Cụ Nùng Phát Nhã, sanh năm 1925, tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cư ngụ tại Tp. Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Hỏi Trưởng ban Quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu như sau:
– Kính Trưởng ban: Tôi đọc sách của soạn giả Nguyễn Nhân viết, thật tình từ nhỏ đến lớn chưa hề đọc được những quyển sách viết về lời Đức Phật dạy mà rành mạch như thế này. Đáng lẽ ra chúng tôi không cần hỏi gì thêm, vì bao nhiêu lối tu, hoặc cả trăm câu hỏi mà Trưởng ban đã trả lời cho những vị hỏi, cũng đủ cho chúng tôi tu rồi. Vì tôi ở xa, hơn nữa nay đã lớn tuổi, lần về Việt Nam này là lần chót. Tôi có ba cái thắc mắc như sau, xin Trưởng ban giải đáp cho, thành thật cám ơn:
Một: Tu theo Thiền tông Nhà Phật, xem ra rất dễ dàng, cũng dễ thực hành, mà lại có kết quả rất nhanh và chính xác, tại sao người tu theo đạo Phật không tìm hiểu pháp môn giải thoát để tu?
Hai: Người tu theo đạo Phật, mỗi ngày lạy hằng trăm lạy, hay mỗi bước đi lạy một lạy, có đúng với các kinh của Đức Phật dạy không?
Ba: Tính ra, đạo Thiền rất khoa học và thực tế, lại chỉ rất rõ phương cách đưa người tu trở về Nguồn cội của chính mình, cũng được xem là tinh hoa bậc nhất nơi thế giới này, sao lại ít người nghe và hành theo như vậy?
Trưởng ban Quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu trả lời 3 thắc mắc gay go của cụ Nùng Phát Nhã:
– Câu một: Thưa cụ Nùng Phát Nhã: Các câu hỏi của cụ tuy là đơn giản, nhưng lại bí hiểm vô cùng. Chúng tôi xin nêu lên những lý do sau đây, để cụ biết tại sao người sống nơi thế giới này không chịu tìm hiểu để trở về sống với Nguồn cội của chính mình.
Về vật chất:
Loài người ai cũng ham mê vật chất, nên khó mà thoát ra ngoài sự cuốn hút của vật chất nơi thế giới này được.
Về tinh thần:
Loài người ai cũng ham mê Thần quyền, thích Thần linh, nên dính vào 2 phần này.
Vì vậy, họ bị 2 loại người sau đây dụ dỗ:
– Loại người thứ nhất: Họ bịa ra và nói: Tôi là đại diện cho Ông, Bà nào đó, nếu ai thích giàu sang, hãy đưa tiền cho tôi, tôi cầu xin giùm cho.
– Ai muốn về nhà Ông, Bà ấy ở, cũng đưa tiền cho tôi, tôi cầu xin cho.
Vì loài người có lòng tham mà lại sợ, nên đi cầu người này, xin người kia. Những người họ đi cầu xin đó, họ không biết giác ngộ là sao, thì làm gì họ biết đường giải thoát mà dạy lại cho người khác.
– Câu hai: Người tu mà mỗi ngày lạy Phật hằng trăm lạy, hoặc mỗi bước đi lạy một lạy. Những người này họ bắt chước theo truyện Tàu: “Tiết Đinh Sang, cầu Phàn Lê Huê”. Ý của người này, muốn đem những cái lạy như vậy, để cầu Phật, mong Phật động lòng rước họ về nước Cực Lạc ở. Còn được hay không, sẽ tính sao. Họ làm vậy, có người cúng tiền và khen ngợi là được rồi.
– Câu thứ ba: Câu thứ 3 này gần như trùng với câu thứ nhất, nhưng để cụ được rõ thông thêm: Chúng tôi xin lập lại: Sở dĩ con người không chịu tìm hiểu sự thật để sống, cũng vì lòng của họ quá tham lam mà sợ sệt.
Cụ Nùng Phát Nhã nghe Trưởng ban giải thích, liền nói với Trưởng ban:
– Tôi là người dân tộc thiểu số, phước báu của chúng tôi ở thế giới này không nhiều, nhưng khi đọc được sách do Trưởng ban giải thích, tôi đã nhận ra được ý sâu mầu của Đức Phật dạy.
Đức Phật dạy:
Người sống ở biên địa, hải đảo, rừng núi, v.v… là những người ít phước hơn những người ở thành thị, nhưng nay tôi nhận được ý sâu mầu hiếm có này, tôi thấy mình có phước lớn lao quá. Hôm nay tôi về đây. Trước, viếng chùa đặc biệt này. Sau, chân thành cám ơn Trưởng ban đã nói ra những ý sâu xa mà Đức Phật đã dạy nơi cõi Ta bà này.
Cụ Nùng Phát Nhã miệng nói hơi run, còn nước mắt lại chảy ra nhiều. Xin hỏi Trưởng ban 1 câu nữa:
– Hiện nay có nhiều người cầu cơ bói quẻ có nói đúng sự thật không?
Trưởng ban trả lời:
– Việc này có chứ chẳng phải không.
1- Cầu cơ và xem bói trong phạm vi nhỏ hẹp là do các Cô hồn cảm ứng.
2- Nói huyền cơ thời tương lai dài là do A Tu La cảm ứng.
Nhưng cụ nên hiều: Nếu người nào sống với nghề này thì tuổi thọ không dài, khi hết duyên sống.
– Nếu cầu cơ xem bói thì trực chỉ sống với với các loài Cô hồn.
– Nếu nói huyền cơ thì trực chỉ sống với các loài A Tu La.
Trưởng ban nói tiếp:
Chúng tôi nhận thấy, vị nào đọc sách viết về Thiền tông học mà được dẫn giải đến chỗ cao tột, khi nhận ra được ý sâu mầu của Đức Phật dạy, người nào cũng khóc cả. Theo lời Đức Phật dạy: cái khóc này là do sự cảm ngộ sâu xa lời dạy của Đức Phật mà ra.
Cụ Nùng Phát Nhã hết sức vui mừng và cám ơn.
Trích quyển: “Khai thị Thiền tông” – soạn giả Nguyễn Nhân.