Tin nổi bật

Ôi! Tám muôn bốn ngàn pháp môn. Thưa thầy, chúng tôi giờ đã hiểu!

Chúng tôi là những vị trong đoàn viếng chùa Thiền tông Tân Diệu nhân mùa xuân 2015, xin hỏi vị đại diện chùa một thắc mắc như sau:

– Theo như chúng tôi hiểu, người có Công Đức thật nhiều rồi thì khi bỏ xác thân tứ đại này thì mặc sức vượt qua cửa “Hải triều Dương” để trở về sống trong “Bể Tánh thanh tịnh Phật Tánh”. Còn những người có ít Công Đức hơn phải nhờ đến sự trợ giúp của Chư Phật. Như vậy, sao chúng tôi thấy việc này cũng giống như đường lối tu của pháp môn Tịnh Độ. Đó là nhờ tha lực của Đức Phật A Di Đà rước về cõi “Cực Lạc” của Ngài sinh sống và đã “Giải thoát”. Quý thầy có thể lý giải cho chúng tôi điều này không?

Vị đại diện chùa khẽ cười và giải thích cho chúng tôi:

– Thắc mắc của quý vị rất phải. Nhưng trước khi giải đáp cho quý vị câu hỏi tưởng chừng như không đơn giản này, chúng tôi xin tạm “đính chính” về hai chữ: “Cực Lạc” và “Giải thoát” ở đây. Chắc có lẽ quý vị hơi nhầm lẫn đôi chút về 2 chữ này:

– Về chữ “Cực Lạc”, có nghĩa là “Rất Vui”. Ngày xưa, Đức Phật không dùng chữ “Cực Lạc” này mà dùng “Tịnh Độ” vì:

* Tịnh: có nghĩa là thanh tịnh

* Độ: có nghĩa là đưa qua

* Tạm dịch có nghĩa là “đưa qua chỗ thanh tịnh”.

– Vì chúng ta đang sống trong thế giới vật lý biến chuyển không ngừng nghỉ, nên đầu óc, thân tâm của chúng ta cũng biến chuyển, suy nghĩ không ngừng, nên Đức Phật mới dùng phương tiện đưa giúp chúng ta đến nơi thanh tịnh để tu tập. Sau này, vì thấy con người mê đắm trong thế giới vật chất quá nên thọ khổ đủ điều, nên các nhà dịch giả hay các thầy, bỏ đi nguyên gốc chữ “Tịnh Độ” của Đức Phật sử dụng ngày xưa, thay vào đó là chữ “Cực Lạc”. Ý của các vị thầy ấy dựa theo Kinh A Di Đà, là muốn giới thiệu những người mê đắm vật chất rồi thọ khổ này, một cõi “Rất Vui”. Cõi ấy có đầy đủ bảy báu : vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Có rất nhiều ao báu, trong ao mọc đầy sen quý, mùi vị thơm tho, sắc màu rực rỡ. Lại có các loại chim quý ca hót, muốn ăn gì thì liền hiện ra thứ ấy, mỗi ngày không cần đi làm việc gì khác, ngoài việc cúng các Tầng Phật xưa, v.v…, để các người ấy “ưa thích” cõi ấy, mà bỏ đi những mê đắm của thế giới vật chất, bằng cách nhất tâm niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà vậy.

Chúng tôi xin ngắt ngang lời của vị đại diện chùa và nói :

– Như vậy, theo chúng tôi đã nghiên cứu Kinh A Di Đà thì quả thật, thấy có đề cập đến những thứ quý báu như quý thầy vừa nói. Theo như chúng tôi nghĩ, tâm tánh con người thật khó giữ yên được. Lúc này lúc khác, lúc khổ lúc vui. Người ở cõi Ta Bà này khổ, mong muốn đến cõi “Cực Lạc” để hưởng vui thoát khổ và Giải thoát. Người ở cõi Ta Bà này nghèo khổ, họ ngày đêm mong muốn được giàu sang, có thật nhiều vàng bạc, châu báu. Nhưng khi họ đã đến được cõi “Cực Lạc” rồi, châu báu đầy rẫy, ngày nào cũng vui như Kinh miêu tả như vậy, muốn gì có đó. Như vậy còn gì để phấn đấu nữa ? Rồi vậy là đã Giải thoát chưa ? Rồi trong Kinh đề cập là tuổi thọ của chúng sanh ở cõi này là Vô lượng Thọ, sống hoài không chết ! Nhiều người ngày nay không tin vào cõi “Cực Lạc” của Đức Phật A Di Đà, như vậy thầy lý giải như thế nào ?

Quả thật vì những thắc mắc này chúng tôi đã ấp ủ từ lâu mà chưa có ai trả lời thỏa đáng cả. Nên nhân dịp gặp được vị “thiện tri thức” này, chúng tôi đem hỏi một loạt các câu hỏi dành cho vị ấy tuy trong lòng có chút ngại ngùng. Chúng tôi tiếp tục quan sát thái độ của vị đại diện chùa. Không lấy làm khó chịu, trái lại vị ấy bật cười và nói :

– Sáng giờ, chúng tôi thầm quan sát thấy quí vị quả thật là những nhà khoa học, muốn tìm hiểu cốt lõi và tinh hoa của đạo Phật, cho nên quý vị mới đặt ra được những câu hỏi mang tính khoa học và thực tế như thế, thật là đáng quý và trân trọng vậy. Như đã hứa, chúng tôi sẽ giải đáp từng thắc mắc, cho nên quý vị hãy yên tâm vậy.

