Tin nổi bật

Ở thế gian này, người có Phước thật nhiều thì khó lòng mà tu tập Giải thoát được phải không ?

Ở thế gian này, người có Phước thật nhiều thì khó lòng mà tu tập Giải thoát được phải không ?

Nhân tiện nói về Công Đức, Phước Đức, quý thầy cho phép chúng tôi hỏi tiếp một câu về vấn đề này nữa được không ạ ?

– “Quý vị cứ tự nhiên hỏi”. Vị đại diện chùa Thiền tông Tân Diệu đáp .

– Vâng, như vậy theo chúng tôi hiểu, ở thế gian này người có thật nhiều Phước khó lòng có thể Giải thoát được phải không ? Vì theo qui luật Nhân Quả là có Phước thì bắt buộc phải hưởng hoặc giữ lấy, nên khó lòng mà Giải thoát, có đúng thế không ?

Vị đại diện chùa mỉm cười đáp:

– Quý vị nếu nói như vậy thật chưa thật đúng lắm. Đúng là theo luật Nhân Quả điều đó là như vậy. Nhưng chúng ta đã thật quá may mắn khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời, mục đích rốt ráo sau cùng của Ngài là dạy chúng ta các vượt ra ngoài qui luật Nhân Quả hay còn gọi là Sinh tử Luân hồi đó thôi. Nghĩa là theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta vẫn có cách chuyển số Phước Đức chúng ta có được thành số Công Đức, để làm “hành trang” giúp chúng ta vượt qua được cửa “Hải triều Dương”, để trở về được “quê xưa” của chính mình.

– Để chứng minh vấn đề này, chúng tôi xin trở lại với câu chuyện vua Lương Võ Đế và Tổ Đạt Ma khi xưa. Vua Lương Võ Đế là một vị vua có rất nhiều đóng góp cho Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ. Ngài đã cất không biết bao nhiêu cảnh chùa, giảng không biết bao nhiêu bài Kinh, độ không biết bao nhiêu Tăng chúng. Tuy nhiên theo sử sách xưa, lúc Ngài gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài chưa đạt được “Yếu chỉ Phật ngôn”. Nên Tổ chỉ nói ít danh từ về Thiền tông, để xem Ngài có hiểu gì về “Đại ý Phật pháp” không. Nhưng vì Đức vua còn lầm ở chỗ, chưa phân biệt được Phước Đức và Công Đức thật sự, nên mới có sự phản ứng lại với Tổ gay gắt đến như vậy. Nếu như khi xưa, đức vua đã đạt được “Yếu chỉ Phật ngôn” thì với uy danh lẫy lừng, cũng như của cải vật chất vô số của Ngài, Ngài đem :

– Cất chùa theo phong cách Thiền tông, khắc những câu kinh, câu kệ có chỉ đến chỗ tột cùng của Đạo Phật là Giác Ngộ – Giải thoát.

– Tạc tượng Đức Bổn Sư Thích Ca cầm cành hoa sen, thay vì ngồi tọa thiền, nhằm giúp người có duyên lớn nhận ra “Tánh Thấy” chân thật của chính mỗi người. “Tánh Thấy” ấy không sanh, không diệt mà lúc nào cũng Thấy, nên gọi là hằng Thấy.

– Giảng những bài pháp phân biệt Tánh Phật và Tánh Người, cách vượt ra ngoài qui luật Nhân Quả cho Tăng chúng, v.v…

– Những việc như thế mới hi vọng chuyển được từ Phước Đức Vô lượng của nhà vua thành Công Đức Vô lượng cho Pháp Thân Thanh Tịnh của Ngài. Việc chuyển đổi này không có một công thức hay quy tắc cụ thể nào cả. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần thôi, chứ chưa đủ. Quý vị có biết vì sao không ?

– “Thưa không!”. Chúng tôi đáp.

– Vì phải còn  “chờ duyên” nữa.

– “Chờ duyên là sao, thưa quý thầy” ? Chúng tôi hỏi.

