Kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang, sanh năm 1958, tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cư ngụ tại thành phố Melbourne, Australia, hỏi Trưởng Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu:
– Chúng tôi hiện nay thấy các đám tang, quí thầy tụng cầu như sau:
1- Cầu cho “Hương Linh”…
2- Cầu cho “Giác Linh”…
3- Cầu cho “Linh Hồn”…
V.v…
Cầu như vậy danh từ nào đúng, xin Trưởng ban cho biết, cám ơn?
Trưởng ban trả lời:
1- Vị thầy nào cầu cho “Hương Linh”, là vị thầy đó muốn cho người chết, được sống với cõi vô hình mãi mãi, để người chết đó, ăn đồ cúng thí, của người khác.
2- Vị thầy nào cầu cho “Giác Linh”, là vị thầy đó cầu cho người chết, sanh làm cây sống lâu năm.
3- Vị thầy nào cầu cho “Linh Hồn”, là vị thầy đó cầu cho người chết, sống với cõi vô hình, để làm 3 việc:
Việc 1: Nếu người đó có nghiệp phước đức ít, thì được làm “Ông hay Bà Thầy bói”.
Việc 2: Nếu người đó có nghiệp phước đức vừa, thì được làm “Nhà Tiên tri”.
Việc 3: Nếu người đó có nghiệp phước đức lớn, thì được là “Nhà Đại Tiên tri”.
Kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang lại hỏi thêm:
– Như vậy, người chết phải cầu sao cho đúng?
Trưởng ban trả lời:
– Theo lời Đức Phật dạy: Người tu theo đạo Phật chân chính, không cầu bất cứ thứ gì, mà phải hiểu căn bản như sau:
– Nghiệp lành hay dữ của ai thì người đó thọ nhận, không ai xen vào nghiệp riêng tư của người khác được, kể cả Đức Phật.
Vì sao vậy?
– Vì nhân quả nơi thế giới này, là do sự ham muốn của chính mình tự tạo ra, như:
1/- Muốn làm con của Thượng Đế:
Thì phải làm 3 việc:
A- Phải làm phước thiện thật nhiều, để tạo ra “Nghiệp Phước đức”.
B- Ngày nào cũng cầu xin và lạy lục Thượng Đế, để tạo “Nghiệp vãng sanh”.
C- Các Vị đại diện Thượng Đế bảo gì cũng phải làm, để tạo “Lực hút” đến cõi Trời Thượng Đế.
2/- Muốn làm con Đức Phật A Di Đà:
Thì phải làm 3 việc:
A- Phải làm phước thiện thật nhiều, để tạo “Nghiệp Phước đức”.
B- Ngày nào cũng cầu xin và lạy lục Đức Phật A Di Đà, để tạo “Nghiệp vãng sanh”.
C- Các Vị đại diện Đức Phật A Di Đà bảo gì cũng phải làm, để tạo “Lực hút” đến nước Tịnh Độ.
Nói tóm lại, loài người ham muốn gì, thì phải tạo nghiệp đó.
Kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang được rõ thông câu hỏi của mình, ông hết sức vui mừng và cám ơn, nhưng lại hỏi thêm 2 câu nữa:
1- Niết bàn là thanh tịnh, cớ sao không cho tu để nhận thanh tịnh của chính mình?
2- Đức Phật dạy: Ai ai cũng có “Thất bảo”, tôi có hỏi nhiều nơi, nhiều vị trả lời tôi thấy không thuận lý, vậy xin Trưởng ban giải thích cho tôi Thất bảo là gì, xin cám ơn?
Trưởng ban trả lời:
Câu 1: Câu này chúng tôi phải đưa ra ví dụ ông mới hiểu được:
– Niết bàn là thanh tịnh tự nhiên. Chúng tôi đưa ra hình tướng để ví dụ cho ông biết:
Như trong ly nước trong ví dụ là Niết Bàn.
– Trong ly nước trong này, nó bị đục, là do trong đó có cặn là đất.
Như ông có 2 chiếc đủa:
– Một chiếc làm bằng vàng.
– Một chiếc làm bằng cây sơn đen.
Ông dùng chiếc đũa sơn màu đen quậy cho ly nước đục, thì nó càng đục là phải.
Còn ông sử dụng chiếc đũa làm bằng vàng quậy vào ly nước đục này, nó có trong được không?
Trưởng ban vừa nói đến đây, Kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang tự nhiên nói:
– Trưởng ban ví dụ như thế tôi đã hiểu rồi, người tu Thanh tịnh thiền không dụng công tu là đúng, nhờ Trưởng ban ví dụ thực tế mà tôi đã hiểu pháp môn Thiền tông học này.
Kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang nói thêm:
– Người tu theo pháp môn này chỉ cần để tâm vật lý của mình tự nhiên thanh tịnh như vậy thôi, tự nhiên Phật tánh sẽ hiển lộ ra.
Câu 2: Người tu theo Thiền tông phải hiểu căn bản như sau thì mới biết “Thất bảo” được:
Bảo thứ nhất: Đất là nói tất cả chất cứng trong người.
Bảo thứ hai: Nước, nói tất cả chất lỏng và ướt trong người.
Bảo thứ ba: Không khí, là hơi thở.
Bảo thứ tư: Hơi ấm trong người
Bảo thứ năm: Tánh của con người.
Bảo thứ sáu: Điện từ Quang bao bọc Phật Tánh của mỗi người.
Bảo thứ bảy: Điện từ Âm Dương trong mỗi cá nhân.
Mỗi bảo có công dụng như sau:
– Bảo từ 1 đến 4 ai ai cũng biết, nhưng bảo 5, 6, 7, khó có ai biết được. Chúng tôi xin giải thích 3 bảo sau, mỗi thứ có công dụng như sau:
– Bảo thứ 5: Tánh của con người nó tự nhiên có 16 thứ: Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy, Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác, Kiến.
– Bảo thứ 6: Điện từ Quang, bao bọc vỏ bọc Tánh Phật, làm sự sống.
– Bảo thứ 7: Điện từ Âm Dương, điện từ này nó có các bổn phận chính như sau:
1- Điện từ Âm, hút cứng vật chất lại, tức hút tứ đại dính với nhau.
2- Điện từ Dương, nó có bổn phận đẩy các thứ chung quanh không cho va chạm với nhau.
Chúng ta nhìn thấy rõ việc làm của Điện từ Âm Dương này nơi các hành tinh như sau:
– Điện từ Âm:
– Hút tứ đại của các hành tinh dính cứng với nhau.
– Điện từ Dương:
– Đẩy các hành tinh chung quanh không cho va chạm với nhau.
Nhờ lực hút và lực đẩy này nên các hành tinh mới xoay tròn và luân chuyển được, tạo thành thời tiết và thời gian.
Nghe Trưởng ban giải nghĩa, kiến trúc sư Lê Văn Quốc Trang hết sức vui mừng và cám ơn.
Trích quyển “Những câu hỏi về Thiền tông quyển 1” – tác giả Nguyễn Nhân