Thoáng nhấp một hớp nước, vị đại diện chùa từ tốn hỏi lại:

– Bây giờ, quý vị muốn chúng tôi trả lời câu hỏi nào trước ?

– Xin thầy lý giải câu hỏi về việc có hay không cõi “Cực Lạc” của Đức Phật A Di Đà, rất nhiều người, hiện nay không tin những lời trong Kinh A Di Đà mà Đức Phật Thích Ca đã thuyết. Chúng tôi rất muốn biết được câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc này, mong thầy giải đáp.

Vị đại diện chùa khẽ hỏi tiếp chúng tôi :

– Thế quí vị có tin vào lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói không ?

– Chúng tôi tin chứ ! Chính vì chúng tôi thán phục tư cách, đạo đức và trí tuệ siêu việt của Đức Phật Thích Ca – bậc toàn Giác mà cả thế giới phải tôn kính, nên Ngài mới được gọi là Thế Tôn. Nhưng chúng tôi đã đi tìm cái tinh hoa và khoa học của Đạo Giải thoát đã nhiều năm nay, mà chưa thấy nơi nào giải thích cho chúng tôi thỏa mãn, rốt ráo cả. Chúng tôi thấy, quý thầy lý giải sáng giờ rất hợp lý và khoa học. Liệu lần này có khác không ?

Vị đại diện chùa đáp :

– Nếu quý vị đã tin Đức Phật Thích Ca thì phải tin những lời trong Kinh mà Đức Phật đã dạy chứ. Đức Phật Thích Ca là một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, những lời Ngài nói hoàn toàn là những điều chân thật, không giả dối. Nhưng trong chúng ta có người tin, có người lại hoàn toàn không tin những lời trong Kinh A Di Đà nói, như vậy quý vị có biết vì sao không ?

Chúng tôi cũng liền đáp :

– Như vậy, không lẽ chúng ta hiểu sai rồi làm sai hay lời dạy của Đức Phật sao ? Bởi vì theo chúng tôi nghĩ, trí tuệ, sự hiểu biết, cộng thêm trí tưởng tượng của mỗi người, không ai giống ai, nên mới có sự sai biệt này. Người ta thường nói “Tam sao Thất Bản” là vậy. Như thế có đúng không ?

– Nếu quý vị đã biết rõ như thế thì việc giải thích của chúng tôi sẽ giúp quý vị dễ dàng hiểu hơn. Trước hết, quý vị nên biết là từ thời của Đức Phật không có giấy viết và điều kiện như bây giờ. Những lời dạy của Đức Phật sau mỗi buổi thuyết pháp, được Ngài A Nan nhớ và đọc lại. Đức Phật nghe lại xem lại lời thuật đó có đúng hay không ? Nếu sai thì Đức Phật chỉnh lại. Nếu đúng rồi, Ngài A Nan sẽ cùng mọi người đọc tụng để nhắc nhớ lời dạy của Thế Tôn. Cho nên thời đó, những lời dạy của Đức Phật chủ yếu là được truyền miệng. Nhưng chính việc truyền miệng này mới gây ra hiện tượng “Tam sao Thất bản” – nghĩa là qua 3 lần sao chép đã tạo ra đến 7 phiên bản khác bản gốc rồi. Như quý vị thấy, từ thời Đức Phật đến nay đã hơn 2550 năm, lời dạy ấy đã qua không biết bao nhiêu thế hệ các vị thầy, dịch giả, không biết bao nhiêu ngôn ngữ, không biết bao nhiêu quốc gia, v.v… nên khó lòng mà giữ được ý nghĩa trọn vẹn của Kinh Phật. Nhưng, ngày nay chúng ta không dựa vào Kinh Phật để lại thì lấy cái gì để tu tập bây giờ ? Không khéo chúng ta lại hiểu lầm, rơi vào tội phỉ báng Kinh sách dạy Giải thoát của Đức Phật nữa.

– Bởi vậy, Đức Phật đã căn dặn chúng ta không biết bao nhiêu lần câu nói này : “Các ông hãy suy xét kỹ lời dạy của Ta rồi hãy tin theo. Khi tin rồi thì phải làm cho thật đúng. Nếu tin mà làm sai lời dạy của Ta, thì chính là phỉ báng ta vậy”. Cho nên, chúng ta đang sống trong thời đại văn minh của thế kỷ 21 này, chúng ta phải nên nghe kỹ lời dạy của Đức Phật, rồi nghiền ngẫm cho thật kỹ, tìm và hỏi cho thật rõ thông và kiểm chứng đàng hoàng, chớ mê tín dị đoan. Đặc biệt, trong 16 Thứ Tánh Người có cái Tưởng là ghê gớm và đáng sợ nhất. Chính cái Tưởng này tạo ra 8 muôn 4 ngàn (tức 84.000) thứ ảo giác trần lao. Mà trong Kinh, Đức Phật gọi là 8 muôn 4 ngàn thứ bệnh. Từ đó, Đức Phật mới dạy tổng cộng 6 pháp môn chính để “đối trị” với 8 muôn 4 ngàn thứ bệnh đó. Chúng ta càng sử dụng cái Tưởng nhiều, ví như chúng ta đang quậy bọt xà phòng vậy, càng quậy nhiều sẽ tạo càng nhiều bọt bong bóng. Chúng tôi thấy lối tu một số nơi hiện nay, giống như một tay chúng ta dẹp bỏ bong bóng xà phòng, còn tay bên kia lại càng quậy xà phòng lên. Như vậy thử hỏi làm sao hết được. Hiện nay, chúng tôi thấy một số “dịch giả” có tiếng, đã dịch Kinh lại là : Đức Phật đã dạy 8 muôn 4 ngàn pháp môn, trong suốt 49 năm giáo hóa của Ngài. Chúng tôi cũng thật không biết nói sao. Quý vị thử nghĩ coi, chỉ một pháp môn thôi, mà Đức Phật dạy chúng ta bao nhiêu năm trời, chúng ta còn chưa thực hiện đúng được như hoài bão của Ngài nữa là.