– Nghĩa là, nhà vua sẽ thật sự có Công Đức khi những người trong Tăng chúng dưới sự giáo hóa của Ngài khi xưa, nếu có một người nào vô tình nghe một câu kinh, đọc một bài kệ hoặc nhìn thấy tượng Phật cầm cành sen kiểm thiền, mà bất chợt nhận ra “Yếu chỉ Phật ngôn”, thì tức khắc nhà vua Lương Võ Đế sẽ có Công Đức ngay. Tùy theo sự Giác Ngộ sâu cạn của người ấy như thế nào, thì số Công Đức của nhà vua sẽ lớn hay nhỏ. Nếu người ấy đạt được :

* “Yếu chỉ Thiền tông” thì nhà vua sẽ có Công Đức nhỏ.

* “Bí mật Thiền tông” thì nhà vua sẽ có Công Đức vừa.

* “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” thì nhà vua sẽ có Vô lượng Công Đức.

– Tuy nhiên, Công Đức được bao bọc bởi Điện từ Quang. Do vậy, chính nhà vua cũng sẽ không thấy được số Công Đức của mình, trừ phi Ngài được “rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”. Chúng tôi xin trích một câu chuyện thời Phật tại thế như sau:

– Ngày xưa, có ông tên là Tu Đạt là người giàu có khét tiếng của kinh đô Xá-Vệ, vương quốc Kiều-Tát-La. Ông rất có lòng thương người, thường hay chu cấp giúp đỡ cho những người khốn khó, cô đơn, nên mọi người thường gọi ông với cái tên là “Cấp Cô Độc”, tức “cứu giúp người nghèo khó và cô độc”. Khi ông được Đức Phật chỉ rõ chỗ tột cùng của Đạo Phật, ông nhận ra được “Yếu chỉ Phật ngôn”. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Phật pháp, ông đã mong muốn mua lại khu vườn xinh đẹp ngay sát kinh đô, của Thái Tử Kỳ Đà – con của vua Ba Tư Nặc, để cất tịnh xá cho Đức Phật thuyết pháp Giác Ngộ – Giải thoát, cũng như làm nơi cư trú cho Đức Phật và những vị Tăng chúng. Thái Tử Kỳ Đà nửa thật nửa đùa, bảo ông Cấp Cô Độc rằng :

– Nếu ông có thể lát vàng toàn bộ khu vườn này, tôi sẽ bán cho ông. Còn nếu không thì thôi vậy.

Tưởng rằng lời nói của mình sẽ làm ông Tu Đạt bỏ cuộc. Nhưng Thái Tử Kỳ Đà lại không ngờ rằng ông Cấp Cô Độc đã Giác Ngộ được “Yếu chỉ Phật ngôn”, nên ông Cấp Cô Độc đồng ý ngay và nói :

– Được rồi ! Như vậy sáng mai tôi sẽ cho người chở vàng đến.

Không ngờ sáng hôm sau, ông cho người chở vàng đến như đúng hẹn. Ông cho người lát vàng toàn bộ mặt bằng của khu vườn. Tuy nhiên, ông không thể lát vàng trên những gốc cây cổ thụ to được, nên ông nói với Thái Tử :

– Tôi đang suy nghĩ làm sao để trải vàng lấp được những gốc cây này. Khó quá !

Thái Tử sững sốt, quá bất ngờ trước sự mộ đạo của ông, cũng như sau cùng Thái Tử đã tìm hiểu và biết được tư cách, đạo đức và trí tuệ vượt bậc của Đức Phật, nên cuối cùng Thái Tử cũng đề nghị :

– Thôi, lát vàng thế cũng đã đủ rồi, ông không phải suy nghĩ nữa. Khoảng đất trống còn lại và tất cả các cây trong vườn, tôi xin cúng dường Đức Phật, coi như có một chút đóng góp nhỏ nhoi vào công trình cao đẹp của ông!

– Chính vì sự tích này, mà chúng ta hiện giờ mới thường hay nghe trong Kinh đề cập đến danh từ “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên”, tức vườn cây của Thái Tử Kỳ Đà và hoa viên của ông Cấp Cô Độc cúng dường.

– Xin trở lại vấn đề, chính vì ông Cấp Cô Độc đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Phật ngôn” nên Đức Phật đã chấp nhận tấm lòng của ông và để ông thực hiện việc mua khu vườn và xây cất tịnh xá. Vì sao vậy ?

