để khoe với những người chung quanh.

Câu 5: Ngày xưa, đầu tiên Như Lai dạy tu có dụng công và được thành tựu tất cả, nhưng không pháp môn nào đưa người tu ra ngoài sự cuốn hút của vật lý nơi thế giới này.

Bốn năm sau cùng, Như Lai mới dạy pháp môn Thanh tịnh thiền này, để đưa người tu được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”.

Sáu pháp môn Như Lai dạy có 2 nguyên lý tu như sau:

1- Tu mà sử dụng tâm vật lý dụng công tu thì nó phải đi theo chiều: thành, trụ, hoại, diệt, tức bị luân hồi!

2- Tu mà chỉ để tâm vật lý tự nhiên thanh tịnh, tức không dụng công, nên những thứ của Ý nằm trong Tánh Phật hiện ra, sống được với các thứ ấy là không bị luân hồi.

Nguyên lý này, người tu Thanh tịnh thiền không được dụng công là vậy.

Còn các chùa hiện nay tu tụng, cầu, v.v… là tu rất đúng với những vị Thầy trụ trì chùa đó.

Vị hỏi nói trên, đến chùa Thiền tông Tân Diệu mục đích là hỏi những câu thật khó để “đốn ngã” Trưởng ban, không ngờ câu hỏi nào cũng được Trưởng ban trả lời thông suốt hết, vị ấy đành hối lỗi với Trưởng ban và ra về.

Trích quyển “Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn Giải thoát” – tác giả Nguyễn Nhân.