Đến đây vị đại diện chùa định nói tiếp, chúng tôi xin mạn phép ngắt lời của ông :

– Xin quý thầy có thể dừng lại đôi chút, chúng tôi sẽ làm một phép tính nhỏ ở đây, có được không ?

– “Được thôi, quý vị cứ tự nhiên”. Vị đại diện chùa đáp.

– “Như vậy, Đức Phật đã giáo hóa 49 năm. Một năm có 365 ngày. Như vậy, giả sử Đức Phật dạy không ngừng nghỉ ngày nào, thì tổng cộng Ngài đã thuyết pháp 17.885 ngày. Với 84.000 pháp môn tu như vậy, trung bình Ngài phải dạy đến gần 5 pháp môn khác nhau trong một ngày, trong suốt 49 năm trời không ngơi nghỉ. Như vậy thật phi lý ! ”. Chúng tôi quả quyết.

Vị đại diện chùa bật cười và nói với chúng tôi :

– Chúng tôi chỉ dẫn chứng như vậy thôi, còn việc tính toán là của quý vị, chúng tôi cũng không có ý kiến ở đây! Xin trở lại vấn đề, như vậy chính cái Tưởng này là nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người vậy. Chúng tôi xin đưa 2 lời dạy của Đức Phật trong Kinh A Di Đà và trong Kinh Kim Cang, quý vị giúp chúng tôi nhận định như thế nào ? Quý vị có nhớ 4 câu kệ trong Kinh Kim Cang không ?

– “Thưa biết”. Chúng tôi trả lời, đó là :

  1. Tất cả pháp hữu vi
  2. Như mộng, huyễn, bọt, bóng
  3. Như sương, như chớp lóe
  4. Hãy quán chiếu như thế.

– Có phải 4 câu này không, thưa quý thầy ?

Vị đại diện chùa đáp :

– Bốn câu này, đúng là 4 câu kết trong Kinh Kim Cang. Nhưng chúng tôi muốn đề cập đến 4 câu quan trọng khác, mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Kim Cang, đó là :

  1. Nhược dĩ sắc kiến Ngã
  2. Dĩ âm thanh cầu Ngã
  3. Thị nhân hành tà đạo
  4. Bất nan kiến Như Lai !

Tạm dịch :

  1. Nếu thấy Sắc tướng mà cho là mình thấy Chân Ngã
  2. Nếu nghe Âm thanh mà cho là nghe được Chân Ngã
  3. Là người đó hành không đúng chánh đạo
  4. Khó lòng mà Thấy được Như Lai !

– Có nghĩa là theo Kinh Kim Cang, nếu tu hành mà thấy bất cứ một hình bóng, hay nghe một âm thanh nào đó mà cho là thật, dính mắc vào đó, thì người đó tu hành không đúng, không thấy biết được Tánh Như Lai của chính mình.

– Còn trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca lại dạy :

– Khi lâm chung, người sắp mất, nếu nhất tâm bất loạn, niệm liên tục hồng danh Đức Phật A Di Đà từ 1 đến 10 niệm, khi đó sẽ thấy được hình ảnh Đức Phật A Di Đà và các vị thánh chúng sẽ đến rước.

– Như vậy, cũng là lời dạy của Đức Phật Thích Ca thế nhưng trong 2 Kinh lại mâu thuẫn nhau. Vậy quý vị tin theo Kinh nào ?

Nghe đến đây bỗng dưng chúng tôi như chết lặng ! Chúng tôi nhìn nhau, thật không biết đường đâu mà trả lời câu hỏi mà vị đại diện chùa đặt ra. Đợi chúng tôi giây lát mà không thấy trả lời, vị đại diện chùa an ủi :

– Thú thật ! Không phải chỉ mình quý vị khó trả lời câu hỏi này đâu, mà cũng có rất nhiều người tu hiện nay cũng thắc mắc như vậy, giữa một rừng Kinh sách bạt ngàn, khiến họ không biết được đường nào mà lần. Quý vị làm việc trong lĩnh vực khoa học, mong muốn nghiên cứu cái tinh hoa của Đạo Phật, mà nếu chúng tôi không có câu trả lời thích đáng, xem ra cũng thật khó nhận được sự đồng tình vậy.

