Tin nổi bật

Tu Tứ Thiền – Bát Định là sao?

Anh Nguyễn Trí Lượng, sanh năm 1968 (42 tuổi), tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cư ngụ tại đây, hỏi:
– Xin Trưởng ban cho tôi hỏi 1 câu: “Tứ Thiền Bát Định” là gì?
Trưởng ban trả lời:
– Đây là bốn cấp thiền và tám thứ định trong thiền môn. Giải thích phần này có nhiều cách. Chúng tôi xin giải thích thiền có dụng công để anh dễ hiểu:
Tứ thiền gồm:
Thứ nhất: Sơ thiền.
Thứ hai: Nhị thiền.
Thứ ba: Tam thiền.
Thứ tư: Tứ thiền.
Bát định: Gồm 3 định chánh:
Định tưởng.
Định tâm.
Định thân.
Căn bản 8 định trên gồm:
– Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Ý, Thân, Tâm và Chấp.
Tám thứ định trên là những thứ dụng công tu để được định. Vì vậy, các thứ định này là định trong luân hồi, không giải thoát được!
Vì sao vậy?
– Vì người tu “Tứ thiền” và “Bát định” này là dụng công ép cho thân và tâm vật lý của mình được định, giống như người ở thế giới này muốn ngăn gió vậy.
Muốn cho thân mình không cho gió chạm vào bị lạnh, nên dùng nhiều thứ ngăn gió, khi bỏ những thứ ngăn, tức khắc gió liền chạm với mình.
Đức Phật dạy:
– Phong luân là một trong 5 thứ duy trì sự sống của một hành tinh hay một cá thể. Dù chúng ta có ép cho những thứ ấy đứng yên một chỗ, chúng ta chỉ ép được một phần thật nhỏ thôi. Khi chúng ta không ép nữa, tức khắc nó đi theo dòng luân hồi của nó ngay.
Đức Phật dạy “Tứ thiền” và “Bát định” này như sau:
– Thiền này, Như Lai dạy sử dụng thân và tâm vật lý tu, có thành quả nên không giải thoát được.
Vì sao không giải thoát?
– Vì có thành quả, các ông phải giữ lấy nên không giải thoát.
Đức Phật xếp “Tứ thiền bát định” này là “Phàm phu thiền”.
Còn Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy 8 thứ định của tâm vật lý như sau:
* 1- Tham. 2- Sân. 3- Si. 4- Mạng. 5- Nghi. 6- Ác. 7- Kiến thường. 8- Kiến kiến đoạn.
Tám thứ trên, người tu mà diệt được thì gọi là định tâm.
Còn định thân, Tứ Tổ Đạo Tín dạy như sau:
* Thân người tu bị hoàn cảnh hay tác động của người khác đem đến thân, tâm vẫn không lay động, vẫn hay, vẫn biết như:
1- Được lợi không mừng. 2- Được danh không vui. 3- Bị suy sụp không buồn. 4- Bị người khác hủy nhục không rầu. 5- Bị thất bại không khổ. 6- Bị người khác hìm thù không sợ. 7- Bị người khác chê bai không dao động. 8- Bị người khác hảm hại không trả thù.
Trên đây là “cây thước đo” bát định của người tu thiền, được như trên mới đúng là người tu theo “Tứ thiền và Bát định” trong vật lý.
Anh Nguyễn Trí Lượng lại hỏi thêm:
– Như vậy người tu theo đạo giải thoát thật là khó chớ chẳng phải dễ, thưa có phải vậy không?
Trưởng ban trả lời:
– Phần này các vị Tồ sư Thiền tông có nhắc lại lời của Đức Phật dạy như sau: “Người tu theo đạo của Ta mà muốn giác ngộ và giải thoát, thật tình rất khó”.
Đức Phật có dạy: 1.000 người tu đạo của Ta, có:
– 900 người sử dụng đạo của Ta kiếm tiền nuôi thân.
– 30 người muốn đến cảnh đẹp.
– 30 người mơ tưởng linh thiêng.
– 20 người muốn có thần thông và huyề bí.
– 10 người đi lừa người để kiếm tiền và danh.
– 8 người muốn đi lý luận trên trời dưới đất.
– 1 người muốn giác ngộ.
– 1- người muốn giải thoát.
Nhưng 1 người muốn giải thoát này, trong 1.000 người như vậy mới có 1 người đạt được mà thôi!
Trưởng ban nói tiếp:
– Ngày xưa, khi Như Lai tuyên dạy pháp môn giải thoát này. Nơi hội của Như Lai có trên 7.000 người tham dự, nhưng bỏ đi trên 5.000 người, chỉ còn lại có 1.250 vị; trong 1.250 vị này, duy nhất chỉ có 2 vị nhận được mà thôi!
Vì chỗ đặc biệt khó này, nên Đức Phật có dạy rõ như sau:
– Vào các đời sau, ai nhận được pháp môn giải thoát này. Chỉ nói cho vài người biết là phải lẩn tránh ngay!
Vì sao phải lẩn tránh ?
– Vì tánh loài người có đến 16 thứ chấp của vật lý. Mười sáu thứ của tánh người, nó lại bị bao phủ bởi 8 muôn 4 ngàn những thứ của ảo giác nữa. Nên vị nào hiểu được pháp môn này không nói chỗ đông người được. Nếu ai cố nói, sẽ bị hại ngay!
Vì sao vậy?
– Vì 999 người nói trên, không thể để cho người này nói lên sự chân thật được?
Vì sao vậy?
– Vì 999 người này họ sống bằng vật lý của tánh người, nên họ không thể nào chịu nổi pháp môn giải thoát này.
Vì sao họ không chịu nổi?
– Vì họ đang sống bao quanh bởi vật chất, trong vật chất là do âm dương quyện lấy, kéo họ đi trong luân hồi, đó là nói về vật chất.
– Còn nói về tinh thần, không ai biết tinh thần là cái gì. Vì không biết đó, nên họ tưởng tượng ra đủ thứ tên, vì là sản phẩm của tưởng tượng nên phương Đông nói khác với người phương Tây, nhưng ai cũng cho mình là đúng cả.
Vì chỗ chấp chặt mà lại bảo thủ đó, không ai chịu nghe ai, nên sanh ra chống chọi với nhau, đây là căn bản của tánh người nói riêng, còn tánh của các động vật cũng bị qui luật này.
Trưởng ban lại nói tiếp:
– Anh muốn hiểu rõ chỗ khó này, nên tìm đọc trong Huyền ký của Đức Phật tự nhiên anh sẽ biết rõ.
Anh Nguyễn Thí Lượng hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.

(Trích “Những câu hỏi Thiền tông – quyển 2” – Tác giả Nguyễn Nhân)