Ông Nguyễn Trọng Luân, sanh năm 1966, tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cư ngụ tại thành phố Weimar, nước Đức, hỏi:
– Thầy tôi xuất gia hồi 14 tuổi, đến nay đã 75 tuổi. Thầy tôi dạy, muốn ngộ đạo duy nhất chỉ có tu thiền. Ngoài tu thiền ra, không có cách tu nào để giải thoát được.
Vậy, Trưởng ban có lý giải nào khác với tu thiền mà sư phụ tôi dạy không, xin cám ơn?
Trưởng ban hỏi lại thầy Luân:
– Thầy ông dạy ông tu thiền là tu làm sao?
Ông Nguyễn Trọng Luân trả lời:
– Thầy tôi dạy lúc ngồi thiền, đốt cây nhang để trước mặt, cứ chăm chú vào đóm lửa của cây nhang, đừng cho vọng tưởng khởi lên, gọi là dùng phương pháp định tâm.
Thầy ông dạy tu như vậy được bao lâu rồi, Trưởng ban hỏi?
Thầy Luân trả lời:
– Dạ, trên mười năm.
Trưởng ban lại hỏi tiếp:
– Ông giác ngộ được gì không?
Thầy Luân trả lời:
– Thật ra tôi chưa nhận ra được điều gì cả.
Trưởng ban nói với thầy Nguyễn Trọng Luân:
– Tôi không dám nói thầy ông dạy đúng hay sai. Tôi chỉ lấy hai ý dạy của Đức Lục Tổ để ông nghiền ngẫm thì ông sẽ hiểu:
– Tu thiền mà chấp ngồi, chẳng khác nào chấp thân thể mình là thật. Bộ xương chúng ta mang, là ngũ uẩn hợp thành, có nghĩa lý gì mà bắt bộ xương này dẫn chúng ta đến sự thật được. Tu mà muốn ép cho tâm thanh tịnh. Tâm là cái gì mà ép cho nó thanh tịnh, nếu muốn cho tâm thanh tịnh, chúng ta hiểu sai về tâm rồi, nếu hiểu sai cái tâm, làm sao đến chỗ giác ngộ được?
Ông Nguyễn Trọng Luân hỏi tiếp:
– Như vậy tôi muốn tu giác ngộ và giải thoát phải tu làm sao?
Trưởng ban trả lời:
– Nếu tôi nói với ông tu kiểu này, hành kiểu nọ, là tôi nói dối ông. Tuy nhiên, để ông được toại nguyện, tôi lấy chín câu dưới đây trong các kinh điển Nhà Phật nói với ông, tự ông nghiền ngẫm một thời gian ông sẽ hiểu đường vào cửa giác ngộ, rồi sau đó mới giải thoát. Việc mau hay chậm là do căn cơ ở nơi ông:
Chín câu ấy như sau:
– Chính “nó” lúc nào cũng Thấy.
– Chính “nó” lúc nào cũng Nghe.
– Chính “nó” khi muốn nói là có Tiếng.
– Chính “nó” lúc nào cũng Biết.
– Chính “nó” hằng thanh tịnh.
– Chính “nó” không sanh nên không diệt.
– Chính “nó” tự đầy đủ.
– Chính “nó” trùm khắp.
– Chính “nó” luôn lúc nào cũng Hành.
Ông Nguyễn Trọng Luân chợt hiểu ra điều gì, ông tự thốt ra:
– Như vậy, trên mười năm qua, tôi dụng công ngồi thiền và dụng công dẹp vọng tưởng thật là vô ích. Vậy mà tôi lúc nào cũng luôn miệng khoe khoang với người khác là tôi tu đã thành tựu việc thời gian ngồi thiền, tâm mình được an định thời gian dài. Tôi chẳng khác nào người mù mà đi khoe với các người chung quanh về cái đẹp của núi non sông hồ biển cả vậy, thật là xấu hổ!
Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông, quyển 1 tái bản” – tác giả Nguyễn Nhân.