– Trước khi trả lời cho câu hỏi này, quý vị phải nên biết rằng mỗi bài thuyết Pháp của Đức Phật đều có nguyên do cả, hoặc là có người thỉnh cầu nghe pháp, hoặc là Đức Phật tự ra đề tài, dựa trên đối tượng Đức Phật thuyết pháp là ai, căn cơ trình độ họ như thế nào, v.v…

– Đức Phật Thích Ca thuyết Kinh A Di Đà, là dành cho những người còn ham mê vật chất ở thế giới này. Khi không được thỏa mãn, thì họ sẽ đâm ra khổ. Chính vì khổ như vậy, họ mới đến cầu xin Thế Tôn dạy cho họ cách thoát khổ. Hoặc dành cho những người lớn tuổi, không có khả năng thẩm thấu, nghiên cứu Kinh sách, họ bệnh nằm trên giường, hoang mang chưa biết khi chết sẽ đi về đâu, v.v… Đức Thế Tôn khi đó, khéo bày phương tiện, giới thiệu về Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa ở phương Tây, cách chúng ta nhiều muôn ức cõi. Ngài giới thiệu về cảnh giới rất trang nghiêm và tuyệt đẹp của Đức Phật A Di Đà như chúng tôi đã đề cập. Để cho những người nghèo khó, khốn khổ ở cõi Ta Bà này mong muốn được về đó ở, bằng cách niệm liên tục danh hiệu Đức Phật A Di Đà cho đến vô niệm.

– Những người này đâu biết rằng, khi đã niệm đến vô niệm rồi, tức không còn một niệm nữa, đồng nghĩa là người này đã thực sự thanh tịnh rồi. Khi thanh tịnh mà hằng tri nữa, nếu lúc này người niệm dừng lại thì tự nhiên được “rơi vào bể Tánh thanh tịnh Phật Tánh”. Đồng nghĩa, là sẽ biết rõ thế nào là “Tịnh Độ trung” như Đức Phật Thích Ca đã đề cập ẩn ý trong Kinh Di Đà bằng câu “Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung”. Ngược lại lúc này, người niệm không chịu dừng lại, mà lại khởi niệm tiếp cầu mong gặp Đức Phật A Di Đà. Như vậy, theo quy luật vật lý ở thế giới này, khi chúng ta cầu mong điều gì liên tục là sẽ có hình bóng vật lý ảo của thứ ấy đến với mình. Như vậy, theo nguyện lực của Ngài thì Đức A Di Đà và các vị thánh chúng sẽ đến rước về nước Tịnh Độ ở. Tùy theo, sự thành tâm và công phu niệm Phật của người niệm, sẽ được tái sinh vào 1 trong 9 phẩm hoa sen (cửu phẩm liên hoa). Sau một thời gian dài trải qua cho đến hàng triệu năm, hoa sen nở ra, sẽ gặp được Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát, giảng dạy chúng ta tiếp phương cách để Giải thoát.

– Còn Đức Phật Thích Ca thuyết Kinh Kim Cang là dành cho những bậc thượng thủ, ý Kinh muốn chỉ đến chỗ sâu mầu, tột cùng của đạo Phật. Mà chỗ sâu mầu ấy, không phải cấu tạo bằng những thứ vật lý hoặc trí tuệ thế gian có thể cân đong đo đếm được, nên Ngài mới dạy là nếu chấp dính vào hình sắc và âm thanh nghe được, tức là đã lạc vào tà đạo rồi vậy. Bởi vì phàm cái gì có hình tướng đều là giả dối và phải đi theo chiều Thành – Trụ – Hoại – Diệt.

– Như vậy, Đức Phật A Di Đà là một vị Phật có thật, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta. Ngài đang giáo hóa ở Tây Phương, cách chúng ta rất lâu xa. Ngày nay, phi thuyền của chúng ta chưa thể đến được đó. Nhưng Đức Phật Thích Ca cũng đã dạy rõ trong Huyền Ký của Ngài cách đây hơn 2550 năm rằng, trong một Tam giới (hay hệ mặt trời) của chúng ta hiện nay, có tất cả đến 45 hành tinh có sự sống (trong đó mặt trời ở trung tâm) và vô số hành tinh vật tư. Trong đó có đến 6 hành tinh giống như hành tinh của Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa (Đức Phật Thích Ca gọi là Lục Quốc Tịnh Độ), chứ không phải chỉ có mỗi hành tinh Tịnh Độ của  Đức Phật A Di Đà, đó là:

1. Hướng Đông của Đức A-Sơ-Bệ Phật

2. Hướng Tây của Đức A-Di-Đà Phật

3. Hướng Nam của Đức Nguyệt Đăng Phật

4. Hướng Bắc của Đức Diệm Kiêm Phật

5. Hướng trên của Đức Phạm Âm Phật

6. Hướng dưới của Đức Sư Tử Phật

Mà trong càn khôn vũ trụ này, có hằng hà sa số Tam giới như vậy. Mỗi hành tinh đều có một vị Phật có danh hiệu riêng, đang giáo hóa ở đó. Tuổi thọ của chúng sanh ở những nơi đó như thế nào, hay việc sinh sống ở những cõi đó ra sao, trong quyển số 9 – Sách trắng Thiền tông, của tác giả Nguyễn Nhân đã đề cập rất rõ, quý vị có thể xem lại.