– Vì khi ông Cấp Cô Độc đã nhận ra Phật Tánh chân thân thật của chính mình rồi, đồng nghĩa ông hiểu được Phật Tánh của ông là quý nhất trên đời, nên những sức hút về của cải vật chất, vàng bạc, châu báu, v.v… của thế gian này không dính dáng gì đến Phật Tánh của ông. Do vậy, ông mới dám “bạo gan” cúng dường toàn bộ tài sản của mình có được, để xây tịnh xá cho Đức Phật dạy Đạo Giải thoát.

– Trở về thời đại chúng ta, theo quý vị có được bao nhiêu người hiểu đạo, mà dâng toàn bộ tài sản của mình có được để cúng dường, rồi không biết tương lai sinh sống mình sẽ ra sao?
Thấy chúng tôi trầm tư hồi lâu, vị đại diện chùa nói tiếp:

– Chúng tôi không biết quý vị có biết được những ai như thế hay không, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, trong lịch sử từ thời Đức Phật đến giờ, có hai người điển hình dám làm như thế. Một người ở ngoài nước và một người ở trong nước ta. Ngoài 2 vị này ra, chưa chúng tôi thấy chưa ai dám thực hiện cả, đó là:

1- Người ở nước ngoài, đó là Thái Tử Tất Đạt Đa. Ngài đã từ bỏ cả ngai vàng, điện ngọc của mình để đi tìm “con đường Giải thoát”, mà chính Ngài lúc ấy cũng chưa hình dung ra “con đường ấy” như thế nào, hoàn toàn mù mịt trước mắt.

2- Người ở trong nước, đó là đức vua Trần Nhân Tông của chúng ta. Ngài cũng đã từ bỏ ngôi vua, lên núi Yên Tử tu tập Giác Ngộ – Giải thoát và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau này.

– Tuy nhiên, đó là một vị Phật và một vị Tổ. Các Ngài có nhiệm vụ phải làm như vậy để dẫn dắt chúng ta. Các Ngài đã nhọc công tìm ra được công thức Giải thoát và đã chỉ cho chúng ta công thức ấy. Ngày nay, chúng ta không cần bắt chước mà chỉ áp đem ra dụng thôi. Vì sao vậy?

– Chúng ta hãy nhớ lại lời dạy của Đức Thế Tôn, đó là: “Chớ giẫm Như Lai vết đã qua”!

– Chúng ta chỉ cần dùng ít Phước chúng ta có được (mua một cái đĩa, một quyển sách) bằng cách ấn tống Kinh sách, đĩa có nói đến chỗ Giải thoát. Nếu ai nhận ra được “Yếu chỉ Phật ngôn” là quý vị đã có Công Đức ít nhiều rồi. Ai có khả năng khá hơn, có thể giảng giải cho người khác nhận được “chỗ cao tột của nhà Phật” thì lại càng tuyệt vời hơn nữa. Chứ quý vị đừng tưởng hễ cứ cúng dường, bố thí, làm phước, ấn tống kinh sách, v.v… thật nhiều là có Công Đức. Thật chưa chắc vậy! Nếu cái mình cúng dường là kinh sách mê tín hoặc Kinh về Nhân Quả, thì một là mình bị họa, hai là đẩy người khác đi sâu vào con đường Nhân Quả mà thôi, không thể Giải thoát được.

– Tóm lại, nếu biết cách thì một chút Phước Đức cũng có thể chuyển thành Vô lượng Công Đức. Còn không biết, dù có Vô lượng Phước đi nữa, cũng không hề có được một tí xíu Công Đức nào. Hãy xem lại gương của vua Lương Võ Đế và ông Cấp Cô Độc, để chúng ta cùng học hỏi và rút kinh nghiệm. Đó chính là cách để chuyển Phước Đức thành Công Đức mà chúng tôi muốn chuyển tải đến cho quý vị đó. Mong quý vị cố gắng.

Trích quyển “Chùa Thơ – Dấu ấn Như Lai Thanh Tịnh Thiền” – tác giả Hoàng Tịnh.