– Ngoài ra, chúng tôi cũng xin lưu ý với quý vị rằng, chúng sanh ở cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà chỉ có tuổi thọ hữu hạn mà thôi. Có chăng chỉ là họ sống lâu hơn chúng ta gấp nhiều lần. Nhưng rồi cũng phải hết tuổi thọ. Tại sao vậy ?

– Vì như đã đề cập, ở thế giới Tịnh Độ được gọi là thế giới hữu sắc, còn nằm trong Tam giới (Dục giới, Hữu sắc giới, Vô sắc giới). Cõi ấy cấu tạo bằng sắc chất như chim muông, cây cối, hoa sen, bảy báu, v.v… Chúng sinh ở cõi này vẫn phải ăn để sống. Như vậy, tất cả đều có hình tướng. Tuy không phải cấu tạo bằng thân tứ đại như chúng ta, mà chúng sinh ở cõi ấy được cấu tạo bằng điện từ Âm Dương gồm 12 màu sắc rất rực rỡ. Ngày nay, ở trái đất chúng ta, khoa học kỹ thuật phát triển, loài người đã chế tạo thành công tia Lazer. Họ có thể chiếu thành bất cứ hình hài gì họ muốn như con người, chim muông, cây cối, bông hoa, nhà cửa, cảnh vật, thậm chí là các vị Phật, Bồ tát, v.v… Như vậy, chúng sinh ở cõi Tịnh Độ cũng cấu tạo giống như thế. Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy :

– “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tức, “cái gì có hình tướng đều là không thật cả”, đều phải tuân theo định luật bất biến của vũ trụ : Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Do đó, các chúng sanh ở cõi Tịnh Độ khi hết tuổi thọ đều phải tái sanh tùy theo nghiệp báo của mình. Tuổi thọ trung bình của chúng sanh cõi này khoảng 10.000 năm. Như vậy, ở cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, không thể Giải thoát được vì vẫn còn nằm trong sinh tử luân hồi. Cõi đó chỉ là trang nghiêm thanh tịnh hơn cõi Ta Bà chúng ta mà thôi. Khi đến đó, Đức A Di Đà mới chỉ dạy phương cách để Giải thoát. Như thế, quý vị có biết trên đó Đức Phật A Di Đà, dạy pháp môn gì để Giải thoát không ?

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Tự hỏi, không biết có ai đặt ra câu hỏi này trước giờ chưa. Chúng tôi hầu như không thấy trong Kinh A Di Đà đề cập đến “pháp môn Giải thoát ở cõi Tịnh Độ”. Chỉ thấy trong Kinh đề cập là Đức Phật A Di Đà sẽ dạy tu tập tiếp mà thôi. Vị đại diện chùa nói tiếp :

– Thật sự không phải chúng tôi tự đặt ra đâu, mà trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca cũng đã nói đến “pháp môn Giải thoát ở cõi Tịnh Độ”, mà Đức Phật A Di Đà đã và đang dạy. Nhưng vì Đức Thích Ca dạy trong ẩn ý, nên chúng ta không hiểu được lời dạy của Ngài, đành bỏ qua, mà hàng ngày chúng ta đọc thuộc làu làu nhưng lại không hiểu gì.

– Như vậy, “pháp môn Giải thoát ở cõi Tịnh Độ”, mà Đức Phật A Di Đà đã và đang dạy như thế nào ? Là pháp gì ? Có giống với các pháp môn mà Đức Phật Thích Ca đã dạy chúng ta không ? Chúng tôi rất muốn biết, xin quý thầy hãy vì chúng tôi mà giảng giải.

Vị đại diện chùa nhẹ nhàng nói tiếp :

– Thật sự trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca có dạy chúng ta cách thức Giải thoát chứ không phải không có, nhưng vì Ngài dạy trong ẩn ý nên chúng ta khó lòng hiểu được. Nhưng xét ra, Ngài dạy chúng ta đến 2 cách để Giải thoát lận, chứ không phải một cách đâu, chúng ta cùng phân tích:

Cách thứ nhất : Thế quý vị có nghe đến câu : “Hoa khai Kiến Phật Ngộ Vô sanh” chưa?

– Thưa, chúng tôi chẳng những đã nghe qua, mà còn thuộc làu làu nữa.

Chúng tôi liên tù tì đọc cho vị đại diện chùa nghe :

– Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung

– Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

– Hoa khai Kiến Phật ngộ vô sanh

– Bất thối Bồ tát, vi bạn lữ …

Vị đại diện chùa đáp :

– Việc đọc thuộc Kinh là rất quý. Như thế, quý vị có hiểu câu “Hoa khai Kiến Phật Ngộ Vô sanh” muốn nói cái gì không?

Chúng tôi trả lời :

– Thì chúng tôi hiểu là : Khi đã được rước về cõi “Cực Lạc” của Đức Phật A Di Đà rồi, chúng tôi được sanh ra từ hoa sen. Khi hoa sen nở ra, chúng tôi gặp được Phật A Di Đà và các vị Đại Bồ tát. Khi đó, chúng tôi đã hiểu ra rằng chúng tôi đã không còn sinh tử luân hồi nữa. Như vậy có đúng với ý của quý thầy không ?

Vị đại diện chùa đáp :

– Chúng tôi nương nhờ vào Gói Kệ Huyền Ký của Thế Tôn và những người đã nhận ra Phật Tánh của chính mình, xin tạm dịch câu này như sau : “Cành hoa khai mở (hoa khai), Thấy được Phật Tánh của chính mình (kiến Phật), nhận ra được chỗ Không sanh diệt (ngộ vô sanh)”, nghĩa là :

– Khi hoa sen vừa nở ra, chúng ta gặp được Đức Phật A Di Đà. Ngài sẽ dạy chúng ta bằng cách kiểm thiền, giống như Đức Phật Thích Ca kiểm thiền trong hội chúng, trên mặt bằng tại núi Linh Sơn khi xưa. Đức Phật A Di Đà cũng nhặt một cành sen trong ao sen báu, đưa lên rồi quan sát đại chúng. Nếu ai tinh ý nhận ra được Tánh Thấy chân thật của mình qua cành hoa sen, giống như Ngài Ca Diếp khi xưa. Tức là lúc đó mình đã sống với Tánh Vô sanh (Tánh không sinh diệt) của mình rồi, thì Đức Phật A Di Đà sẽ thọ ký cho người đó, khi hết tuổi thọ ở cõi Tịnh Độ này, sẽ tái sanh trở lại vào cõi Ta Bà làm kiếp người, gặp được pháp môn Giải thoát đang truyền dạy ở đây. Vì sao vậy ?

– Vì chỉ có ở cõi người mới có thể tu tập Giải thoát được, như chúng tôi đã đề cập rất nhiều ở trên.

– Như vậy, “pháp môn Giải thoát ở cõi Tịnh Độ” mà Đức A Di Đà đã dạy có khác gì với pháp môn Thiền tông mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy đâu, có chăng là còn đi đường vòng nữa.

Cách thứ hai : Nói về niệm Phật, Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta có tất cả 3 loại niệm, gồm 8 cách niệm. Chúng tôi xin trích phần này trong sách của tác giả Nguyễn Nhân như sau:

  1. Loại 1 là khẩu niệm (tức niệm ra tiếng), có 3 cách niệm:

   Cách 1: Nhất niệm vạn niên (một niệm muôn năm).

   Cách 2: Vô trụ niệm (không cho tiếng Phật A Di Đà, dính với nhau).

   Cách 3: Chuyển luân niệm (cho tiếng niệm chạy vòng vòng)

  1. Loại 2 là Ý thức niệm (niệm thầm bằng thức biết của tâm vật lý, không cho ra tiếng), có 3 cách niệm:

   Cách 1: Tùy niệm (duyên theo tiếng niệm).

   Cách 2: Trường niệm (tiếng niệm kéo thật dài).

   Cách 3: Đoạn niệm (niệm từng tiếng một, tiếng nào ra tiếng nấy, hay niệm cách khoảng).

  1. Loại 3 là tâm niệm (niệm bằng tâm), có 2 cách niệm:

   Cách 1: Vọng tâm niệm, cho tâm vọng tưởng niệm, để mong thấy các hình ảnh bên ngoài, đặc biệt mong thấy Đức Phật A Di Đà hoặc các vị Bồ tát.

  Cách 2: Chân tâm niệm; cái chân tâm này chúng ta phải hiểu như sau:

    1- Khi còn ở trong Phật Tánh, được gọi là “Ý trong Tánh Phật”, gọi tắt là “Phật Tánh”.

   2- Khi Phật Tánh vào trong Tam Giới, nó bị cuốn hút của nhân quả trong vật lý Âm Dương. Vào loài người, nó bị bao phủ bởi Tánh của loài người.

  Trong tứ đại của một con người có 2 thứ như sau:

     1- Thân xác của tứ đại gọi là “Sắc thân”.

     2- Trong Sắc thân ấy có cái gọi là “Tinh thần”.

 Trong Tinh thần này nó lại có 2 thứ:

    1- Thứ tưởng tượng gọi là “Vọng tâm”.

    2- Tự nhiên thanh tịnh gọi là “Chân tâm”.

Cái chân tâm này, Đức Phật gọi là cái “Như Như chân thật”.

Người tu pháp môn “Tịnh Độ tông” này phải tu như sau thì mới đúng với lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy:

   – Các ông niệm là nhớ, mà phải nhớ cái “Như Như chân thật” thì mới đúng; còn các ông nhớ Đức Phật A Di Đà là sai!

  Vì sao sai?

  – Vì hình bóng Đức Phật A Di Đà là cái ảo bóng của vật lý. Nên Như Lai có dạy trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật như sau:

  – Khi các ông niệm Phật, mà nhận thấy rõ ràng ở trong tự nhiên thanh tịnh: trong sáng, mát diệu, trùm khắp, đó là “Chân Như” của các ông đó, sống với cái Chân Như ấy là phải.

  – Còn các ông niệm mà thấy hình bóng bất cứ Đức Phật nào đều là giả dối. Vì vậy, Như Lai dạy các ông: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” (Phùng Phật sát Phật, Phùng Tổ sát Tổ).

 Cái Như Như chân thật này, Đức Phật gọi là Phật Tánh, Phật Tri Kiến, chân Tâm, Tánh Giác, Bản Lai Diện Mục, hay Viên Giác Tánh, v.v… Chính là “Đạo Nhân vô tu vô chứng” mà trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật đã dạy.

Trên đây là 8 cách tu niệm Phật mà các thầy dạy gọi là tu Tịnh Độ. Trong 8 cách niệm, chỉ có cách thứ 8 là vào được “Bể Tánh thanh thịnh Phật Tánh” của chính mình, tức vào được Niết Bàn (vô sanh); còn 7 cách trước đều bị vào các cõi hữu sanh hết. Trong 33 vị Tổ Thiền tông, Tổ 29 là Huệ Khả, Ngài cũng “Niệm Phật” là niệm cách thứ 8 này vậy.

– Xin trở lại vấn đề, nãy giờ chúng tôi vẫn chưa trả lời cho câu hỏi đầu tiên của quý vị, đó là Thiền tông có cần tha lực của Mười Phương Chư Phật không ? Chúng tôi xin khẳng định như sau :

  1. Nếu quý vị không có một chút Công Đức nào, thì cho dù quý vị có công phu bao nhiêu năm, hành thiền kiểu gì, dụng công niêm mật thế nào đi nữa, cũng không thể Giải thoát được. Vì sao vậy ?

– Vì ví như, chúng ta muốn định cư sang nước ngoài. Mặc dù chúng ta có mơ tưởng về nước đó thế nào, thông thạo về nước ấy ra sao … Nhưng ngặt nỗi, chúng ta không có nỗi một “đồng bạc” nào trong túi, để mua vé máy bay, thì cũng vô phương vậy.

  1. Nếu chúng ta có Công Đức thật lớn thì tự mình vượt được cửa “Hải triều Dương”, để trở về sống trong Phật Giới, không cần nhờ đến Chư Phật giúp đỡ. Trường hợp này, giống như chúng ta có một “kho vàng” trong người rồi, mặc sức mà đến nơi mình muốn.
  2. Nếu chúng ta có Công Đức thật ít, thì quý vị phải ít nhất đạt được “Bí mật Thiền tông” mới hi vọng biết đường vượt cửa “Hải triều Dương”. Tại sao vậy?

– Vì theo quy định của Đức Phật, khi quý vị đạt được “Bí mật Thiền tông”, mới được cung cấp đầy đủ lời dạy pháp gốc của Ngài, chỉ rõ chúng ta phương cách vượt qua cửa “Hải triều Dương”, khi chúng ta lìa bỏ thế giới này. Ngoài ra, nếu lực chúng ta yếu thì phải cần một chút lực trợ giúp của Chư Phật. Lời chỉ dẫn vượt cửa “Hải triều Dương” của Đức Phật Thích Ca lúc này đây, giống như một tấm bản đồ giúp chúng ta biết đường trở về Phật Giới.

– Giống như, chúng ta đang đứng ở bến xe. Nhiều người mời mọc chào đón, dụ dỗ ta, nói rằng xe của họ sẽ đưa ta “về quê” của mình. Nếu chúng ta không biết, chắc chắn sẽ mắc bẫy của họ ngay. Giống như người mù, ai nói gì nghe theo, ai dẫn đâu đi theo đó. Nhưng nếu chúng ta có được bản đồ chỉ dẫn, biết được đường đi nước bước rõ ràng thì hoàn toàn khác. Trường hợp này, ví như chúng ta mua vé nhưng chỉ thiếu ít tiền, thì may ra có người khác còn giúp đỡ được.

Lúc này, vị đi cùng chúng tôi cũng có một thắc mắc và đem hỏi tiếp vị đại diện chùa :

– Theo như quý thầy nói ở trên, cõi Tịnh Độ là cõi hữu sắc, tức vẫn còn nằm trong qui luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Như vậy Đức Phật A Di Đà ở cõi đó, không lẽ Ngài cũng chịu theo qui luật đó hay sao?

Vị đại diện chùa khẽ cười và hỏi lại chúng tôi:

– Như vậy theo như quý vị, Đức Phật A Di Đà ở cõi Tịnh Độ sống hoài hay sẽ chết?

Người trong đoàn chúng tôi trả lời:

– Theo như chúng tôi, Đức Phật A Di Đà đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi. Mà đã là một vị Phật rồi thì làm gì có sanh và có tử! Như vậy có đúng không, thưa quý thầy?

Vị đại diện chùa tiếp tục hỏi lại chúng tôi:

– Thế quý vị có bao giờ nghe danh từ Phật Giới và Phật Quốc chưa?

– “Phật Giới và Phật Quốc không phải là giống nhau hay sao, tức là chỉ nơi của Đức Phật sinh sống. Như vậy có phải không?”. Chúng tôi vừa đáp, vừa hỏi lại.

Vị đại diện chùa nói:

– Quý vị chỉ trả lời đúng 50% thôi. Theo Huyền Ký của Thế Tôn, danh từ Phật Giới là nơi Mười Phương Chư Phật đang “sinh sống”, nằm trong “Bể Tánh thanh tịnh Phật Tánh”, được cấu tạo bằng Điện từ Quang trùm khắp. Điện từ Quang này cũng có dao động nhưng dao động trong mức độ thanh tịnh. Chính Điện từ Quang này chuyên chở các thứ để Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Pháp và Tánh Biết hoạt động được. Nhưng Điện từ Quang này không bị sức cản của Vật lý Âm Dương nên chuyên chở được các thứ trên đi trùm khắp. Cũng nhờ Điện từ Quang này mà Chư Phật mới giao tiếp hoặc nhìn thấy được với nhau. Bởi vậy trong các Kinh, chúng ta thường đọc thấy Đức Phật Thích Ca, kể cho chúng ta nghe về các cõi của những Đức Phật khác, đang giáo hóa ở các nơi trong khắp càn khôn vũ trụ này vậy. Đức Phật Thích Ca chính nhờ sử dụng loại Điện từ Quang này để Nghe, Thấy, Biết và phát ra tiếng Pháp khi cần phát vậy.

– Còn Phật Quốc (còn gọi là cõi nước của vị Phật) là nơi các vị Phật “làm việc”. Ví như Đức Phật A Di Đà, cõi Tịnh Độ chính là Phật Quốc của Ngài. Chúng ta hãy nhớ lại lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Ngài nguyện khi thành Phật, cõi nước của Ngài được trang nghiêm thanh tịnh, không có kẻ tham ác, không bị đọa ba đường khổ, đồ dùng của thiên nhân đều sáng đẹp rực rỡ, tuổi thọ chúng sanh sống rất lâu xa, v.v… Đây chính là sở nguyện lập quốc của Ngài. Như vậy, Ngài lập quốc bằng cách nào, quý vị biết không?

– “Thưa không”. Chúng tôi đáp sau giây lát suy nghĩ.

– Ngài lập quốc bằng cách sử dụng một phần trong số Phước báu vô lượng của Ngài để tạo nên cõi Tịnh Độ. Như Phước báu để tạo nên cõi nước thanh tịnh trang nghiêm, tạo ra những cây cối, cảnh vật, chim chóc, v.v… như trong Kinh A Di Đà miêu tả rất nhiều. Cho nên trong Kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới gọi là Báu thân. Không chỉ có Ngài lập quốc thôi đâu, mà có hằng hà sa số vị Phật lập quốc khác nhau trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới này. Không những thế, người trên trái đất của chúng ta cũng có thể lập quốc được bằng cách sử dụng Phước báu lớn của mình.

– Chúng tôi xin mạn phép lấy ví dụ điển hình, như Ngài tỷ phú người Mỹ – Bill Gates chẳng hạn. Nếu nói theo nhà Phật, ông là người có Phước báu vô lượng vì ông là một trong những người giàu nhất thế giới hiện giờ. Nếu muốn, ông có thể sử dụng số tiền của mình để lập một quốc gia nhỏ chẳng hạn. Quốc gia của ông có thể có đủ mọi thứ ông muốn theo sở nguyện, hoặc ông chỉ cho phép chọn lọc ra những người thiện, những người thích tu tập thanh tịnh, v.v… đến nơi ông ở thôi; còn những kẻ tham ác, gian xảo thì được loại ra và không cho đến, v.v… Ngoài ra, ông cũng có thể cho lát đất toàn bằng vàng, trồng đầy đủ các loại thứ hoa báu, nuôi nhiều chim muông quý hiếm, v.v…

– Ông là người có tấm lòng rất tốt, làm Phước thiện rất nhiều. Thành lập cả một quỹ từ thiện mang tên vợ chồng ông – Bill & Melinda Gates Foundation Trust, quyên góp cả những 30 tỉ USD, chuyên giúp đỡ những người nghèo khó. Thật đang quý và trân trọng biết bao. Thế nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đó cũng chỉ là Phước báu vô lượng mà thôi. Giá như ông biết cách chuyển từ Phước Đức sang Công Đức, cho chính bản thân ông thì tốt biết mấy.

– Như vậy, Phật Giới là dùng để chỉ nơi Chư Phật “sinh sống”. Còn Phật Quốc là nơi Chư Phật “làm việc”, để giáo hóa chúng sanh chẳng hạn. Giống như ở trái đất này, nơi ở và nơi làm việc, tiếp khách của Tổng thống hay Chủ tịch nước cũng khác nhau vậy. Trở lại câu hỏi Đức Phật A Di Đà có chết hay không?

– Như chúng tôi đã nói trên, hình tướng Đức Phật A Di Đà đang ở cõi Tịnh Độ giáo hóa chỉ là một phần Phước báu trong vô lượng Phước báu của Ngài mà thôi. Mà đã là Phước báu thì phải theo chiều Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Nhưng quý vị hãy yên tâm, không đến lượt chúng ta có thể tính đếm được Phước báu vô lượng của Ngài đâu. Thế nhưng, Pháp Thân thanh tịnh (còn gọi là Kim Thân) của Đức Phật A Di Đà sẽ không bao giờ chết, Ngài vẫn đang ở bên kia “Bể Tánh thanh tịnh Phật Tánh”.

Quả thật, được nghe những lời này từ Huyền Ký của Đức Phật mà quý vị sưu tầm, chúng tôi thật không biết nói sao nên lời, chỉ có thể thốt lên rằng: Thật quá hạnh phúc cho chúng tôi!

Trích quyển “Chùa Thơ – Dấu ấn Như Lai Thanh Tịnh Thiền” – tác giả Hoàng Tịnh.